Cuộc họp đã ghi nhận kiến nghị của các ông bà bầu sân khấu tư nhân với Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc nên dời thời điểm tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc đợt 2 vào tháng 3 hoặc quý II/2022 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng và các sân khấu kịch tại TP HCM có thời gian đầu tư vở diễn đạt chất lượng theo quy chế liên hoan để tranh tài.
Tín hiệu tạo phấn khởi hơn đối với các ông bà bầu sân khấu tư nhân là Sở VH-TT TP HCM sẽ tổ chức họp mặt 6 tháng một lần với các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, không chỉ kịch nói mà mở rộng nhiều lĩnh vực để qua đó lắng nghe, trao đổi, tìm nhiều giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khi hoạt động văn hóa nghệ thuật được sáng đèn trở lại. "Khi dịch bệnh ảnh hưởng đến từng sân khấu, việc lắng nghe và trao đổi sẽ mở ra nhiều giải pháp hướng đến mục đích chung là tạo sự an toàn trong hoạt động biểu diễn và đầu tư tác phẩm xứng tầm phục vụ công chúng tốt hơn" - NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, nói.
NSND Lệ Thủy và NSND Minh Vương trong vở cải lương “Lá sầu riêng” trên Sân khấu Vàng năm 2008 - một thương hiệu cần được UBND TP HCM hỗ trợ để chào đón khán giả đến với sân khấu
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF) chính là người đề xuất kế hoạch này từ nhiều năm qua nhưng do bùng phát dịch bệnh đến đúng thời điểm nên đề xuất này đã được quan tâm. Ông nhấn mạnh sân khấu của nhiều bộ môn: hát bội, cải lương, kịch, ca múa nhạc, xiếc, ảo thuật cần vươn lên sau đại dịch nhưng nếu chỉ có sự cố gắng của người làm nghề thì sẽ khó xoay xở. "Nếu không có những cuộc đối thoại thẳng thắn, lắng nghe và tháo gỡ, tìm mọi giải pháp để cứu sân khấu thì tất cả sẽ cùng chịu chung số phận. Sàn diễn nghệ thuật tại TP HCM sẽ chôn vùi các thương hiệu đã gầy dựng nhiều thập niên" - ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Hầu hết các nghệ sĩ và nhà quản lý sân khấu xã hội hóa cũng băn khoăn về chế độ đãi ngộ dành cho các sân khấu tư nhân tại TP HCM. Đáng lo nhất là các nghệ sĩ giỏi nghề của hát bội, cải lương, kịch đều lớn tuổi. Họ có nhiều kinh nghiệm quý, tận lực truyền nghề cho lớp kế cận từ nhiều năm qua nhưng không có sàn diễn để thực hành, bản thân họ cũng không có lương để tự nuôi sống thì sự thiếu hụt nhân sự từ khâu kịch bản, âm nhạc, đạo diễn… vẫn đang là vấn đề bức thiết của sân khấu tư nhân hiện nay.
Bên cạnh đó, những cuộc họp mặt cần đi sâu vào "hỏi đáp nhanh" để tháo gỡ những vướng mắc về luật đầu tư. Vấn đề bản quyền trên các kênh YouTube khi các trang mạng cá nhân và nền tảng số ngang nhiên ăn cắp bản quyền từ âm nhạc, kịch bản để quay hình, rồi biểu diễn trực tuyến thu phí, mà nghệ sĩ sáng tác không được hưởng quyền lợi gì, cũng cần được quan tâm. "Những nguyên nhân này khiến nghệ thuật sân khấu dần mai một trước sự tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường. Không có "bà đỡ "thật sự để cứu nguy những thương hiệu nghệ thuật đã tồn tại ở TP HCM, trong đó quan trọng nhất là khâu đào tạo thế hệ trẻ. Nếu không xem đây là mũi nhọn để giải quyết sẽ là sự thiếu hụt từ gốc" - NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nói.
Kế tiếp chính là sự đặt hàng của Sở VH-TT TP HCM đối với các sân khấu tư nhân, nơi nguồn lực "ngôi sao" đáp ứng tính thị trường, đủ sức lôi kéo khán giả đến với những tác phẩm sân khấu là vấn đề bức thiết của sân khấu hiện nay. "Có trao đổi để tìm lối ra khả thi, chứ không phải gặp gỡ chỉ để động viên. Tôi tin kế hoạch lắng nghe và tháo gỡ của Sở VH-TT TP HCM sẽ tạo động lực cho những chương trình trên sân khấu đã được xây dựng hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả hôm nay" - Phó giám đốc Sở VH-TT TP HCM nói.
Bình luận (0)