Người dân và du khách nước ngoài thích thú tham gia lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TP HCM lần 5-2018
Lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 5-2018 vừa diễn ra tối nay, 3-3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM).
Lấy chủ đề "Duyên dáng áo dài TP HCM", lễ hội năm nay diễn ra nhiều hoạt động khác nhau nhằm chuyển đi thông điệp của Ban Tổ chức "Tôi yêu áo dài Việt Nam". Ngay sau lễ khai mạc sẽ có 16 hoạt động hưởng ứng mang tính nghệ thuật cộng đồng nhằm thu hút sự chú ý của du khách.
Nhiều mẫu áo dài tạo sự thú vị cho công chúng
Không gian Lễ hội Áo dài năm nay sẽ diễn ra ở nhiều địa điểm công cộng khác nhau như Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Sinh viên, hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố. Điểm nhấn là chương trình đồng diễn áo dài, "Áo dài - Xu hướng thời trang ứng dụng năm 2018, diễn đàn "Nét đẹp áo dài Việt", hội thi cắm hoa "Việt Nam trăm hoa ngàn sắc"; cuộc thi "Duyên dáng áo dài",... Đêm tổng kết của Lễ hội Áo dài TP HCM lần 5-2018 diễn ra vào ngày 26-3.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng và MC Quỳnh Hoa - hai đại sứ của lễ hội năm nay
Để tăng tính cuốn hút cho lễ hội, hơn 400 người mẫu, nghệ sĩ, 22 nhà thiết kế và gần 1.200 thiết kế áo dài đầy sáng tạo sẽ lần lượt xuất hiện trong các hoạt động trọng điểm. Năm nay, hình ảnh đại diện xuyên suốt cho các hoạt động Lễ hội Áo dài TP HCM là Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh. Chia sẻ về việc trở thành đại sứ của Lễ hội Áo dài TP HCM năm nay, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nói: "Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi. Tôi yêu áo dài Việt Nam".
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh: "Tôi yêu áo dài Việt Nam"
Ngoài ra, ban tổ chức lễ hội còn mời thêm 10 nghệ sĩ nổi tiếng khác đồng hành cùng lễ hội trong vai trò đại sứ, gồm: NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, MC Quỳnh Hoa, đạo diễn Đức Thịnh - diễn viên Thanh Thúy; ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Kyo York; diễn viên điện ảnh Hứa Vĩ Văn, Diễm My 9X; giải nhất Duyên dáng áo dài Thạch Thảo.
Bày tỏ trong đêm Lễ hội Áo dài TP HCM lần 5-2018, NSƯT Kim Xuân kể: "Tôi mê áo dài từ nhỏ.Thời trung học, có lúc tôi chỉ có 2 cái áo dài, mỗi chiều đi học về phải lật đật giặt và phơi cho mau khô để kịp thay đổi trong tuần. Tôi từng mê áo dài thêu đến mức phải học thêu thùa để tập thêu lên từng chiếc khăn tay trắng, và mơ mộng sẽ được thêu lên áo dài của chính mình. Đến giờ tôi chỉ mới thêu được trên áo sơ mi. Tôi luôn kiên quyết mặc áo dài trong các buổi hội hè lớn và từng bị chê là cổ hủ. Hôm nay, tôi vô cùng hãnh diện vì áo dài đã trở thành trang phục thật đẹp của lễ hội áo dài hằng năm".
11 đại sứ của Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 5-2018 nhận hoa từ ban tổ chức lễ hội trong đêm khai mạc
MC Quỳnh Hoa, một trong những đại sứ của Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 5-2018, bồi hồi nhớ lại: "Năm lớp 12, lần đầu tiên mình được mặc áo dài. Năm học đó, thật may mắn khi thành phố lần đầu cho học sinh PTTH mặc thí điểm áo dài vào thứ hai đầu tuần. Lần đầu tiên trong đời được mặc áo dài, cả ngày hôm đó, lớp chẳng ai học được vì... lo ngắm nhau. Mặc áo dài vào, hình như bạn nữ nào cũng trở nên thùy mị và xinh hơn mọi ngày!".
Áo dài những năm cuối thập niên 1980 chỉ dài qua đầu gối một xíu thôi, mọi người cũng chẳng ai đi giày cao đến cả tấc như bây giờ. Áo dài nói chung mỗi thời kỳ mỗi khác, lúc ngắn, lúc dài, lúc tà rộng, lúc tà hẹp, cổ cao, cổ vừa, cổ thấp, cổ trái tim, cổ thuyền… giờ thì thêm kiểu áo dài ngắn cách tân nữa, nói chung đa dạng không kém gì âu phục. Nhưng dù có biến hóa, cách tân như thế nào thì áo dài vẫn theo một chuẩn mực chung là tôn dáng của người mặc, phụ nữ mặc áo dài, dù vóc dáng thế nào theo mình vẫn đẹp vì yếu tố đó.
Yêu áo dài Việt - đó là suy nghĩ chung của phụ nữ Việt
Những năm gần đây, mỗi lần đi nước ngoài, mình thường mang áo dài theo. Mỗi lần mặc áo dài chụp hình ở nước nào là mình cũng thành "người mẫu ảnh" cho mọi người chụp... hình ảnh áo dài Việt Nam khi ra thế giới. Và chiếc áo luôn là tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn, dù là áo dài truyền thống hay áo dài cách tân... Mình luôn tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo dài và vô cùng hạnh phúc khi mọi người gọi mình là "người phụ nữ chung thủy với áo dài!".
Các nghệ sĩ thấy tự hào khi được mời làm đại sứ của Lễ hội Áo dài TP HCM
Vợ chồng đạo diễn Đức Thịnh - diễn viên Thanh Thúy tâm sự: "Đối với vợ chồng Thanh Thúy và Đức Thịnh thì áo dài truyền thống là một nét đẹp văn hóa rất đáng tự hào của người Việt Nam mình. Nhắc đến áo dài, là nhắc đến một vẻ đẹp cực kỳ Á Đông, vừa dịu dàng thanh thoát lại duyên dáng khó tả. Dù theo dòng thời gian, áo dài đã có nhiều thay đổi cũng như xuất hiện những thiết kế cách tân bắt mắt, nhưng chiếc áo dài truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng, chất chứa tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Theo quan điểm của vợ chồng Thanh Thuý - Đức Thịnh, người phụ nữ Việt Nam thật sự đẹp nhất khi khoác lên mình tà áo dài truyền thống.
Thanh Thúy - Đức Thịnh luôn mong muốn các bạn trẻ đừng đánh mất đi niềm tự hào to lớn đối với bộ trang phục đẹp đẽ, tinh tế và giàu bản sắc văn hóa như áo dài truyền thống Việt Nam".
Áo dài là niềm tự hào của người phụ nữ Việt
Diễn viên Diễm My 9X, đại sứ của Lễ hội, nói: "Ngày nay, khi Việt Nam đang hòa nhập vào thế giới, cũng là lúc các giá trị truyền thống có nguy cơ bị phai nhạt, áo dài như đưa tất cả chúng ta trở về với cội rễ của mình. Là phụ nữ Việt Nam, tôi thấy dù gu thời trang của mình có cá tính thế nào, khi mặc vào chiếc áo dài truyền thống ai cũng trở nên dịu dàng và đằm thắm hơn. Đặc biệt trong tim mình sẽ đong đầy tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc và những nhịp đập yêu thương còn nhắc chúng ta nhớ rằng mọi xu hướng đều có thể lỗi thời nhưng những gì thuộc về nguồn cội sẽ mãi trường tồn với thời gian".
Những hình ảnh đẹp Báo Người Lao Động ghi nhận tại Lễ hội Áo dài TP HCM 2018:
Bình luận (0)