Cách đây vài năm, Đoàn Tuấn đã có cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang nhan đề "Mùa chinh chiến ấy". Một tác phẩm có thể nói là dày dặn nhất, mãnh liệt nhất, hiện thực nhất viết về cuộc chiến đấu của những người lính Việt tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Như chưa thỏa nỗi lòng với đồng đội mình, nhất là với những đồng đội không bao giờ còn được trở về nhà như mình, Đoàn Tuấn lại viết tiếp "Một trăm ngày trước tuổi hai mươi" (NXB Trẻ - 2019). Một tiểu thuyết ngắn, thời gian tiểu thuyết chỉ diễn ra trong đúng 100 ngày, đó là 100 ngày người lính chuẩn bị đi vào chiến trường, một trăm ngày chưa có chiến tranh nhưng đầy những dự cảm về cuộc chiến sắp tới. Vẫn là chiến trường Campuchia. Vẫn những người lính tuổi hai mươi, chỉ 5 năm sau thế hệ những người lính tuổi hai mươi đi vào chiến trường chống Mỹ.
Hai cuộc chiến tranh gần như liên tiếp nhau. Tôi chợt nhớ những câu thơ của thi sĩ Hoài Anh viết về đêm bùng nổ toàn quốc kháng chiến chống Pháp, 19-12-1946: "Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy/ Ra phố mua một bao thuốc lá/
Chín năm sau anh mới trở về nhà/ Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn thủ đô". Đó là một chàng trai Hà Nội ngày khởi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Chuyện rời nhà đi chiến trường của anh cứ nhẹ như không.
Bìa sách “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”
Khi bước vào cuộc chiến tranh thứ ba, nếu kể cuộc chống Pháp là thứ nhất, bạn Đoàn Tuấn của tôi, một chàng trai thủ đô, không có được cái tâm thế quá nhẹ nhàng như vậy, không quá tình cờ như vậy nhưng cũng không nhiều dằn vặt. Khi nhận giấy báo nhập ngũ, ngay trong ngày biết kết quả thi đại học, biết mình đã đỗ vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đoàn Tuấn vẫn dằn lòng xuống: "Vậy thì đi. Cái chuyện hệ trọng, mình nhìn nhận sao cho bình thường. Cái chuyện nặng nề, mình làm sao cho nó nhẹ nhàng" (tr.16).
"Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc" - năm 1974, tôi có viết một bài thơ ngắn, trong đó có câu thơ như vậy. Đó là thời điểm cách ngày 30-4-1975 tới hơn một năm và khi tôi đã ở chiến trường Nam Bộ. Cái dằn lòng của Đoàn Tuấn, dù anh không nói dài hơn nhưng tôi nghĩ, nó không thể không nặng nề. Vì nói thật, cuộc ra đi chiến trường của thế hệ chống Mỹ chúng tôi vẫn khác nhiều với cuộc ra đi sang chiến trường Campuchia của thế hệ Đoàn Tuấn sau đó. Đừng nghĩ cuộc chiến tranh nào cũng như nhau. Tôi đã có dịp trò chuyện với nhiều cựu binh từng tham chiến ở Campuchia, điều mà họ cảm thấy đau đớn nhất là họ chiến đấu khi không có nhân dân mình ở phía sau che chở, bảo bọc. Họ rất cô đơn, dù bên cạnh vẫn là đồng đội. Trong khi thế hệ chống Mỹ chúng tôi, luôn sống và chiến đấu trong lòng nhân dân, được nhân dân nuôi nấng, che chở.
Sau khi đã đọc mấy tác phẩm viết về chiến tranh của Đoàn Tuấn, tôi nghĩ anh chịu ảnh hưởng khá đậm đà từ E.M.Remarque. Việc chịu ảnh hưởng này do có sự đồng cảm, cộng cảm sâu sắc giữa một nhà - văn - lính - Việt khoảng gần cuối thế kỷ XX với một nhà - văn - lính - Đức vào đầu thế kỷ XX, trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Khoảng cách có thể cả thế kỷ nhưng sự đồng cảm thì bất chấp thời gian. Được sự ảnh hưởng từ văn hào Remarque - một nhà văn tầm thế giới viết về chiến tranh - là một may mắn lớn cho Đoàn Tuấn. Cách nhìn, cách viết về chiến tranh của Remarque là cách của chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt. Đoàn Tuấn cũng vậy. Không từ chối cả những chi tiết sống sượng, khi nó là hiện thực. Có một câu hát từ đâu đó: "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa". Đúng như vậy. Những nhà văn đã tham chiến đều chọn cách viết hiện thực khi mô tả chiến tranh. Thậm chí, đi đến tận cùng của sự thật.
Cách đây đã nhiều năm, khi Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc - hai anh lính tình nguyện tham chiến ở chiến trường Campuchia in chung một tập thơ "Đất bên ngoài Tổ quốc", tôi đã nói với Tuấn: "Các bạn phải có trách nhiệm viết về cuộc chiến tranh này, nếu không, khi thế hệ các bạn đi qua, cuộc chiến tranh dữ dội và đau đớn ấy có thể bị rơi vào quên lãng". Nếu cuộc chiến tranh chống Mỹ đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ tham gia và sáng tác thì ở cuộc chiến Campuchia, vì những đặc điểm rất riêng của nó, sẽ không có nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến này. Nhưng máu xương những người lính Việt thì vẫn vậy, không khác.
Ở tác phẩm của Đoàn Tuấn, cái làm tôi nhớ nhất vẫn là những chi tiết. Những chi tiết hết sức bình thường, thậm chí tầm thường, nhưng nó sống, nó hiện thực. Không tránh né hiện thực cuộc chiến, viết như trải lòng, như trả món nợ ân tình với đồng đội mình, Đoàn Tuấn là nhà văn hiếm hoi viết về cuộc chiến này và găm được vào người đọc không ít điều nhắc nhớ. Rất nhiều câu chuyện, vui có, buồn có, đau đớn có, được tác giả kể một cách hồn nhiên trong cuốn sách, sự hồn nhiên của tuổi hai mươi khiến chúng ta phải ngậm ngùi: "Chúng tôi thỉnh thoảng về Hòa Bình (nơi luyện quân trong 100 ngày hồi đó), thăm nơi đóng quân cũ. Thấy những hộ dân còn nghèo, chúng tôi hỗ trợ cho nhà mua cái xe máy, nhà thì nuôi đàn dê, nhà có cái tivi… Đồng đội bảo tôi, ông nên viết lại chuyện buổi đầu chúng tôi đi lính ra sao. Suy nghĩ mãi, mới dám cầm bút" (Vĩ thanh).
Riêng tôi, cứ bồi hồi khi tác giả kể trong "Vĩ thanh" về nhân vật Phương, vì nghịch cảnh mà phải chia ly, sau này khi sang định cư ở Canada, đã có một cuộc sống yên bình, nhiều lần trở về Việt Nam trong vai giám đốc một công ty du lịch lữ hành. Cuộc đời vẫn có hậu, là như thế.
Bình luận (0)