xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Loan" và giấc mơ con chữ vùng cao

Bài và ảnh: Trầm Hương

Tác giả quyển sách đoạt giải 1 trong 5 quyển sách hay ở Đức năm 2015 đã dùng nhuận bút quyển sách thành lập quỹ "Loan", với phương châm "Chung tay vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới", thực hiện các dự án giúp đỡ học sinh các dân tộc ít người, những mảnh đời khó khăn ở vùng cao Việt Nam

Trước Tết nguyên đán 2019, tôi nhận được email của chị Isabelle Muller - tác giả quyển sách "Loan - từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng". Chị báo tin sẽ về Việt Nam, thực hiện chuyến hành trình tìm lại dấu chân phiêu bạt người mẹ Việt của chị, từ Hà Tĩnh, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội... và chặng cuối là Hà Giang. Chuyến đi sẽ khởi hành sau mùng 10 tháng giêng và kết thúc sau Tết nguyên tiêu. Tôi hào hứng kết nối để có chuyến đi cùng chị. Vậy là gác lại hội hè, đêm thơ Nguyên tiêu, váy áo xúng xính, đọc thơ, thả thơ, nghe thơ, tôi thực hiện chuyến xuất hành đầu năm cùng chị, đến với những miền đất xa xôi, tận nơi "Mèo Vạc mây trôi".

Từ Hà Giang đến Hà Tĩnh

Vì muốn thế giới biết đến câu chuyện của mẹ mình - một cô bé nơi làng quê nghèo ở Hà Tĩnh, mới 12 tuổi đã dám trốn nhà ra đi, vượt thoát cuộc hôn nhân mua bán cô, chỉ với mảnh ruộng và 2 con lợn mà Isabelle Muller đã viết và nỗ lực đưa câu chuyện đến với nhiều người, bằng cả tự truyện về cuộc đời mình. Cô căm ghét chiến tranh vì sau những trải nghiệm, Isabelle Muller hiểu người cha sinh ra cô đã bị chiến tranh tàn phá cuộc đời, làm biến dạng những phẩm chất tốt đẹp trong ông. Cô có 150 buổi thuyết trình nói lên sự đấu tranh của những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục. Cô đã đưa được "Loan" về Việt Nam, chính quê hương của mẹ, được độc giả đồng cảm, đón nhận. Tác giả quyển sách đoạt giải một trong 5 quyển sách hay ở Đức năm 2015 đã dùng nhuận bút quyển sách thành lập quỹ "Loan", với phương châm "chung tay vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới", thực hiện các dự án giúp đỡ học sinh các dân tộc ít người, những mảnh đời khó khăn ở vùng cao Việt Nam. Chỉ mới 2 năm hoạt động, quỹ "Loan" do Isabelle Muller sáng lập đã triển khai 12 chương trình, dự án với tổng số tiền viện trợ cho Hà Giang khoảng 6,8 tỉ đồng. Isabelle Muller chọn cách trở về, đến Hà Giang vì còn rất nhiều "miệng không muốn nói tai không muốn nghe" ở cao nguyên xa xôi. Cô mong muốn được cho đi bằng trái tim, đến với những số phận, được lắng nghe và chia sẻ những nỗi đau, được cứu vớt, mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ như Loan đã từng không được học chữ vì là con gái, bị người thân bán đi. Loan có tên khai sinh là Đậu Thị Cúc đã dẫn dắt con gái mình chọn một cách sống "cho đi và làm người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc". Tôi hỏi chị Isabelle Muller: "Tại sao chị không chọn Hà Tĩnh, quê hương của mẹ chị, để thực hiện dự án mà phải đến Hà Giang?". Chị nói: "Đó là một câu chuyện dài. Thoạt đầu, tôi cũng dự định triển khai dự án "Loan" ở Hà Tĩnh nhưng một người bạn ở Đại sứ quán Đức cho tôi biết thông tin Hà Giang là tỉnh nghèo nhất nước Việt Nam, đường đi rất khó khăn nên ít đoàn từ thiện đến đó. Những nơi nào khó khăn nhất, ít người đến nhất thì tôi sẽ đến".

Loan và giấc mơ con chữ vùng cao - Ảnh 1.

Isabelle thăm điểm trường ở thôn Bản Phố, mong có thật nhiều tiền để xây thêm nhiều ngôi trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Hà Giang

Tôi đã đến Hà Giang nhiều lần nhưng chuyến đi này với tôi thật ý nghĩa, khi tiếp cận được những trái tim dũng cảm để hành động và những ước mơ thật đáng trân trọng, nâng niu.

Làm từ thiện bằng cả tấm lòng

Ý nghĩ viết quyển sách về mẹ luôn nung nấu trong lòng chị Isabelle. Để thực hiện ước mơ ấy, Isabelle trải qua một quá trình sống và rèn luyện, vượt lên những thương tổn tuổi thơ bất hạnh của mình. Thi đỗ tú tài, chị học thêm ngoại ngữ. Năm 1985, chị hành nghề biên phiên dịch tại Đức. Năm 1992, chị kết hôn với ông Stephan Muller - một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có 2 con gái và có một cuộc sống thành đạt ở Đức. Nhưng Isabelle luôn bị thôi thúc trở về Việt Nam. Dọc đường, vào chợ Nam Định, chị ăn ngon lành chén chè. Chị nói: "Mẹ Loan đã nấu món này cho tôi ăn ở Pháp". Chị ăn được cà pháo, mắm tôm, nước mắm... Chị nói lúc đi học, vào trường nội trú, chị rất mong đến ngày cuối tuần trở về nhà, chỉ để được ăn những món Việt Nam do mẹ Loan nấu.

Loan và giấc mơ con chữ vùng cao - Ảnh 2.

Isabelle Muller đi xe máy thăm điểm trường ở thôn Bản Phố, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Chị ngồi trên chiếc xe máy do một anh chàng người miền núi vượt triền dốc cheo leo, đến những thôn xa xôi của huyện Vị Xuyên. Tôi không khỏi thót tim bởi chỉ lệch nửa bánh xe thôi thì cả người và xe bay xuống đáy vực. Chị nói chị không muốn làm từ thiện bằng cách trao tiền cho một tổ chức rồi không biết đồng tiền ấy đến đâu, đến với ai. Chị muốn tự mình trải nghiệm. Những đồng tiền từ quỹ "Loan" phải đến được những số phận cần chia sẻ, giúp đỡ. Đầu tư cho giáo dục là cách làm có ý nghĩa, bền vững. Nghĩ vậy nên chị không quản nhọc nhằn, gian khổ và nguy hiểm đi đến nhiều bản làng xa xôi của người dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

"Tôi mong có thật nhiều tiền..."

Tôi tìm thấy dấu chân chị nở hoa nơi những điểm trường cheo leo trên triền núi. Cô Nguyễn Thị Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Minh Tân B, huyện Vị Xuyên - xúc động nói: "Chị Isabelle đã đến đây khảo sát và tài trợ cho trường em xây dựng thư viện này. Ở vùng cao, học sinh rất thiệt thòi vì đói sách". Tôi lại tiếp tục ngồi sau những chiếc xe máy leo dốc, đến thăm lại ngôi trường mang tên mẹ chị - Đậu Thị Cúc - nơi một sườn núi cheo leo. Với chiếc túi căng phồng, chị lại leo dốc, đi vào các điểm trường, thăm những phụ huynh khó khăn. Những chiếc kẹo, gấu bông, những món đồ chơi từ Đức vượt đại dương đến với thôn Bàn Phố, biên giới Vị Xuyên đã làm sáng lên ánh mắt trẻ thơ, rạng rỡ nụ cười của cậu học trò Giàng Quang Trung, trong lúc cha em là Giàng Chả Lòng xúc động không ngăn được nước mắt. Anh nói sự viếng thăm của chị Isabelle đã động viên anh chăm chỉ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. "Ngày xưa, em rất ham học nhưng đói quá, phải làm nương để có cái ăn. Giờ em nhất quyết lo cho con cái chữ".

Loan và giấc mơ con chữ vùng cao - Ảnh 3.

Em Giàng A Mua, người H’Mông, học lớp 2 ở điểm trường ghép xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bộc bạch ước mơ: “Lớn lên em muốn được làm cô bộ đội bảo vệ Tổ quốc”

Con chữ nơi miền núi phía Bắc này trĩu nặng những tấm lòng. Tấm lòng phụ huynh khát chữ, tấm lòng thầy cô giáo bám thôn bản dạy học, tấm lòng của những con người như chị Isabelle muốn đi đến những nơi khó khăn nhất để giúp đỡ, nâng niu những ước mơ của những em bé vùng cao... Mới 5-6 tuổi, các em đã chân trần, cuốc bộ hàng chục cây số, vượt qua nhưng triền đá cheo leo, một mình đến lớp. Chị Isabelle thì ngước nhìn trời lên trời cao khấn nguyện: "Tôi mong có thật nhiều tiền để xây thêm nhiều ngôi trường cho trẻ em vùng cao. Tôi tin mẹ Loan sẽ dẫn dắt và độ trì cho tôi thực hiện ước mơ ấy". 

Tứ thơ hay nhất trong Ngày thơ Việt Nam

Lần đầu tiên tôi đứng trong lớp học ghép của một điểm trường vùng biên giới Hà Giang, mắt cay cay khi nhìn cảnh em Giàng A Mua người H’Mông, học lớp 2 vừa bồng em bé trên tay vừa chăm chỉ viết bài. Tôi lặng người khi nghe em bộc bạch ước mơ: "Lớn lên em muốn được làm cô bộ đội bảo vệ Tổ quốc". Có phải đây là tứ thơ hay nhất để thả lên bầu trời biên giới trong Ngày thơ Việt Nam. Ôi, có những ước mơ đẹp hơn những bài thơ!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo