Lê Bình nằm bệnh viện, khán giả lẫn đồng nghiệp lũ lượt vào thăm. Riêng tôi thăm 2 lần. Nhưng tôi không muốn đưa những tấm hình chụp lúc ông héo hon. Tôi chỉ muốn giữ lại một hình ảnh Lê Bình áo quần tươm tất chạy chiếc xe máy khá đẹp tới căng-tin của Sân khấu 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM), ngồi uống cà phê và bù khú với bạn bè cho tới trưa… và hình ảnh một Lê Bình diễn trên sân khấu khiến khán giả cười rần…
Vốn quý của làng phim
Tới Sân khấu 5B ngồi chơi tới trưa là những ngày ông xả hơi sau một đợt "đi" phim vất vả hoặc một đợt hoàn thành kịch bản người ta đặt hàng. Lê Bình giỏi lắm, viết, diễn, vẽ trang trí sân khấu, vẽ panô, cái thân ốm nhách mà làm quá trời quá đất. Phim ông đóng toàn vai khổ sở, vất vả, lội sình, lội ruộng, len trâu, chăn vịt, vá xe, làm mướn, áo rách, bèo nhèo, nắng nôi đen đúa… Có 2-3 lần ông được đóng vai sang trọng, quần áo bảnh bao, là ông đã khoái chí "la lên" như bắt được vàng. Nhưng gương mặt khắc khổ của ông là nỗi thòm thèm của đạo diễn phim nhựa lẫn phim truyền hình, cứ có vai nào khổ sở là họ "hốt" ông ngay. Cái vẻ khắc khổ lại hiền lành, chân thành cho nên nhân vật của ông hầu hết là lương thiện, khán giả xem xong liền khóc, nhớ đời. Cho dù không nhớ rõ vai nào, họ cũng nhớ cái "xì-tai" khổ sở của Lê Bình trong hàng trăm bộ phim lớn nhỏ. Ông bị đóng vai già từ hồi còn trẻ nên chẳng bao giờ "già" thêm được nữa. Trời cũng không cho ông mập thêm được nữa, cứ gầy guộc gió bay như thế nó mới ra phận nghèo. Phải nói không ngoa rằng ông là vốn quý của làng phim ảnh Việt Nam.
Lê Bình trong phim “Vịt kêu đồng” (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Lê Bình và Hồng Thắm trong vở “Kính thưa ôsin”. Ảnh: HOÀNG KIM
Ngoài đời, Lê Bình không bèo nhèo đâu, ông luôn ăn mặc lịch sự, hầu như áo bỏ vô quần suốt, giày da bóng ngời, xe máy rửa sáng trưng, trông cũng khá bảnh. Một dạo ông đóng kịch được nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng may cho những cái áo rất đẹp, ông mặc luôn và đặt thêm vài cái nữa.
Giấu nỗi buồn sau vẻ tươm tất
Sân khấu 5B là ngôi nhà thứ hai của ông, gắn bó tới tận bây giờ. Ông thường ngồi ở căng-tin sân khấu này với anh em đồng nghiệp sân khấu và cánh báo chí, cùng kể chuyện vui rồi cùng cười. Nhưng thật ra, những lúc vắng người, mới thấy ông chùng xuống, trầm ngâm, trĩu đầy tâm sự. Ông ít nói với ai chuyện gia đình, chỉ trừ vài người thân thiết. Mấy chục năm ông cày ngày cày đêm, làm trụ cột cho gia đình một vợ, 3 con nhưng hạnh phúc không đến với ông. Có một dạo ông bỏ nhà đi giang hồ, sống lây lất, thấy não nề. Bao nhiêu tiền bạc đội nón ra đi vì những món nợ của vợ, vì chi phí bệnh tật cho con, rồi vợ chồng ly dị, con chết, cuối cùng chỉ còn một thằng con út, cha con nương tựa lẫn nhau. Ông giấu nỗi buồn sau vẻ tươm tất nghệ sĩ. Ông gửi hết nỗi buồn vào nhân vật. Ông diễn mà không cần diễn, tự gương mặt đã rất khổ rồi. Ông nói: "Thôi, cái số mình nó vậy. Kệ đi. Còn lo được ngày nào hay ngày ấy". Nói xong là đã thản nhiên quay sang chuyện khác. Thấy ông lên Facebook cứ hà hà, hi hi, ôm con chó nhỏ mà thủ thỉ. Thậm chí khi nhập viện ông cũng hà hà, hi hi suốt, có ai tới thăm mà thấy ông rên rỉ than thở gì đâu. Ông còn nói: "Cái mặt vầy cho nên mình đau họ tưởng mình giả bộ". Kỳ lạ, nét mặt khi khỏe cũng như khi bệnh, vừa khổ sở vừa lạc quan, đan xen nhau như một sức mạnh ngầm đủ cho ông chống chọi với cuộc đời và cũng đủ cho ông thành công trong sự nghiệp.
Xứng đáng danh hài
Chính sự lạc quan đó đã khiến Lê Bình trở thành diễn viên hài của Sân khấu 5B suốt mấy chục năm. Nói đây là ngôi nhà thứ hai của Lê Bình cũng không sai bởi vì dù bao nhiêu lượt người rời bỏ nó, ông vẫn gắn bó không thôi. Ông có nét hài trầm trầm, không quậy quạng gì hết, chỉ cần thả lời thoại là người ta đã bung ra tiếng cười. Hài như thế mới đáng là cao thủ. Ấn tượng nhất trong vở "Kính thưa ôsin", ông đóng vai ông chủ nhà góa vợ, thuê một cô giúp việc nhà rồi 2 người yêu nhau, bị con cái phản đối kịch liệt. Sau cùng, đám con cũng nhận ra cha mình cần một hạnh phúc cuối đời, một người bạn trăm năm tử tế chứ không phải kiểu quan hệ lợi dụng. Lê Bình có "nhiệm vụ" làm tươi mát sàn diễn nhưng nhân vật lại là người đàn ông chuẩn mực, Lê Bình không thể tung những miếng hài dễ dãi được. Ông đung đưa giữa 2 sợi dây mong manh, vừa bảo đảm sự chuẩn mực của nhân vật vừa bảo đảm sự tươi mát, dí dỏm ăn khách cho kịch bản. Khó vô cùng. Vậy mà ông đã làm được. Ông thoại tỉnh bơ mà khán giả cười. Hài mà không bắt bẻ được chỗ nào hết.
Thị trường hiện nay chuộng kiểu hài hoạt náo, lạm dụng ngôn ngữ lẫn hình thể, Lê Bình có vẻ như lắng xuống. Nhưng ông có những khán giả hâm mộ tử tế, họ là trí thức, lịch sự, yêu mến ông bền bỉ không theo kiểu ồn ào mà sâu sắc. Họ lặn lội từ tỉnh, từ các quận, huyện đến bệnh viện thăm ông. Như thế đủ thấy một Lê Bình xứng đáng được gọi danh hài.
Chỉ duy nhất nỗi buồn trong nghề
Thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như ông ai cũng được gắn danh hiệu NSƯT, NSND, còn ông đã làm hồ sơ 3-4 lần nhưng vẫn chưa được xét tặng NSƯT. Không biết người ta còn chờ đợi gì nữa? Hay chờ đến khi ông không còn trên thế giới này, họ mới nghĩ đến ông, ca ngợi tài năng của ông và đề nghị truy tặng. Giá như ông nhận được niềm vui ấy sớm hơn...
Bình luận (0)