Trong năm 2020, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã thăm hỏi và hỗ trợ 100 văn nghệ sĩ bị bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban chỉ đạo giải Mai Vàng 26-2020 đã trao tặng báo xuân Người Lao Động, quà tết và chương trình "Mai Vàng nhân ái" hỗ trợ nhạc sĩ Vũ Hoàng 10 triệu đồng tiền mặt
Nhạc sĩ Vũ Hoàng hát "Phượng Hồng"
Đoàn đến thăm nhạc sĩ Vũ Hoàng tại chung cư trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP HCM. Ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban chỉ đạo giải Mai Vàng 26-2020 đã trao tặng báo xuân Người Lao Động, quà tết và chương trình "Mai Vàng nhân ái" hỗ trợ nhạc sĩ Vũ Hoàng 10 triệu đồng tiền mặt.
Thay mặt Ban tổ chức Giải Mai Vàng 26-2020, Tổng biên tập Tô Đình Tuân đã chúc tết nhạc sĩ Vũ Hoàng và gia đình. Cảm ơn những cống hiến to lớn của ông cho giải Mai Vàng và trang Văn hóa Văn nghệ của báo mà ông đã đóng góp khi còn công tác tại Báo Người Lao Động.
Ông Tô Đình Tuân trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Hoàng
Nhạc sĩ Vũ Hoàng là người thực hiện sự chỉ đạo của Tổng biên tập Báo Người Lao Động năm 1991 là ông Phan Hồng Chiến về việc tổ chức những hoạt động bên lề nhằm quảng bá thương hiệu của tờ báo đến với công chúng cũng như thu hút sự quan tâm của giới nghệ sĩ.
Từ ý tưởng đó, Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật của tờ báo lúc bấy giờ, nhà báo – nhạc sĩ Vũ Hoàng, đã đề xuất tổ chức giải thưởng "Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm" dành cho bạn đọc của báo. Và giải thưởng đầu tiên đã được tổ chức vào những tháng cuối năm 1991.
"Lễ trao giải hồi đó tổ chức ngay tại sân sau cơ quan của tòa báo với khoảng 500 khán giả tham dự, đã là một không gian văn hóa khó quên trong ký ức của tôi khi nghĩ về Giải Mai Vàng. Năm 1995, giải lần đầu tiên được tổ chức với tên gọi Giải Mai Vàng, cho đến nay đã tròn 26 năm. Chặng đường phát triển đó đã để lại nhiều ký ức đẹp trong lòng tôi" – nhạc sĩ Vũ Hoàng tâm sự.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng trong một chương trình văn nghệ là hoạt động sau mặt báo của Báo Người Lao Động
Nhạc sĩ Vũ Hoàng đã ghi nhận và đánh giá tốt sự cải tiến qua từng năm, nâng cao tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức của Báo Người Lao Động, để giải Mai Vàng luôn uy tín, nhận được sự đồng hành của văn nghệ sĩ và tình cảm của bạn đọc, công chúng.
"Nhất là năm nay, lễ trao giải Mai Vàng 26 -2020 đã được tổ chức rất ấm áp, lan tỏa nghĩa tình, mang ý nghĩa nhân văn như: "Mai Vàng nhân ái", "Trái tim miền trung"… Nhận được sự hỗ trợ và quà tết của chương trình "Mai Vàng nhân ái", lại là nghệ sĩ chốt lại danh sách 100 văn nghệ sĩ được quan tâm, thăm viếng, tôi xúc động lắm. Cảm ơn tình cảm của bạn đọc, của công chúng và của "Mai Vàng nhân ái" dành cho tôi trong mùa xuân này" – nhạc sĩ Vũ Hoàng bày tỏ.
Tượng sáp do Bảo tàng tượng sáp Việt tặng nhạc sĩ Vũ Hoàng
Đáp lại tình cảm của bạn đọc, công chúng và chương trình "Mai Vàng nhân ái", dù tiếng hát không còn khỏe như trước, nhưng nhạc sĩ Vũ Hoàng đã hát tặng ca khúc "Phượng Hồng" trong niềm cảm xúc.
NSND Lệ Thi ngâm thơ "Nhớ Bác"
Cùng ngày, đại diện Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm gia đình NSND Lệ Thi tại một chung cư ở quận Tân Bình, TP HCM.
Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức Giải Mai Vàng 26-2020 đã trao tặng báo Xuân Người Lao Động, quà tết và chương trình "Mai Vàng nhân ái" hỗ trợ NSND Lệ Thi 5 triệu đồng tiền mặt.
Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức Giải Mai Vàng 26-2020 đã trao tặng báo Xuân Người Lao Động, quà tết và chương trình "Mai Vàng nhân ái" hỗ trợ NSND Lệ Thi 5 triệu đồng tiền mặt.
NSND Lệ Thi năm nay đã 96 tuổi. Bà bị bệnh thấp khớp, mỡ trong máu. Sinh ra ở Quảng Ngãi, bà có mẹ là một đào tuồng nổi tiếng với biệt danh cô Ba Nam Bình, ông ngoại là nghệ nhân Nguyễn Như Bá. Ngay từ nhỏ bà đã được người mẹ truyền nghề và sống trong không khí nghệ thuật tuồng của gia đình bên ngoại.
NSND Lệ Thi lúc trẻ
Năm 17 tuổi, bà gia nhập gánh tuồng Ý Hiệp Ban và nhanh chóng trở thành một đào tuồng trẻ, nổi tiếng cả thanh lẫn sắc.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà gia nhập Đoàn kịch Nam tiến của Uỷ ban Kháng chiến miền Nam. Khi Đoàn kịch Quảng Ngãi thành lập, bà được mời tham gia, đóng vai chính trong các vở của đoàn như: Phượng Cơ ("Lòng già yêu nước"), Trưng Trắc ("Trưng Trắc Trưng Nhị") và đặc biệt thành công với vai Chị Ngộ trong vở tuồng cùng tên của kịch tác gia Nguyễn Tường Nhẫn – cũng là ông xã của bà.
Sau năm 1954, NSND Lệ Thi tập kết ra Bắc, trở thành diễn viên của Đoàn Văn công Liên khu V. Tại đây Lệ Thi cùng Ngô Quang Thắng, Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Kiểm, Đinh Thái Sơn được giao nhiệm vụ xây dựng kịch chủng mới: Kịch hát bài chòi.
NSND Lệ Thi đọc thơ "Nhớ Bác" tặng chương trình "Mai Vàng nhân ái"
Trong những năm 1970, bà vừa tham gia biểu diễn, vừa sưu tầm, chỉnh lý nghệ thuật hát Bài chòi. Ngoài những làn điệu cũ, bà đã sáng tạo ra các điệu hát mới bổ sung cho hát Bài chòi như: "Chiêu quân", "Dâng tướng quân", "Cam phận", "Hoàng hôn"... Ngoài ra, bà còn tham gia công tác giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ diễn viên sân khấu.
NSND Lệ Thi cảm ơn tình cảm của chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, bà trở về làm việc tại Đoàn Dân ca kịch Thuận Hải. Ở đây bà là cố vấn nghệ thuật cho đoàn, tiếp tục tham gia dàn dựng những vở mới như Bông trắng (1980), Bác Ái (1982)... Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên, năm 1984.
"Tôi cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á. Xúc động lắm vì từ khi vào Nam sinh sống với con gái, đây là lần đầu tiên một chương trình của một tờ báo đến thăm tôi, trao quà tết và tiền hỗ trợ. Thích nhất là báo Xuân Người Lao Động, vì tuổi này tôi thích đọc báo, xem đài" – NSND Lệ Thi tâm sự.
Dịp này, bà đã ngâm bài thơ do bà sáng tác "Nhớ Bác" tặng chương trình "Mai Vàng nhân ái".
Bình luận (0)