Ở những vùng quê bên kia phá Tam Giang, cùng với các lũy tre xanh bao bọc xóm làng còn có những con đường dương liễu, những rừng dương liễu gắn bó với bao đời dân quê.
Dương liễu đã được trồng từ rất lâu ở vùng quê này. Những năm chiến tranh, bom đạn tàn phá xác xơ xóm làng... Đất nước thống nhất, để xanh lại cho đất đai quê hương, phong trào trồng dương liễu (phi lao) được phát động khắp nơi. Ở quê tôi, con đường chạy suốt chiều dọc của làng được trồng hàng dương hai bên đều thẳng tắp và đặt tên là đường Độc Lập. Cây dương rất hợp với đất cát nên phát triển nhanh, cành lá nhiều trùm bóng mát mùa hè và chắn gió rét mùa đông. Hai dãy dương tốt tươi và ngay hàng thẳng lối đó cũng là điểm hẹn hò cho các lứa đôi những đêm trăng thanh gió mát.
Dương được trồng bên vườn nhà, trước sân đình, nơi góc chợ, hai bên mỗi lối đi trong làng...Nhưng dương được trồng thành rừng là nơi động cát trắng sau làng. Cùng với các loài cây bản địa đã mọc lên từ bao đời, những rừng dương liễu đã mang màu xanh cho cát, chắn gió mùa và cát bay, cát lấp.
Lá dương nhỏ như những cây kim lại san sát nhau nên mỗi lần gió thổi qua, âm thanh từ rừng dương vút lên như reo vui mà cũng có chút gì đó thật buồn. Tuổi thơ tôi gắn liền bao kỷ niệm với cây dương. Là những buổi chiều lên động cát, bẻ lá dương làm chiếu lót nằm nghe dương reo. Là những chiều tà trèo lên cây dương cổ thụ để ngắm dòng Ô Lâu xanh xanh chảy qua trước mặt làng, ngắm những sợi khói xanh vấn vít bên mái lều tranh, ngắm mặt trời lặn về phía núi và nghe được tiếng chuông chùa hòa tiếng loa hợp tác cũng treo ở cây dương đầu xóm thông báo mùa vụ...
Cây dương cổ thụ trước đình làng Thế Chí Tây
Ngư dân mấy làng quê biển mỗi khi có cá về, gánh vô làng ruộng để bán. Họ bẻ lá dương đậy trên mỗi trẹt cá để giữ cho cá được tươi. Cây dương thay lá đều đặn, lá già rụng xuống, lá non mọc lên ngay nên cây không bao giờ trụi lá. Lũ trẻ quê mùa hè đi cào lá dương và trái dương khô về làm chất đốt. Siêng năng hơn thì trèo lên cây bẻ cành dương khô làm củi. Lá, trái hay cành của dương đều thổi rất đượm. Gỗ cây dương là một thứ củi tốt, ngày giáp Tết nhà nào cũng đi chợ mua vài bó củi dương khô bỏ sẵn trong nhà chuẩn bị cho việc nấu bánh chưng, bánh tét đêm giao thừa...
Cơn bão năm 1985, hai hàng dương trên con đường Độc Lập làng tôi bị đổ ngã gần hết. Sau đó, xã cho trồng dừa, mưng thay thế nhưng không thành công. Những rừng dương trên cát cũng bị chặt dần để thay thế bằng cây keo lưỡi liềm chống chịu với nắng và cát còn trội hơn dương. Những gốc dương còi cọc trên cát tạo thành những hình thù lạ cũng được giới cây cảnh săn lùng mua sạch...
Những rừng dương liễu chỉ còn trong nỗi nhớ. Mới đây tôi đọc được trên Facebook của thầy giáo Nguyễn Hoàng ở Huế giải thích vì sao miền Trung được một số bài hát gọi là "miền thùy dương". Theo thầy Hoàng, cây thùy dương là tên Hán Việt của cây liễu rủ. Huế và miền Trung rất hiếm loài cây này. Tên gọi miền Trung là "miền thùy dương" xuất xứ từ bài hát "Về miền Trung" của nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1948, nhạc sĩ về sống tại làng Đại Lược, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế quê tôi và ông đã sáng tác bài hát này trong một ngày cuối năm.
Quê tôi nay những cây dương liễu cổ thụ vẫn còn lác đác ở mấy sân nhà thờ họ. Nhưng có 2 cây dương cổ thụ mà hầu như người dân miền thùy dương bên kia phá Tam Giang ai cũng biết, đó là cây dương ở trước đình làng Thế Chí Tây và cây dương ở góc chợ Mới, làng Thế Chí Đông. Đó là những cây cao bóng cả ngưng bóng thời gian. Hồi trước đi đò dọc trên phá Tam Giang nhìn hai cây dương để gọi tên đất, tên làng và biết là đò đã chuẩn bị cập bến quê. Đó đã là những cây di sản trong lòng người dân quê...
Reo trong ngọn nồm đầu hạ
Quê tôi hồi ấy dương liễu đã được trồng rất nhiều. Nhạc sĩ nhìn màu xanh ngút ngàn của rừng dương xanh trên cát và thi vị hóa màu dương liễu cũng giống màu liễu rủ: "Về miền Trung, miền thùy dương bóng dừa ngàn thông/ Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài...". Còn tôi mỗi lần nghe đoạn hòa âm mở đầu bài hát này, cứ ngỡ như tiếng rừng dương reo trong ngọn nồm đầu mùa hạ năm nào của tuổi thơ tôi.
Bình luận (0)