xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm đi rồi tính!

Nguyễn Trần Thanh Trúc

Người dân TP HCM rộng lòng vậy đó. Sẵn sàng bỏ tiền đầu tư một thứ biết chắc chẳng thu lại được lời. Bởi họ cứ làm cho thỏa cái tâm trước đã, có gì tính sau

Đôi khi nhẩn nha nhớ, tôi thấy cái tình ở thành phố này sâu đậm quá, ai lỡ thương thành phố này rồi thì dù có đi đâu rồi cũng cứ dùng dằng đòi về cho bằng được.

Người TP HCM có thói quen bắt đầu một ngày bên ly cà phê đen đá. Những ngã tư ngồi xổm vài ba tủ hàng "take away" cho ai đó kịp bước chấm công mà vẫn thỏa mãn thú đủng đỉnh nhấm cà phê phin nhỏ giọt. Chất lắng đọng tinh túy hệt đôi mắt của mấy cô bán hàng bịt kín mít giữa nắng chang chang, bởi chỉ cần lộ mỗi màu đen ấy sau lớp khẩu trang cũng đã đủ nhìn ra được cái vui, mừng, hờn, giận của người phụ nữ cần lao.

Tôi hay ghé một tiệm trên đường Phạm Văn Đồng. Có bữa dậy muộn, vừa tấp vào lề gọi to: "Cho con 1 ly đem đi, như cũ" vừa loay hoay móc di động trong túi nhìn giờ. Chưa kịp định thần thì cô bán hàng đã gắt: "Trời đất ơi! Cưng cất điện thoại đi. Bị giựt rồi ở đó mà khóc!"

Đã vậy còn tâm lý tới độ ngó dọc ngang rồi phóc ngay ra bìa đường, cố ý che cho tôi có khoảng an toàn để mở ba lô bỏ vào như cũ. Nhìn loạt động tác liền mạch hệt đã diễn tập vô số lần, tôi chợt bật cười ha hả. Thành phố này đáng yêu vậy đấy, biểu sao mà nỡ rời xa cho được! Lúc ấy tự dưng nhớ tới bài hát "Lạc lối giữa Sài Gòn": "Cho anh ly cà phê, nhớ đừng bỏ thuốc gây mê/ Vì ai mà đã đến nơi đây thì thôi sẽ quên luôn đường về!"

Tôi thường đi công tác ở Thủ Đức. Lần nào ngang qua cũng thấy đoạn đường gần chung cư Cửu Long treo bảng "Ăn cơm trưa miễn phí". Quán đó khá nhỏ, nằm trong dãy nhà lụp xụp bằng tôn của những người thu nhập thấp. Có lần anh đồng nghiệp tò mò tính ghé thử, chú lái xe vội vã ngăn ngay: "Để phần cho người cần hơn đi con". Tôi ngồi ghế sau nghe vậy khẽ cười. Nơi này là vậy, lúc nào cũng sẻ chia được, kể cả khi bạn chẳng đóng góp một đồng bạc nào hết trọi hết trơn!

Làm đi rồi tính! - Ảnh 1.

Người dân TP HCM có thói quen bắt đầu một ngày với ly cà phê đen đá và sống bao dung, chan hòa với mọi người. Ảnh: HOÀNG HOA

Hay ở góc đường Điện Biên Phủ giao với Hoàng Sa, có một xe đẩy hàng nhỏ bên lề bày bán kính xe, mũ bảo hiểm mà cái bảng tên lại ghi là: "Đi đâu, chỉ đường miễn phí". Lắm lúc nghĩ bụng, hình như ông bà này treo hàng cho vui thì phải, chủ yếu là ngồi chỉ đường miễn phí cũng nên! Ai đời bảng hiệu không ghi tên hàng hóa hay giá cả, chỉ viết mỗi cái dòng bao đồng không ăn nhập chút nào hết trọi! Riết rồi xứ này cứ nhiều chuyện như thế, toàn những "chuyện lạ" cho người dưng.

Công ty tôi làm việc ở gần góc đường Võ Thị Sáu. Xế nào có việc ra ngoài cũng thấy mấy chú bảo vệ xúm quanh một cụ bà bán vé số gầy nhom. Các chú là khách quen của cụ. Mới đầu tôi nghĩ họ mê cái trò đỏ đen ấy, bởi ngày nào cũng đôi ba tờ mua giúp mà chả thèm ngó lựa coi cái số nào đẹp, số nào dễ trúng cả. Hiếu kỳ hỏi, mấy chú liền cười khà, rôm rả: "Không đáng bao tiền bây ơi! Ai cũng khổ hết, có điều thấy bả già rồi tao thương quá. Thôi coi như tao nhín lại điếu thuốc để cho bả kiếm chút cháo mà ăn".

Tôi cười theo. Người nơi này rộng lòng vậy đó. Sẵn sàng bỏ tiền đầu tư một thứ biết chắc chẳng thu lại được lời. Bởi họ cứ xởi lởi ruột để ngoài da, cứ làm cho thỏa cái tâm trước đã rồi có gì… tính sau vậy.

Từ ấy, thỉnh thoảng tôi cũng mua giúp cụ bà vài tờ. Sau câu cảm ơn sốt sắng, cụ quay đi, để nắng gọt lưng cụ đẫm mướt. Nhìn đôi tay nhăn nheo run rẩy đó mà tim ai cũng giật phắt như chạm phải cục than bỏng. Thành phố tấp nập này vội vã với cụ quá, cuốc bộ qua mấy ngả đường cũng chẳng hết được xấp vé số chiều xổ trên tay. Nhưng tấm lòng nơi chân cụ bước qua cũng hào sảng quá, kẻ lạ người dưng mà cứ nhín nhịn dành tiền mua giùm đôi ba tờ "giấy hứa" chỉ để… cho vui cái bụng.

Khi phố lên đèn thì nhịp sống nơi đây chợt hối hả. Những ngã tư, ngã ba đều lúc nhúc xe cộ đợi đường thông. Tôi thường bắt gặp mấy em sinh viên phát tờ rơi ở mấy nơi đó. Tan tầm vội vã nhưng chả mấy ai khó chịu hay cằn nhằn. Chị tôi mỗi lần lấy xong, đều nhét ngay vào cái kẹp đồ trên xe máy, chờ có thùng rác hoặc về tới nhà mới tống tiễn chúng đi. Chị hay nói mình lấy giùm tờ rơi là để giúp người ta được nghỉ sớm. Nhưng nếu mình vứt chúng xuống đường thì cô chú lao công lại phải về muộn. Hạnh phúc của một người, không nên được xây dựng trên sự khổ sở của ai khác. Đã giúp thì giúp cho trót mới đặng yên lòng.

Thế đấy, tâm tính người dân TP HCM lạ lắm, cứ như mưa nơi này, thích là ào ào tới liền, xong là dứt ngay chẳng chần chờ. Bởi, cứ làm đi, giúp đi, rồi… mai mốt tính sau cũng được. 

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo