Trở lại sau 10 năm gây "sóng gió" phòng chiếu, "Mamma Mia" phiên bản 2018 có tên: "Here we go again" (tựa tiếng Việt: "Yêu lần nữa") trung thành với tính chất của phần 1 năm 2008, cũng tràn ngập nắng, gió, cát biển, những gương mặt thanh xuân yêu đời, những bài hát rộn ràng sôi động của Abba… đúng với phong cách phim hè. Đặc biệt, bộ phim lần này sâu lắng hơn và để lại nhiều thông điệp đáng suy ngẫm...
Khúc ca nữ quyền
Kể tiếp câu chuyện của tập 1, "Mamma Mia 2" đi theo cốt truyện "song hành", vừa là những tình tiết của hiện tại: cô con gái Sophie (Amanda Seyfried) muốn thực hiện mong ước của người mẹ là xây dựng một khách sạn tuyệt đẹp trên hòn đảo Kalokairi (Hy Lạp) vừa lần giở một đoạn đời của người mẹ Donna Sheridan qua diễn xuất tuyệt vời của Lily James, lý giải nguyên nhân vì sao cô con gái Sophie có đến 3 người cha. Đó là mùa hè năm 1979, sau khi tốt nghiệp trường Oxford danh tiếng, cô gái Donna hăm hở khám phá thế giới và đã lần lượt có 3 mối tình lãng mạn, đắm say với 3 chàng trai Sam, Harry và Bill.
Cảnh trong phim "Mamma Mia 2". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Ở từng mối tình, Donna đều là người chủ động, tình nguyện và hoàn toàn không hối tiếc. Cô tự chọn cho mình việc đi du lịch, việc chọn sống trên đảo, việc tự sinh con và nuôi con một cách độc lập và không do dự. Mấu chốt của triết lý này chính là mỗi người tự chọn lối sống phù hợp cho mình, miễn sao đem lại cho mình niềm vui và hạnh phúc mà không phụ thuộc vào tiền tài, địa vị hay danh vọng. Điều này gợi nhắc chúng ta về những năm 1970-1980, giai đoạn phong trào nữ quyền thế giới dâng cao, phụ nữ trí thức hoàn toàn có cơ hội thể hiện vai trò nữ giới của mình trên mọi phương diện.
Hình ảnh Donna gieo vào lòng khán giả là một cô gái xinh đẹp, tự tin, phóng khoáng, quyết đoán, dứt khoát và độc lập. 25 năm sau, con gái cô, Sophie cũng là một cô gái như thế và 25 năm trước, mẹ cô, bà Ruby cũng là con người dám yêu dám hận và kể cả hơn 70 tuổi, vẫn yêu thiết tha khi gặp lại người tình cũ. Bộ phim cố tình để những chi tiết lặp lại trong cuộc đời 2 mẹ con là việc Sophie mang thai và nhớ đến Donna ngày xưa mang thai cô là một điểm nhấn triết học của phim. Hình ảnh người phụ nữ mang thai kết nối thế hệ, kết nối bản năng, kết nối vũ trụ mang tính khai phóng và ẩn dụ tuyệt vời.
Nói "Mamma Mia" là bản tình ca dành cho phụ nữ vì những nhân vật nữ khác trong phim (Rossie, Tanya…) cũng đều rất đáng yêu, xinh đẹp, lãng mạn, có suy nghĩ độc lập, và đều tốt bụng.
Âm nhạc: Yếu tố thành công
"Nhân vật" chính làm nên thành công của bộ phim không ai khác chính là những bản nhạc Abba huyền thoại. Phiên bản tập 2 lần này "cài cắm" những bản nhạc sâu lắng hơn, hợp hơn và tất nhiên đều nổi tiếng của nhóm nhạc Abba. Mở đầu phim là bài "When I Kiss The Teacher" rộn ràng, trẻ trung trong ngày lễ tốt nghiệp, rồi nhiều bài khác: "I have a dream", "I wonder", "Why did i have to be mine", "The name of the game", "Dancing queen", "My love", "My life", "On of us", "Waterloo", "Andante", "Knowing me", "Knowing you", "Mamma Mia", "Fernando"… và kết thúc bằng bài hát "Super trouper"… được dàn dựng công phu, diễn viên (kể cả dàn diễn viên phụ) đều xuất hiện đúng lúc, hợp cảnh, hợp tâm trạng làm cho bộ phim không phải là tập hợp các MV (video ca nhạc) mà là một câu chuyện có chiều sâu, có diễn biến tâm lý các nhân vật một cách hoàn chỉnh và đáng yêu. Các bài hát đã diễn tả cho chúng ta suy nghĩ, lối sống, tình cảm của 2 thế hệ người trẻ những năm 1980 và 2010 một cách sinh động không thể hơn được nữa. Có thể nói, nếu không có các bản nhạc tuyệt vời của Abba, bộ phim không thể thành công.
Theo khuynh hướng lấy nguồn cảm hứng từ quá khứ (retro style) mà các bộ phim gần đây hay sử dụng, "Mamma Mia 2" mang lại không khí man mác hoài cổ (nostalgia) với xe cộ, trang phục, sinh hoạt… Nó gợi cho người xem muôn phần thích thú vì người lớn tuổi sẽ bắt gặp lại quá khứ còn người trẻ thì háo hức muốn biết trước đây cha mẹ mình sống và suy nghĩ thế nào.
Cảm nhận của một khán giả trung niên như tôi khi ra khỏi rạp vẫn là tình yêu bất hủ dành cho những ca khúc có lúc sâu lắng, khi thì rộn ràng, đậm chất triết lý của Abba, một tượng đài âm nhạc vĩnh cửu trong lòng người nghe. Nó chứng minh rằng những giá trị thực thụ luôn có sức sống lâu bền với thời gian.
Các vai diễn đều cá tính, sắc màu
Ngoài Lily James có nhiều đất diễn hơn một chút, "Mamma Mia 2" quy tụ đông đảo sao và hầu như không có ai là diễn viên chính. Đông đúc, nhộn nhịp nhưng các vai diễn đều rất cá tính và sắc màu kể cả một vai diễn nhỏ như vai quản lý nhà hàng, ông Fernando (do Andy Garcia thủ vai) cũng đầy nét thú vị.
Một chút ngậm ngùi cho dàn diễn viên đã từng là các vai chính rất thành công trong phần một: Meryl Streep (vai Donna), Pierce Brosnan (vai Sam), Colin Firth (vai Harry), Stellan Skarsgard (vai Bill)… tập này phải nhường chỗ cho các diễn viên đóng vai họ thời trẻ. Quy luật "no country for old man" ở đây có lẽ đúng vì 10 năm trước, nhìn họ rất hấp dẫn và phong độ thì nay, tuy diễn xuất vẫn còn rất "nghề" nhưng có lẽ độ trẻ trung, máu lửa thì đã giảm nhiều!
Bình luận (0)