Đến Kiên Giang đúng mùa "giỗ ông Trực", đông đảo người dân trong vùng không chỉ tới viếng đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá hay tham gia lễ hội mà còn ở lại để được xem cải lương của đoàn hát danh hài Thanh Nam.
Tinh gọn và chuẩn mực
Giữ trọng trách trưởng Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang hơn 40 năm, nghệ sĩ Thanh Nam chính thức nghỉ hưu đầu năm 2018. Đoàn hát này cũng nhận quyết định sáp nhập với Trung tâm Văn hóa Kiên Giang trong đợt cải cách tổ chức bộ máy nhân sự của tỉnh.
Khu vực ĐBSCL hiện có 6/13 địa phương có đoàn cải lương hoạt động độc lập, các địa phương còn lại không có hoặc nhập chung thành đoàn nghệ thuật tổng hợp. Số lượng đoàn cải lương ở ĐBSCL còn trụ vững không nhiều và hoạt động chủ yếu bảo đảm hai mục tiêu: Diễn phục vụ miễn phí theo chỉ tiêu của tỉnh, thành và tham gia liên hoan, hội diễn.
Nghệ sĩ Thanh Nam và nghệ sĩ Lệ Thủy trong vở “Tô Ánh Nguyệt”
Cụ thể, mỗi năm, Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang thường biểu diễn khoảng 50-70 suất tùy theo chỉ tiêu được giao để phục vụ khán giả. Trong những buổi biểu diễn đó, các nghệ sĩ cải lương được yêu cầu diễn trích đoạn hoặc ca cổ, ca nhạc, múa. Sức hấp dẫn mất dần nên khán giả "coi chùa" cũng hờ hững. Sự chuẩn mực trong ca diễn dù là "hàng khuyến mãi" cũng rơi rụng đi, thay vào đó là sự đối phó, diễn cho có, không ai xem cũng mặc.
"Tôi sống nhờ Tổ nghiệp, nợ này rất lớn. Nghỉ hưu, nếu hưởng phước riêng coi như mình phỉ báng lời nguyện cầu lúc trẻ rằng cho được hát hay, bà con thương, con sẽ cả đời phụng sự Tổ nghiệp. Vì vậy, tôi lao vào gầy dựng đoàn hát theo kiểu của mình" - danh hài Thanh Nam bày tỏ.
Ông tổ chức tinh gọn đội ngũ, với 10 diễn viên nòng cốt, ban nhạc cổ, ban hậu đài đủ để "hành quân". Tùy theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp mà đoàn dàn dựng chương trình. Vào mùa lễ hội Nguyễn Trung Trực, UBND tỉnh Kiên Giang đặt hàng danh hài Thanh Nam vì chương trình của ông dàn dựng hoành tráng, bảo đảm chất lượng nghệ thuật lại vừa có tính giải trí cao bởi mời được các nghệ sĩ ngôi sao từ
TP HCM về tăng cường: Lệ Thủy, Trọng Hữu, Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Trọng Phúc, Quế Trân… Đương nhiên, ông vẫn là một thương hiệu không thể thiếu trong vở diễn.
"Cải lương ĐBSCL "chết" là vì các đoàn quốc doanh cứ bám vào "bầu sữa" bao cấp, không tự đi tìm "chất dinh dưỡng" nuôi sống mình. Tôi đang vững lòng đi tới" - nghệ sĩ Thanh Nam tự tin.
Nhìn xa trông rộng
Hiện nay, sàn diễn cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc giữ chân nghệ sĩ, giữ chân khán giả để sàn diễn sáng đèn là nỗi ưu tư của người lãnh đạo phía sau cánh màn nhung.
Nghệ sĩ Thanh Nam nói nếu chỉ làm để sống trong mùa lễ hội thì không ổn, cải lương muốn đi vào đời sống phải bám rễ từ sự yêu thích của khán giả.
"Phải nhìn xa trông rộng. Tôi đến với bà con nông dân, nghe họ muốn coi tuồng gì. Giữa thời buổi giới trẻ quyết định hình thức giải trí cho người già - bộ phận khán giả chính của cải lương, việc thanh niên chở bà nội, ông ngoại hay đưa bố mẹ đi coi cải lương chắc chắn là khó, nói chi đến chính thanh niên vào xem. Cho nên, phải nghe ngóng, xem từng đối tượng khán giả thích gì thì mình nương theo nhu cầu của họ. Phải chọn lọc tuồng, sáng tác kịch bản theo nhu cầu, quan tâm của mọi độ tuổi. Công nghệ hiện đại phải được đưa vào ứng dụng cho cải lương. Chỉ cần một ngón tay chạm nhẹ màn hình là khán giả trẻ biết vở diễn có nghệ sĩ nào. Các clip quảng bá được đưa lên mạng, có các ngôi sao phát biểu, gọi mời, chính thương hiệu của ngôi sao sẽ kéo khán giả đến rạp" - nghệ sĩ Thanh Nam tâm đắc phân tích cách làm mà mình đang áp dụng.
Chính vì "nhìn xa, trông rộng", ông ký kết hợp đồng với nghệ sĩ ngôi sao để tái dựng các vở kinh điển: "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Người tình trên chiến trận", "Bóng hồng sa mạc", "Hòn vọng phu", "Kiếp nào có yêu nhau"… để lôi kéo thật đông khán giả. Sau đó, ông đặt hàng các soạn giả viết các vở đương đại, phản ánh đúng những cảm xúc của con người ngày nay trước sự thay đổi của xã hội, góp phần làm cho đời sống nông thôn văn minh hơn.
"Diễn phục vụ, anh ấy gom 3 suất vào 1, treo bảng hiệu, quảng cáo tên nghệ sĩ như một đoàn hát lớn, khán giả đến xem đông nghẹt. Qua đó, anh quảng bá cho việc bán vé suất diễn sau, cứ thế mà thắng đậm. Đúng là cách làm rất Thanh Nam" - nghệ sĩ Lệ Thủy nhìn nhận.
"Tôi quyết tâm trả món nợ với khán giả yêu thương mình. Tôi cứ từng bước làm, bằng chính nỗ lực của mình và trọng thị những góp ý, để đưa cải lương đến được với công chúng không phải với cách năn nỉ, xin chút thương hại mà hãnh diện bởi mình đủ sức giữ chân người xem bằng chất lượng và uy tín" - ông bầu gánh hát Thanh Nam bày tỏ.
Không thể quay lưng
Khó khăn đối với các đoàn cải lương ở các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ ngày càng nhiều, có đoàn không sống được nên đã giải thể. Đoàn Cải lương Ánh Hồng (Trà Vinh) và Đoàn Cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng) là ví dụ. NSƯT Thanh Nam cũng chạnh lòng mỗi khi nhắc đến món nợ ân nghĩa của mình đối với chiếc nôi nghệ thuật đã cho ông nhiều lộc Tổ: Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang. "Đã qua rồi thời hoàng kim, sân khấu cải lương ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo này. Một thời sân khấu cải lương là thánh đường nghệ thuật, tác phẩm cải lương là món ăn tinh thần chính của người Nam Bộ. Nguyên nhân thì có quá nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo đã phân tích nhưng giải pháp để cứu cải lương vẫn là lỗ hổng lớn" - nghệ sĩ Thanh Nam tâm tư.
Nghệ sĩ có hơn 50 năm gắn bó với sân khấu này cho biết ông không thể quay lưng với khó khăn của cải lương, với đời sống của anh em đồng nghiệp.
Bình luận (0)