Theo đó, Michael Kors thâu tóm toàn bộ cổ phần của Versace, gồm 20% từ quỹ đầu tư tư nhân Blackstone và 80% của gia đình Versace. Giám đốc điều hành của hãng Michael Kors, ông John Idol, nói: "Đầu tư vào Versace là một trong những chiến lược kinh doanh của hãng. Thương hiệu này sẽ giúp hãng tăng doanh thu và mở rộng sức ảnh hưởng tại thị trường châu Âu".
Với thương vụ này, Michael Kors kỳ vọng sẽ nâng tổng doanh thu của Versace lên mức 2 tỉ USD/năm, đồng thời tăng số lượng cửa hàng toàn cầu từ 200 lên 300 trên toàn thế giới vào năm tới. Thông tin từ trang Bloomberg khẳng định thương vụ mua bán này đã hoàn tất sau gần một năm thương thảo. Michael Kors đang bành trướng thế lực thương hiệu bằng việc mua lại rất nhiều thương hiệu thời trang lớn khác trên thế giới. Chỉ mới năm ngoái, Michael Kors cũng đã bỏ ra 1,2 tỉ USD để sở hữu thương hiệu thời trang cao cấp Jimmy Choo.
Bà Donatella (áo đen) vẫn là Giám đốc sáng tạo dù Versace được bán lại cho Michael Kors. Ảnh: BLOOMBERG
Giới chuyên gia nhận định với động thái rất thực tế này, thương hiệu Michael Kors đang định hướng xây dựng đế chế thời trang đa thương hiệu tại Mỹ, như những gì mà LVMH (tập đoàn sở hữu Louis Vuitton) và Tapestry (tập đoàn sở hữu Coach và Kate Spade) đã làm tại Pháp.
Versace là thương hiệu thời trang nổi tiếng của Ý, thành lập năm 1978 bởi Gianni Versace. Năm 2017, thương hiệu 40 năm tuổi này đạt mức tăng trưởng mạnh và doanh thu 687 triệu euro (gần 800 triệu USD). Sau khi bán lại cho Michael Kors, Donatella Versace - nhà thiết kế chính, cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của Versace - vẫn giữ vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu này.
Versace vốn nổi tiếng với phong cách rực rỡ và biểu tượng nữ hoàng đầu rắn Medusa được nhiều ngôi sao quốc tế như Gigi Hadid, Kim Kardashian... yêu thích. Mỗi bộ trang phục của Versace đều dễ dàng bán ra với mức giá vài ngàn USD. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Michael Kors lại khá thất thường. Đầu năm nay, giá niêm yết cổ phiếu của công ty trên sàn New York đã giảm mạnh sau khi báo cáo doanh thu bán lẻ tại Mỹ sụt giảm. Sau đó, giá cổ phiếu của thương hiệu này hồi phục và tăng 15% - theo báo cáo kinh doanh quý mới nhất. Tuy nhiên, sau khi tin tức về vụ thâu tóm Versace lan truyền, giá cổ phiếu của Michael Kors lại tiếp tục sụt giảm 9%, còn 66,33 USD. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của hãng này kể từ ngày 30-5 đến nay.
Bình luận (0)