xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cộng tác viên Báo Người Lao Động lật tẩy nhóm đạo văn để làm từ điển

HOÀNG TUẤN CÔNG

Rất nhiều thành ngữ, tục ngữ đăng Báo Người Lao Động Chủ nhật bị Nhóm biên soạn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam" sao chép, in và bán ra thị trường.

Từ đầu năm 2015, tác giả Hoàng Tuấn Công (viết tắt: HTC) bắt đầu cộng tác, viết nhiều bài cho mục "Tiếng Việt" trên Báo Người Lao Động (viết tắt: NLĐ) Chủ nhật.

Cộng tác viên Báo Người Lao Động lật tẩy nhóm đạo văn để làm từ điển - Ảnh 1.

Tác giả Hoàng Tuấn Công có nhiều nghiên cứu, phát hiện mới mẻ, sâu sắc về Tiếng Việt

Vừa qua, tác giả phát hiện cuốn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam" (Dương Thị Dung - Đặng Thuý Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, sau đây gọi là tắt: TĐTN) đã sao chép nguyên xi nhiều nội dung và cách giải thích mà HTC đã công bố trên Báo NLĐ Chủ nhật.

Báo NLĐ nêu ra một số thống kê, tóm tắt và so sánh bước đầu của tác giả HTC (xếp theo vần ABC; chữ in nghiêng là phần sao chép nguyên xi):

1 - NLĐ (24-06-2017) Áo cứ tràng, làng cứ xã "..."tràng" (cổ áo) là bộ phận đầu mối của cái áo (…) "xã" (xã trưởng) là cấp quản lý cao nhất của làng. Muốn "xóc" (cầm, túm) để giũ cho cái áo dài trở nên "sóng" (phẳng), cứ cầm lấy phần cổ áo là gọn gàng nhất; cũng như việc làng, chỉ cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu "xã" (trưởng), tự khắc (ông "xã") sẽ mẫn cán, lo đốc thúc công việc đến từng người dân. Kinh nghiệm quản lý làng xã này đến nay vẫn còn nguyên giá trị".

- TĐTN (2019): (tràng: cổ áo của loại áo dài thời xưa; : chức dịch trong làng). Cổ áo là bộ phận trên cùng của áo, cũng như xã là chức quản lý cao nhất của làng. Câu này ý nói về trách nhiệm của người đứng đầu trong một tập thể. Muốn lệnh cho làng làm gì, thì cứ túm lấy xã trưởng".

Mục này HTC chứng minh "tràng" là "cổ áo", chứ không phải "vạt áo" như các nhà biên soạn từ điển giải thích. Ý này đã bị nhóm biên soạn từ điển đánh cắp.

2 - NLĐ (27/5/2018) Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích: "…Những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện.".

- TĐTN: "Thường những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng cũng sẽ bị phát hiện ra".

3 - NLĐ (26-01-2017) Đói giỗ cha, no ba ngày Tết: "Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm nhưng ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon cũng phải ăn no".

- TĐTN: "Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm nhưng ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon cũng phải ăn no".

4 - NLĐ (12-3-2016): Được lòng rắn, mất lòng ngoé: "Trong cuộc sống có những tình thế đặc biệt khó xử, nếu nghiêng về bên này thì sẽ làm tổn hại, mất lòng bên kia, không có cách nào dung hòa được quyền lợi, tình cảm cả đôi bên".

- TĐTN: "Tình thế đặc biệt khó xử, nếu nghiêng về bên này thì sẽ làm tổn hại, mất lòng bên kia, không có cách nào dung hòa được quyền lợi, tình cảm cả đôi bên".

5 - NLĐ (18-7-2015): Kẻ ăn rươi người chịu bão: "Cùng điều kiện hoàn cảnh nhưng kẻ được hưởng lợi, người lại chịu hậu quả".

- TĐTN: "Cùng hoàn cảnh như nhau, người thì hưởng lợi, người thì chịu thiệt".

6 - NLĐ (13-5-2017) Mạ già ruộng ngấu: "mạ già" (đã đến tuổi cấy); "ruộng ngấu" (đã cày bừa kỹ nhuyễn) Nghĩa bóng: 1. Cần triển khai công việc ngay, vì điều kiện khách quan và chủ quan (yếu tố cần và đủ) đều đã hợp lý; 2. Điều kiện tốt có thể đem lại kết quả ngay sau đó.

-TĐTN: "mạ già: mạ đã đến tuổi cần phải cấy; ruộng ngấu: ruộng đã được cày, bừa kỹ, đủ phân tro và đủ nước) (…) Điều kiện tốt có thể đem lại kết quả ngay sau đó (…) giống như "mạ già, ruộng ngấu", cắm cây lúa xuống là sinh trưởng, phát triển ngay; Công việc cần triển khai ngay vì điều kiện khách quan và chủ quan (yếu tố cần và đủ) đều đã hợp lý".

7 - NLĐ (27-5-2017) Mài mực ru con mài son đánh giặc: "Mực thỏi để lâu rắn đanh lại nhưng khi mài lại không được mạnh tay. Nếu sốt ruột, mài mạnh tay cho nhanh, mực nhiều hạt sạn, khi viết, bút bị xơ, nét bút không đẹp. Ngược lại, phải kiên trì mài nhẹ nhàng, êm tay (như "ru con"), để mực trong thỏi được bào dần, mòn dần từng tí, hòa tan, quyện với nước, cho một thứ mực mịn màng, sóng sánh, khi viết đầu bút chụm lại, bút lông có độ đàn hồi tốt, nét bút không bị xơ, cứng, mặt chữ bóng, đẹp.

Với "mài son", xưa kia, người ta dùng một loại khoáng thạch có màu đỏ tự nhiên, gọi là chu sa [朱砂] để làm son và làm thuốc. Thông thường, son không dùng để viết mà để phê, khuyên, đóng ấn, triện nên không cần phải mịn như mực. (…) Do đó, khi mài son được phép mài (và phải mài) thật lực (như đi "đánh giặc") vậy" (mục này sau đó được HTC chỉnh sửa và in trong sách "Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu", NXB Hội Nhà văn, 2017, giống như nội dung mà TĐTN đã sao chép nguyên xi dưới đây):

- TĐTN: [Mực tàu đóng thành thỏi rất rắn, nhưng khi mài lại không được phép mạnh tay. Nếu sốt ruột, mài mạnh tay cho nhanh, mực sẽ không mịn, sinh ra lắm hạt sạn nhỏ; khi viết ngọn bút bị xơ, nét bút không đẹp. Ngược lại, nếu mài nhẹ nhàng, êm ái (như "ru con" theo cách ví von của dân gian) mực trong thỏi sẽ ngấm dần, hoà tan, quyện với nước, cho một thứ mực mịn màng, sóng sánh, khi viết đầu bút chụm lại, bút lông có độ đàn hồi tốt và nét bút không bị xơ, cứng, mặt chữ bóng, đẹp.

Đối với mài son, xưa kia, người ta thường lấy các loại đá có màu đỏ trong tự nhiên để làm son, rất rắn. Tuy nhiên, son không yêu cầu mịn như mực, bởi thông thường người ta không dùng son để viết chữ, mà chỉ dùng để phê, khuyên, đánh dấu hoặc đóng ấn, triện. Do đó, khi mài son phải mài mạnh tay mới được".

8 - NLĐ (12-05-2019) Mấy ai biết lúa von, mấy ai biết con hư: "lúa von" là thuật ngữ nông học chỉ một loại bệnh do loài nấm Fusarium moniliforme gây nên (…) chỉ đến thời kỳ trổ bông, kết hạt, thấy lúa không trổ được hoặc có trổ nhưng hạt bị lép thì mới biết lúa bị "von". Cũng như đứa trẻ mới sinh ra rất ngoan ngoãn, cha mẹ nuôi nấng trong bao niềm hy vọng nhưng khi lớn lên, trưởng thành ra ngoài đời, nó bỗng sinh hư hỏng".

- TĐTN: ("lúa von" là thuật ngữ nông học chỉ một loại bệnh do loài nấm Fusarium moniliforme gây nên (…) Chỉ đến thời kỳ trổ bông, kết hạt, thấy lúa không trổ được hoặc có trổ nhưng hạt bị lép thì mới biết lúa bị "von". Cũng như đứa trẻ mới sinh ra rất ngoan ngoãn, cha mẹ chủ quan không lưu tâm nên khi lớn lên nó bỗng sinh hư hỏng".

9 - NLĐ (16-05-2015): Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng: "Nắng tốt dưa mưa tốt lúa. Dưa hấu là cây trồng xứ nhiệt đới, ưa ánh sáng mạnh, chịu hạn tốt, không chịu được úng. Trời càng nắng nóng, độ đường trong dưa càng cao…".

- TĐTN: "Nắng tốt dưa mưa tốt lúa Dưa là cây ưa ánh sáng mạnh, chịu hạn tốt, không chịu được úng. Trời càng nắng nóng, độ đường trong dưa càng cao…".

Như vậy, đoạn giải thích câu "Nắng tốt dưa mưa tốt lúa" trong bài "Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng" bị sao chép thành riêng một mục từ khác.

10 - NLĐ (14-05-2016) Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá: "phá" (hủy hoại) đăng đối với "đâm" (làm tổn thương, gây nên cái chết) đều được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Sở dĩ xếp tội "phá sơn lâm" vào hạng "nhất" vì rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, quan trọng như lá phổi xanh của trái đất, điều hòa khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; "sơn lâm" (hiểu rộng ra là muôn loài cỏ cây trên mặt đất) tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông biển. "Phá sơn lâm" là hành động gián tiếp "đâm hà bá", tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước.

(…) hành động khai thác mang tính hủy diệt, đầu độc, phá hoại môi trường sống trên cạn và dưới nước (…) cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài".

- TĐTN: "phá (hủy hoại) đăng đối với "đâm" (làm tổn thương, gây nên cái chết) đều được hiểu theo nghĩa tiêu cực; xếp tội phá sơn lâm vào hạng nhất vì rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, quan trọng như lá phổi xanh của trái đất, điều hòa khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; sơn lâm (hiểu rộng ra là muôn loài cỏ cây trên mặt đất) tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông biển. Phá sơn lâm, đâm hà bá, tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước.

hành động khai thác mang tính hủy diệt, đầu độc, phá hoại môi trường sống trên cạn và dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài".

11 - NLĐ (26-01-2017) Đói giỗ cha no ba ngày Tết: "Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm nhưng ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon cũng phải ăn no…".

- TĐTN: "No ba ngày Tết, đói ba tháng hè: "Dù túng thiếu, quanh năm nhịn đói nhịn thèm, nhưng ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để nếu không được ăn ngon cũng phải ăn no, sau đó là những ngày giáp hạt đói khát".

12 - NLĐ (16-05-2015): Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng: "Quạ là giống chim đa thực. Ngoài gà con, chim non, trứng, các loại xác chết..., chúng còn rất thích ăn hoa quả, trong đó có dưa hấu (…) Tục ngữ có câu "Nắng tốt dưa mưa tốt lúa". Trời càng nắng nóng, độ đường trong dưa càng cao thì lũ quạ càng được chén những quả dưa ngọt lành. Trong khi đó, cò không ăn được dưa. Thức ăn của loài chim nàytôm tép, cá con, côn trùng (…) Không ăn được dưa nhưng cò lại phải chịu đặc điểm thời tiết nắng nóng chang chang, đôi khi làm cạn nước, chết hết cá tôm, ảnh hưởng đến môi trường cò kiếm ăn".

- TĐTN: "Quạ là giống chim ăn tạp. Ngoài gà con, xác thối..., chúng còn rất thích ăn hoa quả, như mít, dưa hấu (…) Tục ngữ có câu "Nắng tốt dưa mưa tốt lúa". Thời tiết nắng nhiều khiến quạ được chén những quả dưa ngọt lành (xem câu nắng tốt dưa mưa tốt lúa). Trong khi đó, cò không ăn được dưa (loài chim này chỉ ăn tôm tép, cá con, côn trùng…) lại phải chịu đặc điểm thời tiết nắng nóng chang chang ấy (đôi khi làm cạn nước, chết hết cá tôm, ảnh hưởng đến môi trường cò kiếm ăn của cò)].

13 - NLĐ (13-05-2017) Mạ già ruộng ngấu: "Ruộng đợi mạ" không đáng lo ngại nhưng "mạ đợi ruộng" dễ dẫn đến mất mùa. Thế nên, tục ngữ Tày có câu "Ruộng chờ mạ, ruộng kỹ càng tốt; mạ chờ ruộng mạ muộn chẳng được hạt nào", nghĩa là: Ruộng chờ mạ thì đất càng có thời gian ngấu kỹ nhưng mạ chờ ruộng thì muộn tuổi, quá lứa, thành mạ già, cấy không cho thu hoạch".

- TĐTN: Ruộng chờ mạ, ruộng kỹ càng tốt; mạ chờ ruộng mạ muộn chẳng được hạt nào: Ruộng chờ mạ thì đất càng có thời gian ngấu kỹ nhưng mạ chờ ruộng thì muộn tuổi, quá lứa, thành mạ già, cấy không cho thu hoạch".

Như vậy, ở mục này TĐTN đã chép nguyên xi một đoạn trong bài "Mạ già ruộng ngấu" để tách riêng thành một mục từ.

14 - NLĐ (18-11-2017) Sợ như bò thấy nhà táng: "Nhà táng" ở đây là nhà bằng giấy hoặc vải, có trang trí, úp trên quan tài khi đưa đám ma (...). Nhà táng để sẵn ở đầu ngõ hoặc đầu trục đường đi vào lối ngõ nhà có đám. Người viếng đám ma, dù xa hay gần, đến đầu ngõ thì thấy nhà táng, nghe tiếng trống kèn là biết đường vào. Đường ngõ xưa chật hẹp. Trâu bò (khu vực đường ngõ có đám ma) ra đồng hay về nhà, đều phải đi ngang qua cái nhà táng ấy. Trong mắt con bò, cái nhà táng chẳng khác nào con quái vật, to lớn, màu sắc sặc sỡ, vằn vện. Mái nhà táng cong cong, chìa ra như những chiếc sừng thú kỳ dị; diềm, tua vải bay phần phật, phấp phới tựa như con quái vật đang cựa mình, chực lao tới. Thế nên, khi phải đi ngang qua nhà táng thì con bò sợ hết hồn hết vía".

- TĐTN: "(Nhà táng: nhà bằng giấy hoặc vải, có trang trí, úp trên quan tài khi đưa đám ma. Nhà táng để sẵn ở đầu ngõ hoặc đầu trục đường đi vào lối ngõ nhà có đám để người viếng đám ma, dù xa hay gần, đến đầu ngõ thì thấy nhà táng, nghe tiếng trống kèn là biết đường vào. Đường ngõ xưa chật hẹp, trâu bò ra đồng hay về nhà, đều phải đi ngang qua cái nhà táng ấy. Trong mắt con bò, cái nhà táng chẳng khác nào con quái vật, to lớn, màu sắc sặc sỡ, vằn vện đang cựa mình, chực lao tới. Thế nên, khi phải đi ngang qua nhà táng thì con bò sợ hết hồn hết vía)".

15 - NLĐ (04-03-2017) Sượng mẹ, bở con: "…kinh nghiệm chọn các loại khoai, củ (sắn, dong...). Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon".

- TĐTN: "Kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại khoai, củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ…). Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon…".

16 - NLĐ (05-11-2016) Cậy thần phải nể cây đa: "Dân gian cũng có câu: "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề", nghĩa là những loại cổ thụ như đa, gạo, đề... nói chung đều có ma quỷ trú ngụ nên phải dè chừng, đề phòng, tránh xa...".

- TĐTN: "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề: Theo quan niệm của người xưa những loại cổ thụ như đa, gạo, đề... nói chung đều có ma quỷ trú ngụ nên phải dè chừng, đề phòng, tránh xa...".

Mục này, nhóm biên soạn đánh cắp một đoạn để tách riêng thành một mục từ.

17 - NLĐ (22-10-2016) Theo voi hít bã mía: "Voi ăn các loại cây cỏ nhưng tiêu hóa không hoàn toàn. Trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật (...). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ "theo voi hít bã mía" nhưng "bã mía" chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là "bã mía" ở trong đống phân voi mà thôi! (…)

(…) Dân gian không nói chuyện "hùa theo, a dua" (…) mà là theo đuôi (làm tay sai, cơ hội, nịnh bợ) kẻ có sức mạnh, quyền thế, hòng kiếm chác chút lợi lộc rơi vãi (...) chẳng những không xơ múi được gì mà có khi còn bị đổ thừa, hứng chịu những hệ lụy khôn lường".

- TĐTN: "Voi ăn các loại cây cỏ nhưng tiêu hóa không hoàn toàn. Mía là loại thức ăn ưa thích nhất của voi. Trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật; vì vậy, kẻ "theo voi hít (ăn) bã mía" chỉ là ăn thứ "bã mía" ở trong đống phân voi mà thôi].

Ví hành động kẻ theo đuôi (làm tay sai, cơ hội, nịnh bợ) kẻ có sức mạnh, quyền thế, hòng kiếm chác chút lợi lộc rơi vãi một cách ảo tưởng nhưng chẳng những không xơ múi được gì mà có khi còn bị đổ thừa, hứng chịu những hệ lụy khôn lường".

18 - NLĐ (22-07-2017) Ba voi không được bát nước xáo: "Ở đây, ý dân gian phê phán thói ba hoa, khoác lác, nói thì to tát, ghê gớm lắm nhưng thực tế lại chả có gì…".

- TĐTN: "Thói ba hoa, khoác lác, nói thì to tát, ghê gớm lắm nhưng thực tế lại chả có gì…".

19 - NLĐ (08-10-2016) Trốn việc quan đi ở chùa: "…dân gian phê phán những kẻ chỉ mang danh tu hành hoặc nương nhờ, lánh vào cửa Phật để "trốn việc quan" (như phu phen, tạp dịch, thuế má, lính tráng, thậm chí trốn trọng tội đã vi phạm ngoài đời... nói chung)".

- TĐTN: "(Ngày xưa, người ta thường vào chùa để trốn tránh việc phu phen, tạp dịch, thuế má, lính tráng, thậm chí trốn trọng tội đã vi phạm ngoài đời... nói chung)".

20 - NLĐ (14-11-2015): Về mấy tục ngữ, thành ngữ bị cho là sai: "Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm: Khoảng hơn một tháng sau nở, lông cánh gà con phát triển đã phủ gần kín hai bên hông. Cái đuôi nhú lên tí xíu hôm nào, nay cũng đã dài, chìa ra, khum khum hệt cái đuôi (con) tôm (…) Trẻ con phá phách nghịch ngợm nhất là lúc bố mẹ vắng nhà; gà con hiếu động, quấy phá nhất là lúc mọc đuôi tôm, tách mẹ. Về sau, câu tục ngữ được hiểu theo nghĩa rộng hơn nhằm ám chỉ tất cả những hành động, việc làm quá tự do phóng túng khi không có sự hiện diện, cai quản của người đứng đầu".

- TĐTN: "Khoảng hơn một tháng sau nở, lông cánh gà con phát triển đã phủ gần kín hai bên hông. Cái đuôi nhú lên tí xíu hôm nào, nay cũng đã dài, chìa ra, khum khum hệt cái đuôi (con) tôm; gà con hiếu động, quấy phá nhất là lúc mọc đuôi tôm, lúc đã tách mẹ; trẻ con phá phách, nghịch ngợm nhất là lúc vắng chủ nhà, bố mẹ, như lũ gà đang mang đuôi tôm kia).

(…) ám chỉ tất cả những hành động, việc làm quá tự do phóng túng khi không có sự hiện diện, cai quản của người đứng đầu".

Vậy là, chỉ tính riêng trên Báo Người Lao Động Chủ nhật, số lượng thành ngữ tục ngữ mà Nhóm biên soạn "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam" sao chép cách giải thích và copy nguyên xi từng đoạn của HTC đã lên tới 20 câu!

Hiện tại cuốn sách (hình dưới) đã bị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy.

Cộng tác viên Báo Người Lao Động lật tẩy nhóm đạo văn để làm từ điển - Ảnh 2.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo