Nhà báo, nhà văn Văn Hiền, trú xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An là tác giả bài thơ nổi tiếng "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh".
Ông Phạm Hồng Kỳ, Uỷ viên Ban Biên tập, Phó Tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng Đại diện khu vực miền Bắc Báo Người Lao Động, trao 10 triệu đồng từ chương trình "Mai vàng tri ân" cho nhà báo Văn Hiền. Ảnh: Hữu Hưng
Nhà báo Văn Hiền (sinh năm 1948, ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tham gia hoạt động báo chí rất sớm. Năm 1967, khi chưa đầy 20 tuổi, ông Văn Hiền trên tuyến lửa làm công nhân giao thông, có mặt khắp các ngả đường, bến phà như: Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Lai Vu (Hải Dương), Cầu Bùng, Cầu Cấm, phà Bến Thủy (Nghệ An), phà Long Đại (Quảng Bình).
Trong bom rơi đạn nổ, tận mắt chứng kiến những hi sinh, mất mát lớn lao của đồng đội, Văn Hiền đã viết nên những tập ký "Vì sự sống con đường"; "Từ đất lửa" (NXB Phổ Thông). Các bài "Đường Quỳnh Lưu", "Những nhịp cầu nổi" được báo Văn Nghệ đăng tải. Kịch bản "Con gà mái chân chì" được đoàn văn công QK4, QK5 dàn dựng biểu diễn.
Năm 1969, ông Văn Hiền về công tác tại báo Lao động, năm 1977 ông chuyển sang công tác tại báo Nghệ An. Năm 1993, ông được giao trọng trách Phó tổng biên tập báo Nghệ An kéo dài suốt 17 năm. Từ năm 2010, ông là Trưởng đại diện của Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.
Nhà báo Văn Hiền không những nổi tiếng là nhà báo chiến trường, người luôn có mặt tại các trọng điểm đánh phá ác liệt ghi lại cảnh chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Ông còn là người sưu tầm nhiều mẩu chuyện cảm động, phục dựng chân dung của các nhà báo hi sinh trên chiến trường.
Nhà báo, nhà thơ Văn Hiền là tác giả của bài thơ nổi tiếng "Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh". Bài thơ ra đời vào đúng dịp 27-7-1993, trong lần ông vào viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Sau đó, bài thơ xúc động này được đăng trên nhiều tờ báo lớn đã làm lay động hàng triệu trái tim.
Nhà báo Văn Hiền. Ảnh: Hữu Hưng
Hơn 40 năm cầm bút, nhà báo Văn Hiền đã xuất bản hơn 20 đầu sách và nhiều tác phẩm văn học, báo chí có giá trị như: "Khoảnh khắc và mãi mãi", "Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh", "Dáng đứng dưới tầm bom", "Những câu chuyện làm báo của Bác Hồ"...
Hiện nay, dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", song hàng ngày nhà báo Văn Hiền vẫn tham gia viết báo, làm thơ, những tác phẩm của ông khi ra đời luôn được độc giả đánh giá cao.
Ghi nhận những đóng góp của nhà báo Văn Hiền, thay mặt chương trình "Mai Vàng tri ân", ông Phạm Hồng Kỳ, Uỷ viên Ban Biên tập, Phó Tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng Đại diện khu vực miền Bắc Báo Người Lao Động, đã gửi lời thăm hỏi, động viên và trao bằng chứng nhận cùng tiền hỗ trợ 10 triệu đồng tới nhà báo, nhà văn Văn Hiền và chúc ông luôn khỏe mạnh, có thêm nhiều bài viết, sáng tác có giá trị.
Bình luận (0)