Bữa đó con Thắm đang ở nhà. Nó tìm thuốc sát trùng không có, tính chạy đi mua. Ông Sáu khoát tay nói khỏi, chảy máu chút xíu ăn nhằm gì. Tao là dân ruộng rẫy chớ có phải thư sinh công tử.
Cái gai tre sắp mục tới nơi, coi vậy mà ác. Vết thương cạn sợt trên đầu gối đỏ rựng lên, mấy ngày sau thì làm mủ. Người ông bắt đầu nóng um. Con Thắm đã trở lại trường. Gần 10 giờ đêm, bà Sáu chạy tới tiệm thuốc tây đập cửa mua thuốc hạ sốt. Ông Sáu uống xong, người dịu một chút sau đó lại nóng phừng phừng. Có một hòn đá nào đó đè lên ngực, ông thở không được, chân tay bắt đầu lạnh ngắt. Bà Sáu lật đật kêu taxi chở tới bệnh viện.
***
Ông bác sĩ cao lớn ngay lập tức có mặt khi chiếc băng ca lao vào khoa hồi sức tích cực - chống độc. Cùng với người chỉ huy điểm nóng của bệnh viện là các cộng sự áo trắng, tỉnh như sáo và trong tư thế sẵn sàng. Không đo được huyết áp. Mệt muốn xỉu nhưng ông Sáu vẫn nghe họ nói với nhau như thế. Người ta lấy máu, nước tiểu của ông đem đi xét nghiệm. Người ta tấp thuốc vào. Ông Sáu - nông dân ruộng rẫy thứ thiệt chớ không phải thư sinh công tử - nằm xẹp lép trên giường, trong khi cái máy theo dõi sự sống của ông cau có kêu bíp bíp.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Cái gai tre coi vậy mà thiệt ác! Ông Sáu bị sốc nhiễm trùng, rối loạn chức năng gan, thận; phổi bị tổn thương. Ông lại bị thiếu máu nữa chớ. Ngặt nỗi máu của ông thuộc nhóm hiếm, ngân hàng máu của bệnh viện không có. "Chúng tôi đang huy động các đội hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, rất hiếm người có cùng nhóm máu". Nghe đến đâu bà Sáu bủn rủn đến đó.
Dịch tiếp tục được truyền vào, thuốc lại tấp vào. Người chỉ huy điểm nóng mỗi lúc một đăm chiêu. Đến sáng, ông Sáu vẫn nằm xẹp lép trên giường bệnh, thoi thóp. Hội chẩn. Y lệnh được đưa ra: Lọc máu liên tục để cứu bệnh nhân.
Người ta kéo một cái máy có dây nhợ nhùng nhằng tới, cắm kim vô tĩnh mạch ông Sáu. Dòng máu đã bị nhiễm khuẩn và suy kiệt của ông từ từ bò ra, theo dây dẫn chui vô cái máy để nó đào thải từ từ và liên tục những thứ cần đào thải, rồi trở vô người ông qua một ống thông. Vẫn chưa có máu để truyền. "Con gái tui đang dzìa - bà Sáu lập cập - Ổng sẽ có máu". Cũng chưa chắc truyền được. Bác sĩ nói. Chúng tôi vẫn đang tìm. Nếu có thể, gia đình hãy vận động những người thân quen đến bệnh viện test máu…
Không phải con vi trùng tai ác mà những gì nghe được khiến trái tim kiệt sức của ông Sáu thêm rã rời. Thấy chưa, ông bác sĩ lạ hoắc, chưa biết mặt mũi con Thắm, vậy mà cũng nói máu của nó chưa chắc truyền cho ông được. Nếu đúng là con ông thì tại sao nó không mang dòng máu của ông?
***
Ông Sáu bị tai biến hồi năm ngoái, sau đận đó mọi thứ trong người ông tuột dốc, và ông ngày càng bẳn hẳn. Nghe con gà gáy, ông thấy bực. Nghe con chó sủa, ông cũng bứt rứt. Con Thắm về thăm nhà, ông cũng không vui được. Ờ thì nó là con ông nhưng sao mặt mũi, tính tình nó khác vậy? Ông thấp, da ngăm; nó cao, trắng bóc. Tóc ông quăn, tóc nó thẳng đuột. Ông hay nhăn nhó vì thấy bực bội trong lòng, còn trên khuôn mặt nó lúc nào cũng có sẵn nụ cười. Mưa nó cũng mỉm cười mà nắng nó cũng mỉm cười, là sao?
Vì những lẽ đó, ông hay hục hặc với con. Và còn một lý do khác nữa. Đận đó, ông Sáu theo cánh bạn vô Sài Gòn phụ hồ khi ruộng rẫy đã xong. Bà Sáu ở nhà một mình. Mùa mưa năm đó, một trận bão quét qua. Ông Sáu nghe tin tức trên đài, lật đật mượn điện thoại của chủ nhà trọ gọi về cho vợ. Bà Sáu nói ông yên tâm, nhà cửa hổng sao, nhưng mà cây vú sữa bị xô nghiêng, một cái nhánh to của nó đè lên mái ngói. Ông Sáu nói đợi cho xong công việc thì ông về, chặt nhánh vú sữa.
Tới khi về, ông Sáu thấy nhánh cây vú sữa đã được hạ xuống gọn gàng. Hỏi ai sốt sắng giúp mình vậy, bà Sáu (hồi đó còn trẻ măng) hồn nhiên nói anh Tám ở xóm trên chớ ai. Ông Sáu nghe hai tiếng anh Tám thì sầm mặt lại, không thèm hỏi câu nào nữa.
Người ta nói mấy người ăn cay ghen dễ sợ. Ông Sáu không ăn ớt được nhưng mà ghen lăn ghen lóc. Đầu nóng bừng bừng, ông nghĩ tới cảnh ông Tám hì hục chặt cành cây vú sữa, rồi bà Sáu bưng ra khay nước, đon đả: Nghỉ tay uống nước chút xíu, anh Tám! Mà ông Tám là ai? Là người đã theo đuổi bà Sáu suốt mấy năm, cho tới khi bả lấy chồng.
Chuyện này mà kể ra thì có người cười bể bụng, nói ông ghen tới mức bịnh. Nhưng nó như một cục đá lăn qua lăn lại trong lòng. Rồi bà Sáu sinh con. Ông Sáu mừng lắm, cho tới khi nhận ra con nhỏ hổng có nét nào giống mình hết trọi. Đương nhiên nó cũng không giống ông Tám. Có người nói nó giống phía ngoại nên mới trắng trẻo dễ thương. Ông Sáu nghe mà ức trong lòng.
***
Con Thắm về, nhào vô bệnh viện. Cầm bàn tay như củi khô của ông Sáu, nó mếu máo cũng tại con, bữa đó con đi mua thuốc sát trùng thì đâu đến nỗi. Rồi nó lấy khăn ướt lau mặt, xoa bóp tay chân cho ông. Trái tim ông Sáu mềm ra. Có phải ông đã quá nghiệt ngã với đứa con độc nhứt của mình chỉ vì da nó trắng, tóc nó thẳng?
Con Thắm túc trực bên giường bệnh, trong khi dòng máu mệt mỏi (lại còn hiếm nữa) của ba nó nhẫn nại bò ra, chui vô cái máy rồi trở vô cơ thể.
Chiều hôm đó, từ bên khoa xét nghiệm, người ta cầm tới một bịch máu. Đây, Rh âm, có rồi nè. Cô điều dưỡng nhanh nhẹn cắm kim truyền vào mạch máu bệnh nhân. Dòng máu khỏe khoắn, phấn chấn đi vào cơ thể ông Sáu.
Từng tế bào của ông Sáu dần hồi tỉnh. Cho dù vẫn còn gắn chặt với cái máy có dây nhợ nhùng nhằng, ông Sáu tin rằng một hai ngày nữa là mình có thể xuất viện.
Ông Sáu bớt mệt cho tới hôm sau, khi đang nhắm nghiền đôi mắt, ông nghe con Thắm nói chuyện với bác sĩ. Cháu muốn biết ai đã hiến máu cho ba để cháu tới cảm ơn. À, chuyện này… Không có gì đâu cháu…
Thì ra, bịch máu truyền cho ông là của một người lạ huơ lạ hoắc! Trái tim vốn đã chật chội của ông lập tức thắt lại. Nhưng ông muốn sống muốn sống muốn sống, để còn làm rõ đầu đuôi ngọn ngành. Con Thắm là con ông, tại sao nó không mang dòng máu hiếm của ông, bằng chứng là máu của nó không truyền cho ông được?
Ngày hôm sau, có thêm một bịch máu Rh âm. Lần này ông Sáu không thèm quan tâm thứ gì đang chảy vô cơ thể mình, bởi đã biết chắc một điều bịch máu thứ hai này không phải của đứa con gái mà người ta nghĩ là con ông.
Việc lọc máu liên tục cuối cùng đã có kết quả. Cây kim được rút khỏi tĩnh mạch, ông Sáu thoát khỏi cái máy với mớ dây nhợ nhùng nhằng. Ông nằm thêm năm ngày nữa thì trả bộ đồ bệnh nhân.
***
Ông bác sĩ có vẻ ngạc nhiên khi thấy bệnh nhân chuẩn bị xuất viện lớ xớ trước cửa phòng trực. Mời bác vào. Chúc mừng bác! Bị sốc nhiễm khuẩn rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Thể trạng như bác thì nguy cơ tử vong càng cao. Bác may mắn vượt qua được. Bác nhớ nghen, khi có các triệu chứng bất thường thì phải nhanh chóng đi khám…
Ông Sáu tới đây không phải để nghe chúc mừng hay tư vấn sức khỏe. Ông đã mệt bắt chết vì đoán già đoán non. Cần phải nhấc tảng đá ra khỏi ruột gan, hoặc là nó sẽ đè bẹp ông cho tới khi xuôi tay nhắm mắt.
Dạ, tui cảm ơn bác sĩ nhiều. Có điều tui muốn biết tại sao máu của con tui lại không truyền cho tui được? Ông Sáu hỏi ngay mà không cần rào trước đón sau.
Bác sĩ ngẩn người, rồi nụ cười sáng lên trên gương mặt hơi xanh xao. Bác ơi, số người Việt có nhóm máu Rh âm chỉ chiếm từ 0,04 đến 0,07 phần trăm thôi. Người có nhóm máu Rh âm có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh dương nhưng lại chỉ được nhận máu từ người có cùng nhóm máu và có Rh âm mới không xảy ra tai biến. Và người cha có nhóm máu Rh âm thì chưa hẳn con của họ cũng có nhóm máu Rh âm. Nếu máu của con gái bác cũng là Rh âm, khi mang thai lần thứ hai trở đi mà đứa trẻ có nhóm máu Rh dương thì sẽ gặp những sự cố nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Cô ấy cũng có thể gặp tai biến khi truyền máu. Vì vậy bác nên mừng khi con gái không cùng nhóm máu hiếm với mình.
Ông bác sĩ kiên nhẫn giải thích một hồi. Nghe đến đâu, gương mặt nhàu nhĩ của ông Sáu giãn ra đến đó…
***
Sáng nay có gì vui mà lũ chim ồn ã quá. Ông Sáu thức dậy khi nắng chạm lên thềm. Bà Sáu chuẩn bị sẵn một tô cháo thịt băm nóng hổi, hối ông ăn cho mau lại sức. Con Thắm chở tui đi công chuyện một chút rồi về.
Ông Sáu hỏi có công chuyện gì. Bà vợ nói bữa nay chủ nhựt, hai mẹ con ra chợ mua trái cây rồi tới nhà cảm ơn ông bác sĩ với cha con anh Tám. Chính ông bác sĩ đã cho ông bịch máu đầu tiên, trong khi ổng mới hiến máu cách đây chưa đầy ba tháng. Ông Sáu ngỡ ngàng. Chao ơi, bác sĩ! Nhưng cha con ông Tám thì có liên quan gì? À, bịch máu tiếp theo là của thằng Hai, con anh Tám.
Ông Sáu thiếu điều ngã ngửa vì quá sức kinh ngạc. Ai dè con trai của thằng cha mà ông ghét cay ghét đắng lại cùng nhóm máu hiếm với ông và nó đã hiến máu cho ông!
Mẹ con bà Sáu đi ra cổng, ông Sáu đứng ngẩn tò te. Rồi ông đưa mắt nhìn quanh. Sáng nay khu vườn xanh thiệt là xanh, và ông thấy trong lòng tràn trề nắng ấm.
Người viết hẳn đã có tuổi. Giọng điệu cho thấy cách làm đậm phong vị dân dã mà ngày nay những người viết trẻ muốn rời xa. Không phải tự dưng, rất có chủ ý, những nhân vật này, bối cảnh này, câu chuyện này, nhất định phải được viết như vậy mới lôi cuốn mới duyên.
Phi Vân trước đó, và Sơn Nam sau Phi Vân một đỗi đã từng viết như vầy. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư và Lê Minh Nhựt dù Nam Bộ rặc, cũng sẽ viết khác. Hay như Ngô Phan Lưu nổi tiếng với những nhân vật nông dân Phú Yên cũng khác. Vậy là Trịnh Phương Trà đã thành công, ở chỗ "tui cũng cái lò nầy nhưng dứt khoát tui không giống hệt mấy ông mấy bà".
Thật thú vị. Như đang đi trong một xóm nhỏ, tự dưng thấy một ngôi nhà bình dị, nền nã, có một vại nước mưa và cái gáo dừa trên nắp như mời gọi. Một lão nông quần áo bà ba hào sảng xuất hiện bảo tự nhiên đi. Mát lành, thanh sạch, tận tâm can. Ta đi tiếp và tủm tỉm nhớ, tất cả, một kỷ niệm đẹp và vui, không ngờ.
Dạ Ngân
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)