Ở thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, khi tôi làm Tạp chí Âm nhạc, người thường xuyên có bài và thường xuyên đến gặp tôi ở trụ sở tạp chí để bàn luận về "Con âm Việt" chính là nhạc sĩ Lê Yên - khi ấy đã qua tuổi "Nhân sinh thất thập..." nhiều năm.
Lê Yên tên khai sinh là Lê Đình Yên. Ông sinh ngày 31-7-1917 tại Quốc Oai - Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Giống như Văn Chung cùng trong nhóm Tricéa, Lê Yên cũng được tắm mình thời thơ ấu trong nguồn âm nhạc truyền thống từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền Trung. Ông học nhạc từ năm 14 tuổi và học chơi violin, cello đủ năng lực tham gia ban nhạc để trình tấu các trích đoạn nhạc cổ điển. Lăn lộn trong nghệ thuật từ sớm, Lê Yên còn biết nhiều thể loại âm nhạc sân khấu như tuồng, chèo, cải lương… Tuy nhiên, khi bắt đầu viết ca khúc như "Vườn xuân", "Một ngày vui"… và nhất là "Bẽ bàng" ở nhịp valse 3/4 đều mang chất Tây phương. Nhưng đến "Nghệ sĩ hành khúc" thì Lê Yên đã bắt đầu thổi vào đấy hồn Việt rất tươi trẻ, phóng khoáng qua giai điệu.
Nhạc sĩ Lê Yên Ảnh: TƯ LIỆU
Giống như Nguyễn Xuân Khoát và thực thi chủ trương của nhóm Tricéa, ông đã dùng chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ phổ nhạc bài đồng dao quen thuộc "Con mèo mà trèo cây cau" với nét nhạc tinh nghịch và hóm hỉnh. Chất tinh nghịch và hóm hỉnh của ông đã khiến ông và em trai là nhạc sĩ Lê Lôi từng cùng nhau diễn màn khôi hài "Kéo đàn trước gương" trên các sàn diễn và được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Hai anh em ông đã từng cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Quy và nhạc sĩ Lương Ngọc Trác xuất ngoại sang chơi nhạc ở quán bar Côn Minh (Trung Quốc) cho đến khi nghe tin Cách mạng Tháng Tám khởi ra ở Hà Nội, các ông mới trở về để cùng hòa vào làn sóng mới của dân tộc.
Nhờ cảm hứng khi xem xiếc ngựa, nhìn kỵ sĩ trổ tài và nghe hành khúc "Chiến sĩ Việt Nam" của Văn Cao thấy bóng "bao chiến mã lên đường", ông cũng hứng khởi viết một hành khúc tưởng tượng về đoàn kỵ binh Việt Nam mà người mến mộ quen gọi là "Ngựa phi đường xa" với câu mở đầu bằng giai điệu răng cưa quãng bốn đúng: "Ngựa phi ngựa phi đường xa - Bước trên đường cát trắng trắng xóa - Bước trên đường nắng sáng chói lóa…". Hành khúc này rất hợp cho một tiết mục mở màn mà ban hợp ca Thăng Long của Phạm Duy thường xuyên thực thi đúng như thế.
Lê Yên cùng em Lê Lôi lên đường theo kháng chiến. Ông đã từng cùng Nguyễn Văn Thương và Nguyễn Văn Tý dạy nhạc ở Khu Bốn. Năm 1950, Lê Yên lên Việt Bắc và viết "Trận Đoan Hùng" phổ thơ Lưu Quang Thuận. Tác phẩm như một tráng ca đĩnh đạc và sảng khoái. Nhưng dấu ấn về một bản lĩnh sáng tạo âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc thì phải chờ đến khi ông phỏng thơ Hoàng Trung Thông trở thành bản trường ca "Bao giờ trở lại" và được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng thưởng cho phần "Bộ đội về làng", thấy rõ sự nhuần nhuyễn, tinh tế trong cách sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian mà chủ yếu là "Hò giã gạo" - một làn điệu dân ca lao động quen thuộc của vùng Bình - Trị - Thiên.
"Bộ đội về làng" còn cho thấy khả năng thoát khỏi sự lệ thuộc vào thơ khi phổ thơ, để ngôn ngữ âm nhạc bay lên từ thơ, khác hẳn với cách phổ thơ như "hát thơ" của Văn Phụng với kỹ thuật phương Tây cũng từ bài thơ của Hoàng Trung Thông nhưng lấy tựa đề tác phẩm là "Các anh đi". "Bộ đội về làng" xứng đáng đứng cùng "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, "Trường ca sông Lô" của Văn Cao, "Du kích sông Thao" của Đỗ Nhuận, "Ba Đình nắng" của Bùi Công Kỳ, "Bình Trị Thiên khói lửa" của Nguyễn Văn Thương và "Trường chinh ca" của Lương Ngọc Trác. Không chỉ đứng cùng mà còn có cái rất riêng mang bản chất "con âm Việt" của Lê Yên.
Ở "Bộ đội về làng", những đoạn nhạc dạo, nhạc bắc cầu, nhạc xen kẽ là thành phần hữu cơ của tuyến giai điệu. Đó là cách tư duy "nhạc lồng" kiểu Việt như lưu không trong chèo chẳng hạn, một tư duy đã có trước tư duy "nhạc đệm" của phương Tây.
Cũng với duyên tình con âm Việt, vào những năm đầu chống Mỹ, Lê Yên đã tạo ra một kỳ tích khi phổ bài thơ năm chữ của Thanh Hải cũng có tựa đề là "Nhớ" như bài thơ của Nguyễn Đình Thi được Hoàng Vân phổ nhạc. Khác với Hoàng Vân, Lê Yên chọn ngay chất liệu Tây Nguyên để phổ bài thơ. Điều thuận lợi cho Lê Yên là khi ấy ở miền Bắc có đoàn văn công Tây Nguyên với sự tụ quần của các nghệ sĩ Tây Nguyên như Y Yơn, Kpapai, Kpa Y Lăng, Nay Pha, Hơ Ben, Kim Nhớ… nên ông có điều kiện đắm chìm vào miền âm thanh độc đáo này. Và bài thơ năm chữ của Thanh Hải: "Anh ơi! Em xin anh/ Đừng có hỏi con chim/ Con chim chỉ biết hót/ Nó không hề ngồi im/ Nhớ anh mà nó khóc…" đã được nhạc hóa, biến khỏi nhịp thơ đến lạ lùng.
Cũng là nhạc dạo đầu mở ra như "Bộ đội về làng". Cũng là nhịp 3/4 như "Bẽ bàng" nhưng không phải là nhịp valse phương Tây mà là sự giao hòa của điệu thức thất cung với điệu thức ngũ cung Tây Nguyên rất nhiều luyến láy trôi theo câu nhạc đã cắt rời nhịp thơ năm chữ: "Anh ơi! Em xin anh đừng/ Có hỏi con chim/ Con chim chỉ biết hót/ Nó không hề ngồi im/ Nhớ anh mà nó khóc đó anh…". Một bất ngờ khi Lê Yên cùng lúc chuyển điệu lùi từ điệu thức pha trưởng xuống điệu thức mi giáng trưởng (lùi một quãng hai trưởng) thì đồng thời cũng là chuyển nhịp từ nhịp đơn 3/4 sang nhịp kép 2/4 + 3/4. Lại một cách giải thơ năm chữ sang nhịp năm của âm nhạc vô cùng độc đáo, cũng là độc nhất vô nhị chỉ Lê Yên mới đủ cảm xúc tạo hồn cho ta quên đi kỹ thuật vô cùng phức tạp này: "Anh hãy hỏi nương rẫy/ Em nhớ anh mấy lần/ Mấy lần em lên rẫy/ Bấy nhiêu lần em nhớ anh/ Anh hãy hỏi tấm chăn/ Những đêm nằm vắng vẻ/ Chăn ơi! Chăn nhớ ai?/ Ai khóc chăn ướt lệ…". "Nhớ" của Lê Yên là một kiệt tác của nền tân nhạc Việt Nam được bay lên cùng bài thơ cũng là một kiệt tác của Thanh Hải.
Lê Yên cứ thế duyên tình con âm Việt để tạo nên bao tác phẩm âm nhạc cho tuồng, cho kịch, cho phim, cho chèo với những pha trộn, với những tìm kiếm cho một giọng nhạc riêng thuần Việt, vừa truyền thống, vừa đương đại. Ông đã sáng tạo tới tận lúc ra đi khỏi cõi đời này vào năm 1998. Ông rất xứng đáng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
(*) Xem Báo Người Lao Động số thứ bảy từ ngày 26-8
Bình luận (0)