Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao tặng tiền hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn. Là nhạc sĩ lớn lên từ phong trào ca hát của sinh viên - học sinh Sài Gòn trước năm 1975 như: phong trào "Du Ca Việt Nam", "Hát cho đồng bào tôi nghe"… Ông từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM.
Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tặng tiền hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhạc sĩ Trần Long Ẩn (bìa trái)
Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã có nhiều ca khúc được công chúng yêu thích như: "Người mẹ Bàn Cờ", "Trên mảnh đất tình người", "Đi qua vùng cỏ non", "Một đời người một rừng cây", "Đàn sáo Hậu Giang", "Đêm thành phố đầy sao", "Xin làm người hát rong"… Ông đã nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 và Huân chương Lao động hạng nhì.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sinh ngày 29-9-1944 ở Bình Định, nơi có truyền thống hát bội, hát bài chòi và là đất võ Tây Sơn. Thời trung học, ông học trường La San ở Quy Nhơn, các cha trong trường đã dạy âm nhạc bước đầu cho ông. Khi đậu tú tài, mẹ ông thưởng chiếc radio 4 băng, qua đó, nhạc sĩ thường nghe nhạc cách mạng và tập tành sáng tác ca khúc.
Ngày 17-4-1972, Trần Long Ẩn cùng Nguyễn Văn Sanh rời Sài Gòn ra vùng giải phóng. Trước đó, cuối năm 1971, ông về thăm quê và người thân ở Bình Định, nhưng để giữ bí mật, ông không cho ai biết dự định ra vùng giải phóng của mình, kể cả mẹ ông. Sau đó, mẹ ông đã tốn nhiều công sức, thời gian, kể cả tiền bạc đi tìm ông. Sau ngày giải phóng, hai mẹ con mới gặp lại nhau.
Sau năm 1975, ca khúc "Tình đất đỏ miền Đông" của ông đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước do Hội Văn nghệ Giải phóng tổ chức năm 1976. Bài ca "Cây hai ngàn lá" (phỏng thơ Pờ Sào Mìn) của ông được giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1994. Ông cũng đã xuất bản một số tập ca khúc "Vẫn hát ru em", "Một đời người một rừng cây"...
Giới chuyên môn nhận xét nhạc sĩ Trần Long Ẩn như một "triết gia" trong âm nhạc cách mạng với những ca khúc đậm chất suy tư về cuộc đời, về con người. Ông từng tâm sự, vốn học triết học, một công việc tưởng chẳng liên quan gì tới âm nhạc, nhưng rồi đam mê âm nhạc khiến ông viết nên những ca khúc chất vấn và suy nghĩ về bản thân mình, về cuộc đời.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn tâm sự: "Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động đã duy trì hoạt động 28 năm, có sức lan tỏa rất lớn trong đời sống văn hóa nghệ thuật của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, chương trình "Mai Vàng nhân ái" thành lập được 3 năm, đã chăm lo cho nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có quan tâm đến khối sáng tác âm nhạc. Tôi rất xúc động với buổi gặp gỡ, trao tặng quà hỗ trợ ý nghĩa này. Cảm ơn và chúc chương trình "Mai Vàng nhân ái" luôn bền bỉ và có nhiều sáng tạo để nhân rộng hiệu quả hoạt động".
Bình luận (0)