Tối nay, 27-10, Liên hoan Phim (LHP) quốc tế Hà Nội (HANIFF) chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham dự của 1.000 khách mời trong nước và quốc tế. Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc thế giới trong suốt những ngày diễn ra HANIFF, từ 27 đến 31-10.
Tiệc điện ảnh nhiều món
Ngoài "Nhắm mắt thấy mùa hè", tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi, được chọn đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự HANIFF 2018, hạng mục phim truyện dài còn ghi nhận sự có mặt của 12 bộ phim đại diện cho 12 nền điện ảnh trên thế giới. Đó là "Đêm yên lặng" (Ba Lan), "Buồng tối" (Iran), "Con nhộng" (Ấn Độ), "Nữ sinh" (Hàn Quốc), "Luật đầu tiên - Câu chuyện của Pháp sư" (Argentina), "Muối đang rời xa biển" (Indonesia), "Tín hiệu trên đỉnh núi" (Philippines), "Eva" (Pháp), "Anna Karenina: Chuyện kể của Vronsky" (Nga), "Danh xưng" (Nhật Bản), "Dân quê (Serbia)"... Trong khuôn khổ HANIFF 2018, khán giả Hà Nội cũng có cơ hội thưởng thức các bộ phim từng đoạt giải thưởng Oscar, Cành cọ vàng, Gấu vàng như "Shoplifters" của đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda (giải Cành cọ vàng LHP Cannes 2018), "A Fantastic Woman" (giải Oscar 2018) kể về hành trình vượt qua nghịch cảnh của một phụ nữ chuyển giới… Chương trình "Toàn cảnh điện ảnh thế giới" cũng giới thiệu hơn 50 phim dài và phim ngắn được chọn lọc, trong đó có nhiều phim đỉnh cao. Trong khi đó, "Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan" chia sẻ 9 phim kinh điển, chương trình "Chùm phim chọn lọc Iran" mang đến cho khán giả 8 bộ phim hấp dẫn.
Cảnh trong phim “Nhắm mắt thấy mùa hè”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Bữa tiệc điện ảnh năm nay sẽ không thể thiếu các bộ phim Việt Nam đương đại như "100 ngày bên em", "49 ngày 2", "798 Mười", "Chàng vợ của em", "Cô Ba Sài Gòn", "Dạ cổ hoài lang", "Em chưa 18", "Song Lang", "Tháng năm rực rỡ"... Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc HANIFF 2018 - thống kê có tới 201 buổi chiếu phim ở tất cả thể loại, trong đó có nhiều buổi ra mắt của các đoàn làm phim.
Bên cạnh các buổi chiếu phim, chợ dự án phim và trại sáng tác cũng được kỳ vọng truyền cảm hứng cho các tài năng trẻ Việt Nam, như đã từng làm nên điều tuyệt vời cho Nguyễn Hoàng Điệp với dự án "Đập cánh giữa không trung" của cô.
Bao giờ thành thương hiệu quốc tế?
Phát biểu tại buổi họp báo chiều 26-10, bà Nguyễn Phương Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, ủy viên Ban Chỉ đạo HANIFF 2018 - cho biết Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo phải xây dựng HANIFF thành thương hiệu của ngành văn hóa. LHP phải là sản phẩm cụ thể đặc sắc trong việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế.
Trong khi đó, theo một đạo diễn tên tuổi, 2 yếu tố tạo nên thương hiệu cho một LHP là quy mô và uy tín. Uy tín thể hiện ở khách mời, giám khảo và chất lượng những bộ phim mà LHP quy tụ được.
10 năm sau khi HANIFF chính thức ra mắt bạn bè quốc tế vào năm 2008, LHP này đã có những thay đổi đáng kể cả về quy mô lẫn nội dung. Bà Ngô Phương Lan cho hay nếu như ở LHP lần I chỉ có 59 phim tham gia, lần II có 116 phim, lần III tuyển chọn được 132 phim, lần IV tuyển chọn 146 phim thì trong lần thứ 5, đã có tới 500 phim đến từ 50 quốc gia. Năm nay, phim dự thi không chỉ lựa chọn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà được chọn từ các nền điện ảnh trên khắp thế giới. Thậm chí, với quy định phim dự thi phải chưa từng dự thi tại các LHP quốc tế ở khu vực châu Á, ban tổ chức đã phải loại khá nhiều phim hay gửi đến. "Nhưng như vậy mới có điều kiện để phát hiện các tài năng điện ảnh mới của châu Á" - bà Ngô Phương Lan nói và nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để HANIFF có được vị thế như hôm nay vẫn là chất lượng các bộ phim đã ngày càng "tinh" hơn.
Theo bà Ngô Phương Lan, trong các kỳ LHP trước đây, việc tìm một vài bộ phim nổi tiếng, phim đã nhận được giải thưởng lớn để trình chiếu là không hề đơn giản. Không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính dồi dào để trả đủ tiền bản quyền, những người tổ chức cũng phải có tên tuổi, uy tín mới dễ dàng lấy được những bộ phim đó về cho LHP của mình. Nhưng sau 5 lần tổ chức, đến giờ, Ban Tổ chức HANIFF đã có thể liên hệ được với nhiều LHP uy tín, các đại lý hay thậm chí là trao đổi trực tiếp với các nhà làm phim, các tác giả để mang về Việt Nam những bộ phim mới nhất, những tác phẩm điện ảnh hàng đầu của điện ảnh thế giới. "Danh sách giám khảo năm nay với những nhà làm phim nổi tiếng quốc tế cũng là một sự ghi nhận dành cho HANIFF 2018" - bà Lan nhận định.
Nhưng liệu HANIFF có thực sự trở thành một LHP có thương hiệu như kỳ vọng? Câu trả lời là không dễ dàng. Các LHP quốc tế trên thế giới đều được tổ chức hằng năm, trong khi HANIFF một mình một kiểu: tổ chức 2 năm/lần. Rõ ràng, việc đi ngược thông lệ quốc tế là điểm trừ trong việc đưa HANIFF trở thành một thương hiệu quốc tế. Chính bà Ngô Phương Lan cũng thừa nhận việc tổ chức 2 năm/kỳ liên hoan khiến cho ban tổ chức gặp nhiều khó khăn trong nuôi thương hiệu LHP quốc tế Hà Nội. "Nó không đúng với thông lệ của các LHP quốc tế" - bà Lan cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc ban tổ chức có tính đến phương án thay đổi thời gian tổ chức liên hoan, bà Ngô Phương Lan cho hay Cục Điện ảnh không thể quyết định được vấn đề này. "Luật Điện ảnh 2007 đến giờ đã có nhiều điểm cần sửa đổi. Thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, chúng tôi sẽ đề xuất cách tổ chức LHP như thế nào cho hợp lý nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế" - bà Lan thông tin.
Tại sao "Nhắm mắt thấy mùa hè" được chọn?
Trả lời câu hỏi tại sao ban tổ chức lại chọn "Nhắm mắt thấy mùa hè", một bộ phim được đánh giá là không mấy đặc sắc, đại diện cho Việt Nam tranh tài ở HANIFF 2018, bà Ngô Phương Lan cho hay vì tiêu chí phim dự thi phải chưa từng tham gia các LHP khu vực châu Á nên danh sách phim dự thi rất hạn chế. "Thậm chí, đã có phim được lựa chọn nhưng sau đó lại tham dự LHP khác nên bị loại, chỉ có "Nhắm mắt thấy mùa hè" đáp ứng tiêu chí này" - Giám đốc HANIFF 2018 nói.
Bình luận (0)