Đến hẹn lại lên, Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27-11 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây được xem là ngày hội của ngành điện ảnh trong nước nên được người trong giới quan tâm, chờ đợi, nhất là kết quả đánh giá phim truyện của liên hoan.
Phim làm bằng vốn nhà nước là ẩn số?
Với khẩu hiệu "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập", LHP lần này muốn biểu dương các tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn và có dấu ấn sáng tạo. Danh sách 16 phim truyện điện ảnh tranh giải gồm: "Khi con là nhà", "11 niềm hy vọng", "Người bất tử", "Tháng năm rực rỡ", "Thạch Thảo", "Song lang", "100 ngày bên em", "Anh thầy ngôi sao", "Lật mặt: Nhà có khách", "Cua lại vợ bầu", "Nơi ta không thuộc về", "Hạnh phúc của mẹ", "Hai Phượng", "Hợp đồng bán mình", "Thưa mẹ con đi", "Truyền thuyết về Quán Tiên".
Trong số 16 phim truyện điện ảnh kể trên, điểm mới so với LHP lần trước là có sự trở lại của phim làm bằng vốn nhà nước, sản xuất trong 2 năm 2018-2019: "Truyền thuyết về Quán Tiên" và "Thạch Thảo" (70% vốn nhà nước và 30% vốn xã hội hóa); phim "Nơi ta không thuộc về" của Điện ảnh Quân đội và "Hợp đồng bán mình" của Công ty CP Phim Giải Phóng (100% vốn nhà nước). Nhìn chung, sự trở lại này vẫn chẳng đáng kể so với số lượng lớn phim tư nhân phát hành mỗi năm.
Ngoại trừ "Thạch Thảo" đã ra rạp (doanh thu thấp, chất lượng chuyên môn trung bình), cả 3 phim còn lại chưa bán vé rạp nên chưa biết được mức độ ăn khách thế nào. Phim "Nơi ta không thuộc về" hoàn thành năm 2018, chỉ chiếu tuyên truyền, phục vụ quân đội là chủ yếu. Phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" về đề tài chiến tranh, được biên kịch Đoàn Minh Tuấn chuyển từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, Đinh Tuấn Vũ đạo diễn, hoàn thành năm 2019 và đã ra mắt khán giả một buổi chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia - Hà Nội trong Tuần phim miễn phí chào mừng LHP. Ngoài một vài bài viết khen ngợi trên báo chí, dư luận của khán giả không mấy quan tâm về bộ phim này.
Phim "Hợp đồng bán mình" cũng mới chiếu ra mắt báo giới, khách mời. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải Phóng, cho biết đây không phải là phim thương mại nên ông không kỳ vọng doanh thu mà quan trọng hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền.
Dù được khen ngợi ở nỗ lực cân bằng giữa thương mại và tuyên truyền, hình ảnh, bối cảnh được đầu tư, phim "Hợp đồng bán mình" của đạo diễn Trần Ngọc Phong còn nhiều điểm trừ, khó cạnh tranh ở thị trường. "Phim xem được ở góc độ giải trí, kịch bản còn nhiều lỗ hổng. Diễn viên vào vai nữ chính không phù hợp với nhân vật được miêu tả và diễn xuất cũng không đạt; phù hợp vai phản diện hơn là vai các cô gái ngây thơ, thánh thiện. Nữ chính diễn không đạt nên làm mất đi thông điệp chính của phim. Thêm vào đó, tính cách nhân vật phát triển không phù hợp. Một người tư lợi, thực dụng, luôn nghĩ cho mình - nhân vật do Minh Luân thủ vai - nhưng lại có những quyết định không mang đến lợi ích nào ở phần cuối" - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nhận xét.
Mỗi kỳ LHP Việt Nam, ban tổ chức trông chờ vào các tác phẩm nổi trội về giá trị nội dung và nghệ thuật để chọn trao giải Bông sen vàng (phim xuất sắc nhất), thường thì phim làm bằng vốn nhà nước là ứng viên sáng giá. Nhiều người trong giới cho rằng với chất lượng không nổi trội, phim nhà nước khó cạnh tranh được với các phim tư nhân trong cuộc đua "Bông sen vàng" tại LHP lần này.
Cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Phim tư nhân sàng sàng nhau
Tuy nhiên, hơn 10 phim tư nhân tranh giải mùa LHP này cũng không phải là những tác phẩm được đánh giá cao về chuyên môn, dù doanh thu một vài phim cao kỷ lục. Các phim: "Cua lại vợ bầu", "Lật mặt: Nhà có khách", "Hai Phượng", "Người bất tử"... bị chê yếu kém về kịch bản, nhiều sạn trong dàn dựng, diễn xuất. Trong khi đó, các phim "Song lang", "Thưa mẹ con đi"... được đánh giá khá về chuyên môn nhưng thiếu yếu tố ăn khách. Một tác phẩm xuất sắc, nổi trội, ứng cử viên sáng giá cho Bông sen vàng là điều không có tại LHP Việt Nam lần 21. Theo nhà báo Cát Vũ: "LHP lần này, phim nhà nước khó tạo được ấn tượng. Các phim tư nhân tranh giải chất lượng cũng chưa tốt, "Song lang" đang sáng nhất".
Hai năm qua, điện ảnh Việt có gần 70 phim truyện ra rạp, số lượng tranh giải chỉ 16 (4 phim nhà nước) cho thấy sức hút của LHP vẫn còn khá thấp. Nếu liên hoan được nâng tầm, nhà sản xuất coi trọng, họ sẽ không ngần ngại tham gia. Liên hoan là dịp để mọi người tụ hội, cùng nhau xem xét, đưa ra ý kiến giúp điện ảnh phát triển bền vững, một hoạt động cần thiết đẩy mạnh ở vào giai đoạn mà việc ra rạp xem phim trở nên phổ biến như hiện nay. Để tạo sự sôi động, mong chờ từ người trong giới lẫn khán giả, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường khâu quảng bá, thu hút được nhiều phim tham gia và việc đánh giá phim phải thực chất, tạo uy tín.
Khó kỳ vọng tạo được sự sôi động
Hai năm 1 lần, LHP Việt Nam được thực hiện với khung chương trình tương tự các LHP quốc tế. Ngoài các hoạt động chấm và trao giải cho phim dự thi, một số hoạt động bên lề được tổ chức như triển lãm, hội thảo. Ban tổ chức cho biết ngoài 16 phim truyện điện ảnh, còn có 29 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 20 phim hoạt hình tranh giải. Chương trình toàn cảnh diễn ra trong khuôn khổ liên hoan với sự tham dự trình chiếu của 14 phim truyện điện ảnh, 16 phim tài liệu.
"Nếu diễn ra ở những TP lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội..., tôi nghĩ sẽ có sự sôi động nhất định nhưng tại TP du lịch như Vũng Tàu, khách du lịch nhiều hơn dân địa phương, cũng khó kỳ vọng tạo sự sôi động ở khán giả" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Bình luận (0)