xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lành làm gáo, vỡ làm muôi

HOÀNG TUẤN CÔNG

Với trường hợp 2 câu ví dụ mà GS Nguyễn Lân đưa ra, người ta sẽ vận dụng câu "Dụng nhân như dụng mộc", chứ không ai nói "Lành làm gáo, vỡ làm muôi" cả!

Trong "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", GS Nguyễn Lân giải thích: "Lành làm gáo, vỡ làm muôi (sọ dừa có thể dùng làm gáo hoặc làm muôi) nói cách sử dụng người hoặc vật theo đúng khả năng".

Câu tiếp theo "Lành làm thúng, thủng làm mê" được soạn giả chú dẫn "Như câu trên". Trong sách "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu" (Hoàng Tuấn Công - NXB Hội Nhà văn, 2017), chúng tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) cho rằng GS Nguyễn Lân "giải thích thiếu đi ý quan trọng của nghĩa bóng và đó cũng là dụng ý của dân gian: Không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ. Ví dụ, khi một người vợ cáu tiết bảo chồng: Phen này thì lành làm gáo, vỡ làm muôi, bà đây cóc sợ, thì gáo vỡ làm muôi, thúng thủng làm mê xem như đồ bỏ đi rồi".

Trong một bài báo có tên "Sách "bắt lỗi" nhà giáo Nguyễn Lân: Có câu tác giả sai mà cụ Nguyễn Lân đúng" (báo INFONET), tác giả PGS-TS Lê Đức Luận cho rằng: "Hai câu ông NL dẫn là đồng nghĩa, anh Công phê ông Lân thiếu ý quan trọng của nghĩa bóng nhưng hiểu nghĩa bóng của Công chưa đúng. (…) Không ai lấy phần vỡ của gáo dừa làm muôi. 

Tương tự như vậy, thúng mà thủng thì nó không thể làm mê được. Mê là phần đan của thúng, mà thúng thì phần mê nhỏ không như nong để tận dụng, mà lại thủng ở đáy thúng thì càng không thể dùng được". Theo đó, PGS-TS Lê Đức Luận khẳng định: "Trong tình huống này, hai câu này có ý nói rằng có hợp, thuận lòng thì ở với nhau, sống với nhau; còn không thì thôi, không cần, không níu kéo người không còn xứng đáng nữa. Tưởng là gáo lành, là thúng lành hóa ra chỉ là gáo vỡ, thúng thủng thì cần gì thứ ấy".

Thú thực, chúng tôi đã phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cố gắng hiểu những điều PGS-TS Lê Đức Luận viết. Vì nếu không có câu "anh Công phê ông Lân thiếu ý quan trọng của nghĩa bóng nhưng hiểu nghĩa bóng của Công chưa đúng", chúng tôi sẽ lầm tưởng PGS-TS Lê Đức Luận đang cố gắng tìm thêm chứng cứ để củng cố cho quan điểm của chúng tôi. Bởi một số lẽ:

Đúng như PGS-TS Lê Đức Luận viết, một khi gáo dừa vỡ "thì nó không thể làm muôi được. Không ai lấy phần vỡ của gáo dừa làm muôi". Cái muôi hay cái thìa dù nhỏ nhưng cũng phải có kiểu dáng của nó. Nếu gáo sứt, mẻ phần miệng, có thể cưa bớt để biến phần dưới của nó thành muôi, chứ nếu vỡ thành 2-3 mảnh không như ý thì dù có tận dụng làm muôi cũng là bất đắc dĩ, chứ đâu có được hài lòng, như ý!

Tương tự, "Lành làm thúng, thủng làm mê" cũng vậy. "Mê" chỉ chung các đồ đan bằng tre, nứa, có vành tròn nhưng đã bung cạp, hỏng cạp, như mê rổ, mê thúng, mê nón… Mê thúng nói riêng và các loại mê rổ rá nói chung được tận dụng để hứng rau chuối thái cho heo hoặc bỏ rau cám cho gà ăn, đậy vại cà, vại mắm… Lúc nào không thích thì gập lại bỏ bếp, nhóm bếp, chẳng chút bận lòng. Bởi vậy, "Lành làm gáo, vỡ làm muôi", "Lành làm thúng, thủng làm mê", ngoài nghĩa đen (ít dùng) là tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi để không dùng vào việc này thì dùng vào việc khác; nghĩa bóng (thường dùng) là không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ. PGS-TS Lê Đức Luận viết: "Trong tình huống này, hai câu này có ý nói rằng có hợp, thuận lòng thì ở với nhau, sống với nhau; còn không thì thôi, không cần, không níu kéo người không còn xứng đáng nữa" chính là hiểu theo nghĩa bóng của hai câu tục ngữ đồng nghĩa (tuy nhiên, cách ví dụ của PGS-TS Lê Đức Luận có phần hạn hẹp và quá cụ thể so với cách giảng khái quát của từ điển).

Như thế, PGS-TS Lê Đức Luận đã mặc nhiên công nhận cách góp ý của chúng tôi rằng "GS Nguyễn Lân giải thích thiếu đi ý quan trọng của nghĩa bóng câu tục ngữ" là hoàn toàn đúng. PGS-TS Lê Đức Luận viết "khi đập dừa ra mà không theo ý mình để làm gáo thì có thể tận dụng làm muôi; nếu mê thúng mà bị thủng hai bên thì có thể làm mê. Theo tình huống này thì ý của cụ NL là hợp lý". Tuy nhiên, chúng tôi không hề phản đối cách hiểu (theo nghĩa đen) này của GS Nguyễn Lân, không hề nói soạn giả sai mà chỉ đề xuất cho thêm nghĩa bóng (như PGS-TS Lê Đức Luận cũng đã dùng).

Đáng chú ý, trong sách "Từ điển từ và ngữ Việt Nam", GS Nguyễn Lân giải thích 2 câu tục ngữ trên không có gì khác. Cái khác là soạn giả đưa thêm ví dụ về cách dùng rất "trái khoáy":

- "Lành làm gáo, vỡ làm muôi • ng. (Sọ dừa có thể dùng làm gáo múc nước, làm muôi múc canh) nói cách sử dụng người hoặc vật tùy theo khả năng <> Anh ấy không thông minh lắm nhưng thật thà, ta có thể dùng được, lành làm gáo, vỡ làm muôi mà!".

- "Lành làm thúng, thủng làm mê • ng. (Mê là vật dùng để đậy) Như mục trên <> Chị ấy nói ngọng nhưng giỏi về kế toán, sao không dùng được, các cụ ta thường nói: Lành làm thúng, thủng làm mê kia mà".

Thực ra, với trường hợp 2 câu ví dụ mà GS Nguyễn Lân đưa ra, người ta sẽ vận dụng câu "Dụng nhân như dụng mộc", chứ không ai nói "Lành làm gáo, vỡ làm muôi" cả! Ví dụ GS Nguyễn Lân đưa ra chỉ có thể là của một anh chàng ngoại quốc nào đó, đang tập tành vận dụng tục ngữ Việt, chứ người Việt nói tiếng mẹ đẻ, không ai dại gì nói như vậy. Bởi nói vậy, "anh ấy" và "chị ấy" sẽ giận cho cả đời!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo