Sau những thông tin về phim "Trưng Vương" do Trương Ngọc Ánh đồng sản xuất được công bố, khán giả lại trông chờ vào các dự án cổ trang như "Kiều" của Mai Thu Huyền, "Quỳnh hoa nhất dạ" do Lý Minh Thắng đạo diễn…
Tranh cãi, chỉ trích
Dòng phim cổ trang không quá hiếm hoi nhưng ít được nhà sản xuất chọn lựa vì phải đối mặt nhiều rủi ro như dễ bị chỉ trích, so sánh, chi phí đầu tư cao mà doanh thu lại không có gì bảo đảm.
Gần đây, các dự án phim cổ trang Việt không chỉ dừng lại ở việc khai thác văn hóa dân gian mà còn tiến thêm một bước - tiếp cận lịch sử, với những nhân vật nổi danh như Hai Bà Trưng, Thái hậu Dương Vân Nga hay nhân vật biểu tượng của văn học là nàng Kiều.
Những phim này vấp phải nhiều chỉ trích về mặt sử liệu. Dù đã cố gắng giải thích đó là phim dã sử, huyền sử, kỳ ảo - được phép sáng tạo với không ít tình tiết hư cấu để làm câu chuyện thêm phần cuốn hút, nhà làm phim vẫn đối mặt nhiều tranh cãi ồn ào.
Chẳng hạn, phim "Quỳnh hoa nhất dạ" nói về Thái hậu Dương Vân Nga chỉ mới công bố tạo hình của Thanh Hằng trong vai chính đã gây tranh cãi. Trên nhiều diễn đàn cổ phong Việt, sử Việt, những ý kiến không hài lòng xuất hiện, cho rằng trang phục trong phim ảnh hưởng triều Mãn Thanh, nhất là dáng áo, kiểu nút áo và điều đó khó được chấp nhận. Dù nhà thiết kế Thủy Nguyễn, thiết kế phục trang "Quỳnh hoa nhất dạ", đã lý giải nhưng nhiều người vẫn cho rằng tốt nhất nên sửa lại chút ít để không vướng tranh cãi, ảnh hưởng đến phim.
Nếu "Quỳnh hoa nhất dạ" lùm xùm về trang phục thì "Kiều" lại bị chỉ trích cả trang phục lẫn chữ viết trong phim. Một số ý kiến cho rằng tấm biển "Lạc Uyển Lâu" xuất hiện trong video clip quảng bá dùng chữ quốc ngữ là không phù hợp với thời điểm đó, mà phải là chữ Nôm. Số khác nhận xét phục trang của Thúy Kiều chưa phù hợp, quá hở hang; nhạc cụ cô sử dụng cũng không đúng. Nhà sản xuất sau đó đã lên tiếng giải thích nhưng lại gây thêm tranh cãi.
"Chúng ta chưa có phim trường cổ trang nên phần tiền kỳ rất mất thời gian, công sức. Khi làm phim "Kiều", chúng tôi tổ chức 5 chuyến khảo sát tại hơn 20 tỉnh, thành với hành trình dài hơn 2.000 km để chọn được bối cảnh tại Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị và TP HCM" - đại diện truyền thông nhà sản xuất phim "Kiều" cho biết.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng từng gặp nhiều thử thách khi chọn bối cảnh cho phim cổ trang "Trạng Tí" trước đây. Ê-kíp của anh đã đến nhiều làng cổ nhưng hầu hết các ngôi làng đã thay đổi. Đoàn phải xây mới một ngôi làng. Tiếp theo, đoàn tìm hang động lớn để quay phim. Song, những hang đẹp đều là nơi được bảo tồn, rất khó cho đoàn vào quay, nhất là khi bộ phim cần những cảnh hành động.
Diễn viên Thanh Hằng với tạo hình trong “Quỳnh hoa nhất dạ” - phim dã sử về Thái hậu Dương Vân Nga. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Khai phá tiềm năng
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người từng làm phim web-drama (phim chiếu mạng) "Phượng Khấu" phần 1, cho biết khó khăn nhất khi làm phim cổ trang là thiếu tư liệu lịch sử, thiếu chuyên gia cổ phục.
"Chúng ta không có nhiều tư liệu ở các triều đại để có thể phác họa chính xác trang phục người xưa. Nếu có tư liệu, ngày nay cũng khó lòng tìm được nguyên liệu, cách may thêu… như người xưa nên đa phần nhà làm phim cổ trang liên quan đến sử Việt chỉ dám chọn thể loại dã sử hoặc kỳ ảo để có thể sáng tạo dựa trên những tư liệu đã có. Chúng ta cũng thiếu đối tượng khán giả hiểu biết về cổ phục Việt, trong khi họ quen xem phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc nên dễ đưa ra sự so sánh và tranh cãi" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh dẫn chứng.
Theo đạo diễn này, dù "Phượng Khấu" gặp nhiều chỉ trích về nội dung nhưng lại ít bị chê bai khâu phục trang. Sau khi phim ra mắt, chiếc áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn đã được người trẻ biết đến nhiều hơn. Để có được điều này là nhờ sự hỗ trợ từ công quy tụ những người tâm huyết, có sự nghiên cứu sâu về cổ phục các triều đại.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng để tránh tối đa những tranh cãi, áp lực, nhà làm phim cổ trang Việt cần sự tư vấn từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Ngay cả những phim kỳ ảo - vốn không bị khán giả soi kỹ phục trang - cũng cần chuyên gia tư vấn để sự sáng tạo dựa trên một nguồn tư liệu nào đó không quá xa lạ với bối cảnh lịch sử mà tác phẩm nhắc đến.
Hầu hết các nhà làm phim cổ trang liên quan đến lịch sử đều tìm chuyên gia lịch sử để được tư vấn. Nhà sản xuất phim "Trưng Vương" cho biết đã làm việc với các nhà sử học và 10 họa sĩ để tìm hiểu, sáng tạo trang phục, hoa văn, vật dụng, vũ khí thời Hai Bà Trưng.
Dù đối mặt nhiều khó khăn, dòng phim cổ trang Việt vẫn được đánh giá đầy tiềm năng và vẫn được nhiều nhà sản xuất chọn lựa trong thời gian tới. Chất liệu dân gian, lịch sử của Việt Nam rất phong phú, hấp dẫn nhưng chưa được khai thác nhiều trên màn ảnh.
"Đây vẫn là mảnh đất màu mỡ mà đến nay, đã có không ít nhà làm phim mạo hiểm khai phá. Tuy nhiên, các nhà làm phim phải cho ra tác phẩm chất lượng, tạo dựng được niềm tin cho khán giả, tránh để dòng phim này "chết yểu" vì những tác phẩm hời hợt, đầy sạn, thiếu tầm" - một đạo diễn nhìn nhận.
Hồi hộp với doanh thu
Phim cổ trang luôn đòi hỏi thời gian chuẩn bị lâu hơn, chi phí đầu tư cao hơn so với phim thông thường nhưng khi phim ra rạp, nhà sản xuất không khỏi hồi hộp với vấn đề doanh thu. Dù vậy, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vẫn tin tưởng: "Tôi nhận thấy tiềm năng lớn từ dòng phim cổ trang và có nhiều dự án sẽ tiến hành thời gian tới".
Bình luận (0)