Trên sân khấu cải lương, chương trình ca cổ, thậm chí biểu diễn trích đoạn, múa được đưa vào tràn lan, lạm dụng quá mức; hầu hết chỉ để trang trí chứ không đi vào nội tâm nhân vật, phục vụ diễn xuất của nghệ sĩ. Phải chăng đó là giải pháp của việc thử nghiệm mới nhằm lôi kéo khán giả?
Quá rườm rà
Nhiều thập niên qua, những sáng tạo vượt bậc của nghệ thuật múa đã gặt hái được nhiều thành quả qua sự cải biên, phát triển dựa theo bản sắc dân tộc và không làm mất hồn cốt, chuẩn mực của nghệ thuật múa. Thế nhưng, hiện nay, quá nhiều vở diễn đưa múa chen vào đầy cưỡng ép.
Theo NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ thuật múa sẽ là ngôn ngữ độc đáo khi kết hợp hài hòa với nội dung vở diễn; còn nếu lạm dụng sẽ phản tác dụng. "Căn bệnh" này đã và đang làm mất đi vẻ đẹp thuần chất của cải lương.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, phân tích nên phân biệt múa trang trí với vũ đạo trong nghệ thuật sân khấu cải lương. Bất kỳ đạo diễn nào muốn dàn dựng bằng hình thức mượn nghệ thuật múa làm ngôn ngữ thay thế tiếng lòng nhân vật, thay đổi bối cảnh, không gian thì phải tránh lạm dụng, đẩy múa vào chỗ minh họa, trang trí.
"Khi muốn khai thác múa và biến nó thành ngôn ngữ phục vụ diễn xuất của nghệ sĩ thì phải đặt đúng trọng tâm. Hiện nay, sự lạm dụng này đáng báo động" - NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Điểm đặc trưng của vũ đạo trong cải lương là tính biểu trưng rất cao và cường điệu hơn rất nhiều so với những động tác trong cuộc sống thường nhật. Khác với múa trang trí, diễn viên cứ chạy ra, chạy vào lấp đầy sàn diễn mà không biết tiết mục múa đó nói lên điều gì. Gần đây, một đơn vị nghệ thuật dựng vở "Xử án Thượng Dương", lớp nhân vật nữ tự kết liễu đời mình, tự dưng 20 diễn viên múa xuất hiện, che khuất cả nhân vật chính. Hoặc các bài ca cổ được dàn dựng trên màn ảnh nhỏ, trừ khi diễn viên vô câu vọng cổ là động tác diễn viên múa dừng lại, còn thì cứ múa loạn xạ khiến người xem mất tập trung khi muốn thưởng thức trọn vẹn bài vọng cổ.
NSND Minh Vương nói: "Tôi thường yêu cầu với các biên tập, tiết mục ca cổ của tôi không cần sử dụng múa. Nếu ở lễ hội văn hóa hoặc sự kiện lớn cần tiết mục mở màn xôm tụ thì múa, còn lại bài ca cổ phải được thể hiện trọn vẹn cảm xúc của nghệ sĩ".
Thí sinh tranh tài tại Cuộc thi Tài năng diễn viên múa 2020
Cần chấn chỉnh kịp thời
NSND Trần Minh Ngọc, đại diện Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM, kể ông xem nhiều vở cải lương, cảm giác rất ngượng khi diễn viên múa mặc đồ bó sát người, có nhiều vở múa chẳng nói lên điều gì mà dân trong nghề thường gọi là "lấy thịt đè người". Vấn đề này cần cảnh báo để điều chỉnh. Việc tạo ra động tác hình thể cho hệ thống nhân vật, nói lên tiếng lòng của số phận thì chỉ cần 1-2 diễn viên múa, bằng động tác uyển chuyển, lắng đọng cảm xúc sẽ đạt hiệu quả tối ưu. Mặt khác, do diễn viên cải lương không phải ai cũng biết múa nên khi hòa quyện cùng dàn múa trang trí thì lập tức "lệch đội hình".
"Xét từ góc độ nghệ thuật biên đạo, việc chưa nhận rõ khả năng biểu hiện của múa trong cải lương là một hạn chế của nhiều đạo diễn trẻ hiện nay. Do đó, khi nói đến vai trò cách tân đối với sân khấu cải lương, việc lạm dụng múa, chưa đạt được trình độ thẩm thấu khiến múa trở nên lạc lõng" - NSND Trần Minh Ngọc nhận định.
Trong tiến trình lịch sử của sân khấu kịch hát dân tộc Việt, về phương diện múa, không có sự loại trừ nhau mà trái lại còn bổ sung cho nhau về phương tiện biểu hiện. Nếu muốn tiếp cận khán giả, "bắt nhịp" với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, sân khấu cải lương phải đổi mới hình thức. Hàng loạt vở diễn được các nhà hát mạnh dạn đầu tư, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ đưa những thành quả sáng tạo mới nhất lên sàn diễn nhưng vận dụng múa kém hiệu quả, dẫn đến sự nhàm chán thì sẽ gây ra tác động ngược.
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Trường ĐH Văn hóa TP HCM, cho rằng thiếu lực lượng khán giả say mê và hiểu biết cải lương là một trong những nguyên nhân chính khiến sân khấu cải lương xuống dốc. Vì vậy, cách thể nghiệm đưa múa vào cải lương chưa đạt hiệu quả mà hội đồng nghệ thuật đã nhắc nhở nhiều lần. Giải pháp chấn chỉnh là buộc nhà hát phải loại bỏ những phần múa kém hiệu quả, trang phục không phù hợp ra khỏi vở diễn.
Mới đây, trong khuôn khổ dự án "Di sản kết nối" do Hội đồng Anh tổ chức, một số nghệ sĩ tham gia cũng đã lên tiếng về vấn đề này và nhận nhiều phản hồi tích cực từ đông đảo khán giả, nhất là khán giả trẻ. Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), nhấn mạnh: "Cứ nghĩ người trẻ hôm nay sẽ thích nghệ thuật cải lương khi nhìn thấy sàn diễn sôi động, múa may quay cuồng là sai. Vốn dĩ nghệ thuật cải lương là tự sự. Để họ hiểu rồi họ sẽ yêu cải lương thì cần trả lại đúng chuẩn mực của cải lương".
Theo các nhà chuyên môn, để bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương, thu hút được khán giả trẻ, vấn đề đặt ra là các đạo diễn không thể dừng lại ở việc đưa múa vào vở một cách bừa bãi mà bên cạnh tính kinh điển của nghệ thuật cải lương, cần có nhiều vở diễn mới khai thác được tính thời đại, đề cập đến vấn đề mang tính thời sự, trong đó nghệ thuật múa được đặt đúng chỗ.
Trên quan điểm này, Hội Sân khấu TP HCM sẽ tổ chức tọa đàm để các nhà chuyên môn, trong đó có đạo diễn cải lương, nói về vấn đề này. Do trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng cao, bên cạnh việc bảo tồn những vở kinh điển, hình thức dàn dựng đổi mới cần không lạm dụng quá nhiều những bộ môn yểm trợ, xoáy vào trọng tâm ca diễn, tính tư duy và linh hồn của cải lương là âm nhạc. Cải lương đưa hết các loại hình múa vào, dung nạp để làm mới nhưng phải chọn lọc, nếu không sẽ lạc lối.
Bình luận (0)