xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lê Trung Thảo, Minh Trường, Hà Như tạo bất ngờ trong đêm thi cuối Trần Hữu Trang

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

(NLĐO ) – Với khát vọng chinh phục đỉnh cao của mình, ba diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang đã có một đêm tỏa sáng với nỗ lực mang lại cho chính bản thân bài học quý.


Lê Trung Thảo, Minh Trường, Hà Như tạo bất ngờ trong đêm thi cuối Trần Hữu Trang - Ảnh 1.

NSƯT Lê Trung Thảo trong trích đoạn "Lưu Vong"

Tối 21-10, đêm chung kết thứ 5 cuộc thi Tài năng Diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022 đã diễn ra thật sôi nổi. Khán phòng không còn ghế trống, ngoài số đông khán giả, còn có bạn bè đồng nghiệp, bạn làm nghề đến cổ vũ cho các thí sinh.

NSƯT Lê Trung Thảo tuy không mạnh về giọng ca, hiếm khi nào anh ca một câu vọng cổ đủ độ trầm ấm, ngọt ngào như các anh kép có thế mạnh về làn hơi, nhưng bù lại với quá trình làm nghề, làm thầy giảng dạy, anh đã trình làng một bài thi chinh phục. 

Theo lời tâm sự, hơn hai năm anh đầu tư cho trích đoạn này, để vừa là diễn viên, tác giả, đạo diễn cho một khát vọng được chạm tay đến HCV của mùa giải năm nay. Đó là một bước tiến khá ấn tượng, chí ít cũng mang về cho anh kinh nghiệm quý.

Lê Trung Thảo, Minh Trường, Hà Như tạo bất ngờ trong đêm thi cuối Trần Hữu Trang - Ảnh 2.

NSƯT Lê Trung Thảo trong vai Lê Quýnh (trích đoạn "Lưu Vong")

Với hạng mục đăng ký dự thi: kép mùi, trên thực tế có nghiêng về lão mùi, trích đoạn "Lưu Vong" do chính Lê Trung Thảo dựa theo tài liệu tham khảo: "Bắc hành tùng ký" của Lê Quýnh (GS Hoàng Hãn dịch và giới thiệu), "Hoàng Lê nhất thống chí" của Ngô Gia Văn Phái và "Góc nhìn sử Việt" - "Bánh xe khứ quốc" của Phan Trần Chúc, anh đã mạnh dạn đưa ca khúc "Thuận lòng trời" của Hoài Anh Kiệt vào trích đoạn và vai diễn dự thi đã thật sự là điểm son cho hành trang làm nghệ thuật của NSƯT Lê Trung Thảo.

Vốn đã từng khẳng định mình qua vở "Trung thần" (vai Lê Văn Duyệt), "Nhật thực" (vai người nghệ sĩ độc diễn), Lê Trung Thảo đã có một quá trình dài phát huy tài năng, anh đã có những phút giây thăng hoa cảm xúc, biết biến nhược điểm thành ưu điểm, để vận dụng diễn xuất khỏa lấp hạn chế về chất giọng và nhân vật Lê Quýnh nhận được sự cổ vũ của số đông khán giả.

Lê Trung Thảo, Minh Trường, Hà Như tạo bất ngờ trong đêm thi cuối Trần Hữu Trang - Ảnh 3.

NS MInh Trường (vai Trần Thặng, trích đoạn "Kẻ sĩ Thăng Long")

Diễn viên Nguyễn Minh Trường có lợi thế sáng sân khấu, giọng ca khỏe, chắc nhịp, cách đào sâu tâm lý thật tốt, để có những đoạn biến hóa tính cách, xoay trở tình huống của nhân vật rất linh hoạt. Điều quan trọng là hoạt động mạnh, rải đều các sự kiện văn hóa nghệ thuật của cả nước, Nguyễn Minh Trường tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm để làm giàu cho hành trang làm nghề. Dù là một kép đẹp, anh chọn hạng mục đăng ký dự thi là kép lão, để học và rèn giũa kinh nghiệm. Vai Trần Thặng trong trích đoạn "Kẻ sĩ Thăng Long" (tác giả: Nguyễn Khắc Phục - Chuyển thể cải lương: NSND Nhật Minh, dàn dựng NSƯT Hoa Hạ) đã mang lại sự bất ngờ thú vị cho người xem.

Lê Trung Thảo, Minh Trường, Hà Như tạo bất ngờ trong đêm thi cuối Trần Hữu Trang - Ảnh 4.

NS Hà Như vai Đoàn Thị (trích đoạn "Hồi xuân dược")

Diễn viên Hà Như là sự mong chờ của số đông khán giả khi mùa thi trước chị đoạt huy chương bạc, lần này quyết tâm khẳng định mình và quá trình khổ luyện đã cho chị nhận được lời khen ngợi của công chúng xem đêm thi tối qua. 

Với hạng mục đăng ký dự thi là đào độc, trích đoạn "Hồi xuân dược" (tác giả Hữu Lộc - Kha Tuấn -Diệp Vàm Cỏ - Dàn dựng: NSƯT Kim Phương) đã mang về cho Hà Như một số phận Đoàn Thị đáng nể. 

Để diễn vai này, chị phải liên tục thay đổi tâm lý nhân vật, từ trẻ đẹp bị biến thành già nua, khoảnh khắc đó đòi hỏi khả năng xử lý hình thể thật tốt, để trong ca diễn bộc phát nỗi lòng thù hận, rồi chán chường, thất vọng trước sự thật phũ phàng dành cho một người phụ nữ muốn dùng thần dược để giữ sắc đẹp và quyền lực tàn ác của mình. Hà Như đã không phụ lòng mong đợi của khán giả, cô nỗ lực hết mình để cháy với đêm thi.

Lê Trung Thảo, Minh Trường, Hà Như tạo bất ngờ trong đêm thi cuối Trần Hữu Trang - Ảnh 5.

NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - bìa trái) và NSƯT Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM - bìa phải) tặng hoa chúc mừng 6 diễn viên đã hoàn thành vai diễn dự thi đêm chung kết cuối cuộc thi Trần Hữu Trang năm 2022

Trong đêm cuối tranh tài, còn có sự trình diễn của các diễn viên: Ngô Đông Hồ (nghệ danh Đông Hồ) - Đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM - Hạng mục đăng ký dự thi: Kép lão - Trích đoạn: "Chiếc áo Thiên Nga" (tác giả: Lê Duy Hạnh - Chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Dàn dựng: NSƯT Xuân Quang) - Vai diễn dự thi: An Dương Vương; Huỳnh Hải Long (nghệ danh Hải Long) - Đơn vị: Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP HCM - Hạng mục đăng ký dự thi: Kép lão - Trích đoạn "Oan khuất" - (tác giả Phạm Văn Đằng - Dàn dựng: Nhà giáo ưu tú Diệu Đức) - Vai diễn dự thi: Cao Lỗ; Nguyễn Văn Sơn (nghệ danh Vĩnh Sơn) - Đơn vị: Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu - Hạng mục đăng ký dự thi: kép lão (mùi) - Trích đoạn: "Thái sư Trần Thủ Độ" (tác giả và dàn dựng: Quốc Khánh) - Vai diễn dự thi: Lý Huệ Tông.

Lê Trung Thảo, Minh Trường, Hà Như tạo bất ngờ trong đêm thi cuối Trần Hữu Trang - Ảnh 6.

NS Hải Long trong trích đoạn "Oan khuất" - (tác giả Phạm Văn Đằng - Dàn dựng: Nhà giáo ưu tú Diệu Đức)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo