Cuốn sách là tập hợp những bài viết với thể loại đa dạng, đan xen từ khảo cứu và tản văn, lịch sử và trữ tình, hoài niệm lẫn cảm thức. Chính lối viết giao thoa hòa quyện nhiều sắc thái như vậy càng tạo nên sự cuốn hút khó rời của tác phẩm. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy những tư liệu có giá trị học thuật sâu sắc. Không chỉ chuyên chở những trích dẫn đậm tính hàn lâm, trang sách "Làng xứ Quảng" còn chứa đựng mênh mang bao cảm xúc yêu thương của tác giả dành cho chốn quê nhà, được thể hiện bằng ngòi bút giàu chất văn chương.
Bìa cuốn sách “Làng xứ Quảng”
Sách có bố cục gồm 3 phần ("Làng Quảng", "Nhật ký ở làng", "Không gian sống ở làng") nằm liền lạc trong tổng thể chủ đề chung về tâm thức làng xứ Quảng. Làng quê xứ Quảng của Trương Điện Thắng là làng Thanh Quýt - một trong 66 làng thuộc phủ Điện Bàn ngày xưa. Từ ngôi làng này, anh đã nhìn rộng ra nhiều làng khác, làm nổi bật những giá trị văn hóa - tinh thần của làng nơi xứ Quảng. Tác giả còn miệt mài đối chiếu những làng quê Bắc Bộ, tìm ra các đặc trưng văn hóa của làng Quảng để làm rõ yếu tố gì là chung, là tiếp truyền, là tiếp biến, khác biệt. Nhà văn, nhà báo Trương Điện Thắng cho thấy một quá trình lao động kỹ lưỡng, tâm huyết. Anh không chỉ tìm về những tư liệu lịch sử từ xưa đến nay ở trong và ngoài nước mà còn dụng công tìm hiểu bao nhiêu là gia phả, hương ước, những "tỉnh chí, xã chí, thôn chí"; thực hiện những cuộc điền dã, thám sát để truy nguyên, lý giải phân tích về gốc tích nguồn cội, văn hóa truyền thống, từ ý thức đặt tên làng, lập làng, dòng tộc, tập tục, lễ nghi thờ cúng, hình thái sinh hoạt… Những yếu tố cốt lõi cần biết về bất cứ cư dân vùng đất nào như chuyện ăn - ở - mặc - phương thức chiến đấu đã được đề cập đủ chi tiết, với những kiến giải hợp lý để ai nấy thêm hiểu và thêm thương vùng đất và con người nơi đây.
Nói như nhà báo Lê Minh Quốc: "Qua các góc nhìn khác nhau, chuyện kể khác nhau, người đọc có điều kiện cảm nhận thấu đáo hơn về vùng đất và con người nơi ấy. Âu đó cũng là một đóng góp tìm về bản sắc văn hóa Việt nói chung".
Bình luận (0)