Trải dài theo chân dãy Trường Sơn, hệ thống núi từ quãng bờ Nam sông Vu Gia giáp đến bờ Bắc sông Thu Bồn lần lượt là các cụm núi: Hữu Niên, Thọ Lâm và An Bằng. Đứng ở một vị thế cao nhất phóng tầm mắt quan sát, có nhiều mái núi thoai thoải trải rộng về hướng đồng bằng vùng B Đại Lộc, tạo ra nhiều mặt bằng phủ nhiều mảng màu sắc khá đẹp như: bằng Am, bằng Mua, bằng Sim, bằng Chuổi… Sở dĩ có những tên gọi như thế là vì trên từng mặt bằng nhấp nhô đồi dốc kia, hoa hoang cỏ dại lẫn cây rừng dường như cũng biết quần tụ nhau sinh sống theo tổ chức bầy đàn. Nơi mọc toàn những cây sim thì gọi là bằng sim, nơi mọc toàn cây mua thì gọi là bằng mua, tương tự như thế những bằng chuổi, bằng thông lớn nhỏ, dưới bàn tay thiên nhiên kỳ diệu gieo trồng và xác lập tuổi tên cho từng mái núi, quả đồi…
Nhưng có một đỉnh núi có tên gọi là bằng Am là bởi trên cái bằng vừa rộng vừa cao nhất ấy, tương truyền ngày xưa có một vị tu sĩ đã lên tận chốn này dựng một cái am ẩn tu nơi đây. Vì bằng Am thuở ấy còn là một cánh rừng chỉ có giống loài cây tùng (thông) nên núi còn có tên là Tùng Sơn, và vị tu sĩ huyền thoại ẩn tu trên chốn non cao này được người đời truyền tụng là thầy Tùng Sơn.

Cảnh quan nhìn từ đỉnh Tùng Sơn Ảnh: HỒ NGỌC THANH
Núi Tùng Sơn hay bằng Am ở rìa phía Bắc cụm núi Hữu Niên có độ cao non ngàn mét thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. Theo Quốc lộ 14B, cách bờ Nam đầu cầu Hà Nha khoảng 1 cây số, sẽ gặp một một con đường đất đá mới mở dốc ngược lên đỉnh Tùng Sơn. Đấy là khúc dạo đầu dang dở, lưu giữ một cuộc phiêu lưu có phần lãng mạn của một dự án du lịch nào đó. Nếu như ở phía Nam, núi An Bằng và một phần núi Thọ Lâm, từ bao đời nay cây dầu rái trên các vùng núi này là một phần đời sống của người dân địa phương với trữ lượng dầu rái khai thác phục vụ cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thì ở phía Bắc, núi Tùng Sơn - bằng Am chỉ là một cái trảng rộng mông mênh cây cỏ cùng với mây trắng lãng đãng bay qua ngày ngày.
Tôi không rõ lắm luận chứng thuyết minh của những nhà làm du lịch, khi mở ra dự án trên đỉnh Tùng Sơn, người ta đề cập đến cảnh quan môi trường sinh thái hay là muốn khai thác cái nét nổi bật nhuốm màu truyền thuyết kia như một đặc điểm kích thích sự khám phá mời gọi du khách. Bằng nhãn quan thường nghiệm thì quang cảnh trên đỉnh Tùng Sơn không có ưu thế như nhiều vùng núi khác. Gọi là núi tùng, núi thông nhưng bây giờ hầu như chỉ thấy nhấp nhô những mái đồi lau lách và cỏ dại. Về khí hậu, dẫu trên cao có mát mẻ , nhưng xem ra không khác nhiều so với vùng đồng bằng dưới chân núi, kiểu như đặc điểm khí hậu nổi bật ở Bà Nà hay Bạch Mã. Vậy thì thế mạnh của vùng núi non này để mở ra một dự án du lịch trước hết có lẽ nên bắt đầu từ việc trồng rừng, đặc biệt là cây thông, cây tùng để Tùng Sơn lại phủ xanh đúng như tên gọi của nó.
Cũng có thể sự lãng mạn của trí tưởng kích thích, dễ gieo vào tâm hồn người ta niềm xao xuyến về một nhân vật huyền ảo hư thực: thầy Tùng Sơn. Vâng, những câu chuyện tương truyền về ngài Tùng Sơn thuở xưa tu trên non cao bằng Am, ngày ngày xuống núi phát thuốc cứu chữa người dân quanh vùng bị bệnh tật. Rồi một ngày, tự thấy sức già nua ốm yếu, ngài bèn gọi đệ tử lại dặn dò: "Khi ta qua đời, các con nhớ đưa nhục thân ta vào đặt trong hang đá sau am". Đúng như lời thầy Tùng Sơn dặn, một đêm ngài viên tịch, các đệ tử đã đưa nhục thân thầy vào đặt trong hang đá. Sáng hôm sau các đệ tử vào hang xem, kỳ lạ thay, đã thấy mối đùn lên thành ngôi mộ lớn. Địa linh núi Tùng Sơn vang danh từ đó.
Trong bài ký "Đài Sơn tăng truyện" của cụ cử Lương Thúc Kỳ (thi đỗ cử nhân khoa Canh Tý 1900), quê ở làng Hà Tân, huyện Đại Lộc, người lúc sinh thời từng kết bạn giao du với thầy Tùng Sơn, có mô tả (đại ý): "Mùa hạ năm Giáp Ngọ (triều vua Thành Thái), có một ông già dung mạo siêu phàm, từ phương xa đến làng Hà Tân thì dừng bước. Thấy nhân dân trong vùng đau ốm bệnh tật quá nhiều, ông cất công vào rừng tìm các loại cây thuốc hái đem về làng chữa trị cho dân. Ở lại trong làng một thời gian, ông đã tìm đường lên núi Đài Sơn lập am tu luyện". Theo tác giả bài ký thì ngài Tùng Sơn là một nhân vật có thực. Thời chưa xuất gia tu hành, thầy Tùng Sơn đã từng sang Pháp học nghề chữa máy móc. Khi về nước, ông tâu lên vua xin sửa một số điều luật để canh tân đất nước nhưng triều đình Huế đã bác bỏ. Nhìn dân tộc trong cảnh tối tăm nô lệ và hoài bão canh tân đất nước không thành, ông lánh đời quy ẩn và chọn Đài Sơn (tức Tùng Sơn) lập am tu hành.
Những năm tháng vừa bước qua khỏi cuộc chiến tranh, tôi cũng có một vài lần có mặt trên vùng núi non này. Hồi ấy, đường 14B, đoạn từ bến phà Hà Nha đi qua vùng mỏ than Ngọc Kinh chưa mở, chúng tôi thường bắt đầu từ truông Chẹt băng qua cấm Mùn, từ đây leo lên các dốc núi cao, vượt qua những bằng mua, bằng sim. Và cao nhất, hiểm trở nhất là vượt dốc Dạo. Mà nào phải chỉ có trai tráng không đâu, các bạn gái chân yếu tay mềm cũng thành những người "sơn tràng" khỏe khoắn không kém! Có những chiều từ rừng sâu quay về, cả bọn quây quần giữa Tùng Sơn thông reo gió hú, rồi lãng mạn ca hát véo von…
Ba mươi năm sau, từ con đường đất đá mới mở của dự án du lịch Tùng Sơn đã cám dỗ bước chân tôi trở lại núi non này. Tùng Sơn bây giờ không xanh biếc đại ngàn như ngày xưa. Tôi không rành cho lắm về công việc mở mang du lịch nhưng dự cảm của một kẻ hành hương mách bảo với tôi rằng: nuôi dưỡng màu xanh cho đất thì đất trả ơn, nhược bằng cứ cày ủi san phẳng lên tất cả, rồi phết lên mình nó những câu chuyện hoang đường, cổ tích giả, truyền thuyết giả, thậm chí cho đến lễ hội giả, hệ quả của nó là sự phản cảm chẳng thể làm xao xuyến lay động được tâm hồn ai.
Đất sa mạc, đất cằn cỗi những tâm hồn, người ta nhìn vào đấy sẽ nhận ra chủ nhân của nó là ai. Vì thế, nếu mở ra dự án cho du khách có dịp hành hương lên đỉnh Tùng Sơn, công việc đầu tiên, có lẽ bắt đầu từ việc trồng rừng, như tự nhiên đã sinh thành ra một non cao Tùng Sơn bạt ngàn thông reo gió hú. Đất xanh tươi sức sống và lấp lánh trên mình những giá trị văn hóa lịch sử, đất ấy mới biết níu chân người.
Bình luận (0)