NSND Huỳnh Nga và các nghệ sĩ: Hùng Minh, Bảo Quốc, Tuấn Thanh trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga" - ông đóng vai thầy cúng
NSND Ngọc Giàu cho biết NSND Huỳnh Nga là đạo diễn tìm hiểu và đi sâu vào mỗi cuộc đời của người diễn viên. Ông chia sẻ và động viên như chính người thân trong nhà. "Vai cô Bảy Cán vá của tôi trong vở "Đời cô Lựu" là nhờ ông gợi ý. Vở này là thành tựu lớn của sân khấu cải lương miền Nam sau ngày thống nhất đất nước và chúng tôi đã sang Tây Âu biểu diễn theo lời mời của UNESCO tháng 2-1984. Mãi nhớ ơn ông" - NSND Ngọc Giàu bày tỏ.
Bức ảnh NSND Ngọc Giàu tặng NSND Huỳnh Nga trong đêm vinh danh ông tại Nhà hát TP (4-4-2013)
NSND Bạch Tuyết chia sẻ: "Cùng với "Đời cô Lựu", những tác phẩm của ông đã tạo vị trí lớn mạnh cho sân khấu cải lương thời hoàng kim, mà "Đời cô Lựu" là tác phẩm đỉnh cao đánh dấu chặng đường đưa nghệ thuật nước nhà hòa nhập với đời sống văn hóa toàn cầu. Vở diễn mang tính nhân văn sâu sắc này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và hầu hết các nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ tham gia đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND. Chúng tôi luôn nhớ đến ông, người đạo diễn tài hoa".
NSND Bạch Tuyết và NSND đạo diễn Huỳnh Nga
Còn NSND Minh Vương tâm sự ông may mắn có được sự kề cận bên NSND Huỳnh Nga để nghe nhiều câu chuyện nghề, chuyện đời. Chính sự phong trần đó đã mang đến cho mỗi tác phẩm ông dựng vị thế rất đời. "Thương tính nết, cách biểu đạt và trên hết là xem nghệ sĩ chúng tôi như người thân. Ông ra đi là một mất mát lớn đối với sân khấu cải lương" - NSND Minh Vương thương tiếc.
NSND Minh Vương và NSND Huỳnh Nga
Tiếc thương trước sự ra đi của NSND Huỳnh Nga, NSND Lệ Thủy khóc: "Thương đạo diễn Huỳnh Nga lắm. Nhớ khi chúng tôi thành lập Sân khấu Vàng, ông đã đến xem và tham gia hướng dẫn việc tổ chức một đoàn hát. Ngày Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức chương trình "Những dấu ấn không phai", ông hăng hái hướng dẫn tận tình. Ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ. Công lao đóng góp của ông rất lớn cho sân khấu cải lương".
NSND Huỳnh Nga trong ngày khởi công xây dựng rạp Hưng Đạo
Đến tang lễ, đạo diễn Lê Văn Duy nhắc lại một kỷ niệm khó quên: Lần đó, ông được tham gia trại sáng tác kịch bản do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức. Tại đây, ông làm quen nhà văn Ngọc Linh và các đạo diễn, diễn viên từ miền Bắc về, trong số đó có NSND Huỳnh Nga.
"Một hôm, NSND Huỳnh Nga nói: Có vai nào vui vui, cho anh đóng đi Duy. Cái miệng, nụ cười hóm hỉnh, ánh mắt tinh nghịch của anh Huỳnh Nga đã chính phục tôi. Vậy là tôi mời anh một vai nhỏ trong phim. Anh vui vẻ nhận kịch bản và cùng đi với tôi về Sa Đéc. Đó là vai diễn trong phim mà anh tham gia cùng tôi. Rất nồng nhiệt, ân cần" - đạo diễn Lê Văn Duy nhớ lại.
NSND Huỳnh Nga, ông bầu Xuân (Diệp Nam Thắng), NSND Đinh Bằng Phi và NSƯT Nam Hùng tại Chùa Nghệ sĩ TP HCM
NSƯT Lam Tuyền cho biết chị được làm việc cùng NSND Huỳnh Nga hai vở cải lương "Cánh Buồm ngược gió" và "Gái ngoan dạy chồng" trên sân khấu đoàn cải lương Tây Đô.
"Cả hai vở tôi đều là đào chính. Những ngày ấy với tôi thật ý nghĩa. Tôi biết thêm nhiều về đạo lý, hiểu được rõ hơn hai chữ trưởng thành. NSND Huỳnh Nga đã mở ra cho tôi cánh cửa nhìn một bầu trời tươi mới. Ông âm thầm gửi gắm tôi làm việc với đạo diễn Trần Văn Hưng. Về sau anh Hưng nói: Bố Huỳnh Nga khen em hiền, tính tình chất phác. Trong cách làm việc, NSND Huỳnh Nga chẳng khen bao giờ. Ông chỉ nói một chữ "được" là tôi mừng... Giờ bố đã từ giã cỏi trần trở về miền cực lạc. Bố yên nghỉ nhé, người thầy thương mến" - NSƯT Lam Tuyền xúc động.
NSND Huỳnh Nga phát biểu trong chương trình họp mặt "Những dấu ấn không phai" tại rạp Hưng Đạo
Với nghệ sĩ Điền Trung, anh gọi NSND Huỳnh Nga là ông ngoại. "Bởi ông là thầy của mẹ tôi nhiều năm trước. Nhớ hồi năm 2005, khi tập tiết mục "Giang sơn mỹ nhân" phụ diễn cho nghệ sĩ Ngọc Trắng thi tài năng trẻ, lúc đó tuổi ông cũng đã lớn, sức khoẻ không còn tốt nhưng hàng ngày ông vẫn ra rạp Hưng Đạo uống cà phê mỗi sáng. Ông nhắc nhở tôi trong cách thể hiện cảm xúc nhân vật, đó là hành trang trong suốt quãng đời làm nghề của tôi. Sân khấu không còn một đạo diễn gạo cội Huỳnh Nga nữa. Mãi thương nhớ ông và hành trang trong suốt cuộc đời làm nghề của tôi sẽ luôn nhớ về ông" - nghệ sĩ Điền Trung nói.
NSND Huỳnh Nga ký tên vào lá cờ lưu niệm trong ngày thành lập Đoàn cải lương "Thắp sáng niềm tin" do soạn giả Hoàng Song Việt và NSƯT Hữu Quốc sáng lập
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết hồi năm 2007, khi thành lập đoàn "Thắp sáng niềm tin", ông là người đạo diễn đến chúc mừng và ký tên vào lá cờ lưu niệm của đoàn. Ân cần, hết lòng vì thế hệ con cháu, ông sẵn sàng góp ý, chỉ dẫn và kể cả phê bình thẳng thắn để hướng tới tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp.
NSƯT Minh Vượng (Nhà hát kịch Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi, những học sinh Khoa Sân khấu khoá 2 Trường Nghệ thuật Hà Nội – niêm khóa 1974–1978 vô cùng thương tiếc thầy. Sẽ không bao giờ chúng tôi quên công lao dạy bảo của thầy. Khoa kịch nói ngày ấy vẫn nhớ lời thầy là phải thương yêu nhau như anh chị em ruột thịt. Mấy chục năm nay chúng tôi vẫn đoàn kết gặp gỡ chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn, kể cả những bạn vì nhiều lý do không làm nghề...".
NSND Huỳnh Nga giao lưu với khán giả sinh viên tại Nhà hát TP
Bình luận (0)