xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lắm tỉnh đăng ký chọi trâu

Bài và ảnh: Yến Anh

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhiều địa phương đua nhau xin giấy phép tổ chức lễ hội chọi trâu, nếu không được thì xin chọi dê, đua ngựa (!)

Làm thế nào để quản lý các lễ hội chọi trâu, ngăn chặn tình trạng phản cảm, thương mại hóa trong lễ hội là những vấn đề nóng được nêu lên tại hội nghị triển khai công tác quản lý lễ hội năm 2018 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức ngày 2-2.

Bị dừng tổ chức chọi trâu: Không phục!

Lãnh đạo Sở VH-TT-DL Tuyên Quang cho hay người dân tình này chưa đồng tình khi bị dừng tổ chức lễ hội chọi trâu với lý do "phản cảm, bạo lực".

"Chọi trâu thì ở đâu cũng có những hình thức giống nhau. Hai con trâu ở Hải Phòng đấu với nhau có khác gì 2 con trâu ở Tuyên Quang. Nhưng hiện nay, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn được phép diễn ra, còn ở Tuyên Quang và nhiều địa phương khác phải tạm dừng vì lý do... phản cảm, bạo lực. Khi chúng tôi giải thích với người dân thì họ không chịu và chưa thật sự tâm phục khẩu phục" - lãnh đạo Sở VH-TT-DL Tuyên Quang bày tỏ.

Theo vị này, tỉnh đã tạm thời dừng cấp phép lễ hội chọi trâu nhưng vẫn mong Bộ VH-TT-DL có hướng dẫn cụ thể về việc thế nào là phản cảm, tại sao lại không được phép.

Lắm tỉnh đăng ký chọi trâu - Ảnh 1.

Cướp phết bạo lực tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Trước băn khoăn của nhiều địa phương, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, khẳng định chủ trương của bộ chỉ đạo xuống các địa phương là phải rà soát các lễ hội. Những lễ hội nào có yếu tố phản cảm, kích động bạo lực nhất định không cấp phép tổ chức.

Sở dĩ các lễ hội chọi trâu tại nhiều địa phương ngày càng trở nên phản cảm vì sau các sới chọi là bày bán, giết mổ trâu ngay tại lễ hội, có nơi còn biến trụ sở chính quyền địa phương, trường học làm nơi bán thịt. Nhiều địa phương nhân việc tổ chức chọi trâu còn bán vé kinh doanh thương mại, xuất hiện hình thức cờ bạc, cá cược trá hình, gây bất ổn trên địa bàn.

"Nếu các địa phương chỉ vì lợi ích kinh tế mà không nhìn vào mặt trái thì lễ hội sẽ loạn. Bộ không quyết liệt chấm dứt những lễ hội phản cảm thì cả nước sẽ đua nhau tổ chức chọi trâu. Quan điểm của bộ là năm 2018 quán triệt việc không tổ chức những hoạt động lễ hội bạo lực" - bà Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, đặt vấn đề tại sao nhiều doanh nghiệp, đơn vị lại hăng hái nộp đơn đề xuất xin đăng ký chọi trâu đến vậy. Nếu không được chọi trâu lại xin cấp phép chọi dê, đua ngựa.

"Ở đây chắc chắn có mục đích lợi nhuận. Chúng tôi đề nghị Cục Văn hóa cơ sở phải có hình thức rà soát, làm việc với các địa phương về vấn đề này để giải thích cho địa phương và người dân hiểu sâu xa của các lễ hội" - ông Phúc nói.

Ném tiền, cướp lộc là phi văn hóa

Cũng tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy yêu cầu làm thế nào để chấm dứt những hình ảnh không đẹp đã từng xảy ra như phát lộc tại chùa Hương, chen lấn xô đẩy tại đền Sóc (Hà Nội), cướp lộc, ném tiền vào kiệu rước tại đền Trần (Nam Định)...

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định thừa nhận mặc dù đã có nhiều biện pháp hạn chế những tiêu cực nhưng ban tổ chức lễ hội đền Trần vẫn gặp không ít khó khăn trong việc ngăn cản người dân tranh giành, cướp lộc tại khu làm lễ. Điển hình như năm 2016, người dân cướp lộc ngay trong khu vực chính điện. Năm 2017, tình trạng này được khống chế thì người dân lại ném tiền lẻ khi kiệu rước đi qua.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy kiên quyết yêu cầu ban tổ chức lễ hội đền Trần phải xử lý triệt để 2 vấn đề tồn tại là cướp lộc trong đền và ném tiền vào kiệu rước vì đây là những việc làm phi văn hóa, không đúng với tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc khẳng định không có chuyện ném tiền với cướp lộc ngay trên bàn thờ các cụ thì sẽ nhận được lộc, được may mắn. "Nếu là thời xưa thì những người ném tiền, cướp lộc sẽ bị chém đầu vì tội khi quân. Phải căn cứ vào thực tế để có giải pháp phù hợp" - ông Phúc nhấn mạnh.

Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng nói thêm ngày khai hội đền Trần, người dân chen lấn xô cướp rất ít, chủ yếu là khách mời.

Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL khẳng định không bao giờ tuyệt đối hóa được việc quản lý lễ hội, đòi hỏi lễ hội diễn ra phải tròn trịa, không có vấn đề nảy sinh bởi lẽ lễ hội là nơi tập trung đông người với đủ thành phần, tầng lớp, trình độ văn hóa. Tuy nhiên, các địa phương cần phải nhìn rõ những hạn chế, yếu kém của mùa hội trước để khắc phục trong mùa lễ hội này. 

Xem xét phạt nguội người vi phạm trong lễ hội

Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc cho rằng chúng ta chưa có hình thức xử lý nghiêm túc, kiên quyết những người vi phạm. Cán bộ, đảng viên tham dự lễ hội nếu vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật ra sao, chúng ta chưa làm được. Cán bộ, đảng viên còn "chen cướp" thì nói gì đến người dân.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói thêm rằng vi phạm luật giao thông còn có hình thức xử nguội, tại sao các địa phương không thử áp dụng biện pháp này. "Báo chí, truyền hình đã ghi lại rất rõ những người vi phạm nhưng thực tế là chúng ta chưa kiên quyết xử lý. Không phải chúng ta không quản lý được mà là do chúng ta chưa kiên quyết" - Thứ trưởng khẳng định.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo