Gần 40 tuổi, số lần tôi đến TP HCM chỉ tính trên đầu ngón tay. Tôi sống tại TP HCM chỉ tính bằng ngày, bằng giờ chứ không phải tháng, năm. Tôi lướt qua TP HCM trong những chuyến đi.
Mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi từ tận ngoài Bắc, một mình lên "xe gửi" đi đến miền Nam lạ lẫm để thăm người thân. Bước xuống xe, tôi cảm thấy như lạc lõng giữa phố thị phồn hoa, tôi ngơ ngác kiếm tìm và hoang mang tột độ. Trong tay tôi giờ này chỉ là một mảnh giấy ghi địa chỉ, tên xe cần lên cho chuyến tiếp.
Lần đó, tôi chỉ ngang qua TP HCM. Từ bến xe miền Đông, tôi sẽ phải bắt xe tiếp để đi Cần Thơ – nơi có cậu mợ tôi. Không thể nói hết cảm xúc của tôi lúc đó. Tôi không quen ai cả. Một cảm giác bơ vơ, lạc lõng, sợ hãi đến tột độ. Ai cũng tất bật với công việc của mình. Tôi thực sự muốn khóc.
Trong người còn đang ngầy ngật vì say xe, tôi rụt rè ôm ba lô ngồi thu lu vào một chỗ. Bỗng một cô lớn tuổi đi đến, chìa ra tập vé số mời tôi mua. Tôi mệt mỏi lắc đầu. Có lẽ nhận ra tôi là một "người lạ đất", cô ngồi lại bên tôi, xởi lởi:
- Cưng ở xa đến phải không? Đi đâu đây?
- Cháu bắt xe về Cần Thơ.
Tôi uể oải. Chuyến xe Bắc – Nam đã quần tôi đờ đẫn.
- Ngồi đây nha.
Vừa nói cô vừa rảo bước đi. Một lát sau, cô quay lại đưa tôi chai nước suối, giục:
- Này, uống đi cho tỉnh táo. Chừng ba mươi phút nữa xe Cần Thơ mới chạy à.
Thấy tôi ngần ngại, cô cười:
- Yên tâm đi... Thấy cưng một mình mỏi mệt nên dì giúp vậy thôi. Chút xíu nữa vào quầy mua vé nha.
Nói rồi cô vội đi, cũng nhanh như khi cô đến vậy. Cô không nhắc gì đến tiền chai nước. Tôi đang mệt, cũng chẳng nghĩ được nhiều, đến khi nhớ ra thì cô đã đi tận đâu rồi. Tôi nghĩ mãi không hiểu nổi. Người TP HCM lạ thật. Chai nước đó, cô phải đi bao nhiêu đoạn đường, mời bán bao nhiêu tờ vé số mới mua được. Vậy mà lại cho không tôi – một người xa lạ.
Giữa phố thị phồn hoa, người dân TP HCM sống yêu thương, chan hòa Ảnh: HOÀNG HOA
Gần hai chục năm sau kể từ ngày ấy, tôi mới có dịp quay lại TP HCM. Lần này không phải đi chơi mà tôi vào để khám bệnh. So với lần đầu tiên tôi đến thì bây giờ TP HCM đã thay đổi nhiều lắm. Dường như xe cộ, người người đông hơn nữa. Tôi bước xuống ga tàu, những gương mặt cười lướt qua nhau một cách vội vã. Tôi bấy giờ đã khác, đã dạn dĩ hơn nhiều, vậy mà trước TP HCM hoa lệ, sầm uất, tôi vẫn thấy mình bé nhỏ, lạ lẫm. Tôi bước vào một quán nước ngoài ga ngồi nghỉ, tiện thể hỏi đường đến bệnh viện. Chị chủ quán tươi cười niềm nở gọi cho tôi một anh xe ôm. Khi tôi đi, còn chúc tôi nhanh khỏi bệnh. Cách chị nói như thân quen nhau lâu lắm rồi.
Tôi xuống ngay cổng bệnh viện đa khoa, quay mở khóa ngăn hông của ba lô để lấy ví trả tiền xe ôm thì hỡi ôi: chiếc khóa nửa đóng nửa mở, còn chiếc ví không cánh mà bay. Tôi hoảng hốt, ngó nghiêng. Làm sao đây, bao nhiêu giấy tờ tùy thân của tôi, tiền khám bệnh, tiền trở về. Tôi bần thần, mắt đã ngân ngấn nước. Anh xe ôm an ủi:
- Chị nhớ lại xem. Có khi đánh rơi đâu đó.
Tôi buông thõng chiếc ba lô một cách chán nản. Dù đánh rơi hay gì đi nữa thì còn hy vọng gì chứ. TP HCM đông đúc là vậy, xa lạ là thế. Của ra khỏi người, mong gì tìm thấy.
Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng buồn bã. Mất bao giờ chẳng biết. Bỗng một chiếc xe đỗ xịch trước tôi. Chị chủ quán nước khi nãy bước xuống từ sau xe, vội vã:
- Đây rồi. May mà tôi đến kịp. Chỉ sợ không tìm được em.
Rồi chị chìa ra cho tôi:
- Đây. Còn nguyên nghe. Cô đánh rơi ở quán chị. May lúc ngồi uống nước cô có nói đến bệnh viện khám bệnh, chứ không thì chị cũng đến bó tay, không biết đằng nào mà tìm.
Tôi sung sướng đón lấy chiếc ví. Chị giục tôi xem lại giấy tờ, tiền bạc có đầy đủ không. Tôi ôm lấy chị cảm ơn. Một cái ôm tin tưởng tận đáy lòng. Cần gì phải xem nữa khi niềm tin đã trao nhau, khi chị đã bỏ cả quán đó mà tìm tôi trả lại. Tôi thầm nghĩ, người TP HCM lạ thật, sẵn lòng giúp cả người dưng.
Những lần sau, cứ sáu tháng tôi vào lại TP HCM tái khám một lần. Tôi không còn sợ hay cảm thấy lạc lõng nhưng tôi vẫn lạ TP HCM bởi những đổi thay và tử tế. TP HCM như một người mẹ bao dung, luôn dang rộng vòng tay, chấp nhận tất cả những phận đời. Yêu thương cứ chan hòa giữa phố thị phồn hoa. Trong giai điệu ồn ào, xô bồ của bản nhạc cuộc sống, TP HCM vẫn có những khúc trầm, thật chậm đủ để ta lắng nghe hơi ấm tình người dịu dàng tỏa lan, lắng đọng.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)