Trong danh sách đề cử của giải Quả cầu vàng 77 có cái tên phim không làm mưa làm gió trong suốt năm qua như "Joker" hay "Ký sinh trùng" nhưng có số đề cử dẫn đầu danh sách khi có tên ở 6 hạng mục: Phim truyện điện ảnh chính kịch xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc (Noah Baumbach), Nữ diễn viên chính xuất sắc (Scarlett Johansson), Nam diễn viên chính xuất sắc (Adam Driver), Kịch bản gốc, Âm nhạc, Nữ phụ xuất sắc nhất: "Marriage Story". Vừa mới phát hành trên kênh phim trực tuyến Netflix, "Marriage Story" nhận được mưa lời khen từ giới phê bình lẫn khán giả.
Khi nắm tay nhau trước bàn thờ hôn lễ trong ngày cưới, mọi cặp đôi trên đời đều thề nguyện rằng sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời. Nhưng không phải ai cũng làm trọn lời hứa. "Marriage Story" (tựa Việt: "Câu chuyện hôn nhân") của Noah Baumbach khắc họa đoạn cuối cuộc hôn nhân theo cái cách ít ai làm được.
Bộ phim được cho là lấy cảm hứng chính từ cuộc ly dị của đạo diễn Noah Baumbach với vợ cũ là diễn viên Jennifer Jason Leigh. Dĩ nhiên, Baumbach cho rằng ông và vợ cũ không phải là nhân vật chính, chỉ là câu chuyện có vẻ giống nhau. Điều làm cho khán giả cảm thấy gần gũi có lẽ chính ở sự "giống nhau" này.
"Marriage Story" gần như là câu chuyện chung của bất kỳ đôi vợ chồng nào trên khắp thế giới. Họ đến với nhau bằng tình yêu, cùng "mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ" rồi tự cuốn mình theo dòng đời tất bật đến mức không nhận ra những vết nứt nhỏ trên chiếc ly thủy tinh có ngày làm chiếc ly ấy vỡ. Hàn gắn chỉ là vô nghĩa, chỉ tạo ra thêm nhiều vết rạn nên chỉ còn chọn cách đối diện với hậu quả và bước tiếp.
Khán giả ngay từ lúc đầu xem "Marriage Story" đã phải đặt mình vào đoạn kết của cuộc hôn nhân. Ở đó, họ vấp phải những thủ tục pháp lý, những mánh khóe, chiêu trò của các luật sư giăng ra để đem nhiều lợi ích nhất đến cho thân chủ của mình. Đó là chưa kể họ đã gắn hai cuộc đời với nhau, cùng chịu trách nhiệm với đứa con, đồng thời chấp nhận cuộc sống đã không còn như trước.
Noah Baumbach trình bày một bi kịch hôn nhân bằng hình thức giản dị hết sức có thể. Không cần lên gân, thậm chí không nhấn nhá quá nhiều vào kẻ thứ ba. Ông để cho hai nhân vật tự kể câu chuyện của mình và khiến chúng ta giật mình với câu hỏi bỏ ngỏ: Đến một lúc nào đó, ta sẽ lâm vào tình cảnh như họ?
Scarlett Johansson và Adam Driver chia nhau đảm nhiệm hai vai chính của phim. Có điểm chung giữa hai diễn viễn này, đó là gần đây, họ thường được biết đến nhiều hơn trong các phim bom tấn viễn tưởng, như Scarlett Johansson đóng "Quả phụ đen" trong loạt phim siêu anh hùng của hãng Marvel, còn Driver đóng nhân vật Kylo Ren trong loạt phim "Star Wars". Sự thoát vai những nhân vật siêu đẳng để hóa thân thành những nhân vật bình thường, với những bi kịch đời thường của họ khiến khán giả như tự soi chiếu chính mình cảm thấy thú vị. Bản thân Scarlett Johansson từng trải qua ly hôn, cô tâm sự rằng mình hiểu được "cảm xúc giằng xé của nhân vật". Có những đoạn ta tưởng chừng nghe chính cô nói chứ không còn là nhân vật nói. Điều này có thể gây lung túng cho khán giả, không biết đứng về phe người chồng hay người vợ trong cuộc chiến hôn nhân này, bởi trong "Marriage Story" không có nhân vật phản diện. Nó thành thật đến độ khiến ta phát đau vì hạnh phúc là thứ gì đó mong manh đến lạ.
Cả hai đều thống nhất ly hôn, không một lần níu kéo đối phương nhưng đến một lúc họ thấy phát sợ những luật sư của mình. Họ không đồng ý khi các luật sư dùng mọi cách bôi nhọ "người cũ", họ vẫn quan tâm nhau, dẫu sự quan tâm bây giờ đã khác trước.
Trong không khí nặng nề đó, cao trào duy nhất của bộ phim có lẽ là trường đoạn hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt đến mức không ngần ngại ném vào đối phương thứ ngôn từ kinh khủng nhất. Ta nhận ra trong hành động cố ý làm đau của họ cũng chính là cách họ diễn tả nỗi đau trong mình...
"Marriage Story" - câu chuyện hôn nhân là thế. Có hạnh phúc và đắng cay, có kết hợp và có chia lìa. Nhưng dù thế nào, khi mọi chuyện đã qua, hãy giữ trong nhau những kỷ niệm tốt đẹp nhất.
Bình luận (0)