Sự kiện "Không gian văn hóa Việt Nam" nằm trong khuôn khổ hoạt động Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 do Bộ Ngoại giao Việt Nam thực hiện được khai mạc tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cắt băng khai mạc chuỗi sự kiện của "Không gian văn hóa Việt Nam" tại Áo
Đây cũng là sự kiện đặc biệt được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên đã cắt băng khai mạc chuỗi sự kiện này.
Sự kiện cũng thu hút hàng trăm lượt khách tham dự, trong đó có các bạn bè quốc tế, kiều bào Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc tại Áo cũng như tại một số nước lân cận.
Triển lãm ảnh 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo trưng bày những bức ảnh chia sẻ các khoảnh khắc theo chiều dài lịch sử của mối quan hệ thân thiết giữa hai nước, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972. Triển lãm "Sức sống Việt Nam" cũng được trưng bày tại sự kiện với các hình ảnh sinh động về vẻ đẹp của các điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam, qua đó nêu bật sức sống của người Việt.
Tranh Đông Hồ được nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (từ trái sang phải) giới thiệu tại sự kiện
Nghệ nhân làng tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Tâm đã mang tới sự kiện những tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh độc đáo này. Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn người tham dự cách in tranh từ các bản khắc tranh gia truyền từ nhiều thế hệ trong gia đình nghệ nhân.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm là đời thứ 21 của dòng họ Nguyễn Đăng, là một trong hai dòng họ còn lại trong tổng số 17 dòng họ của làng Đông Hồ còn tiếp tục làm tranh.
Trước sự thích thú của bạn bè quốc tế khi được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn khắc tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm chia sẻ: "Tôi mong muốn đem các sản phẩm tranh Đông Hồ đến với các bạn quốc tế nhằm quảng bá nghề tranh dân gian truyền thống Đông Hồ của Việt Nam".
Đây cũng là lần đầu tiên nghệ thuật sơn mài truyền thống được đến gần hơn và trực quan hơn với bạn bè quốc tế dưới sự hướng dẫn của họa sĩ, giảng viên khoa sơn mài tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Trần Anh Tuấn.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông chụp ảnh lưu niệm với các khách mời tham dự tại sự kiện
Trong không gian của sự kiện, các bạn bè quốc tế và người tham dự được trực tiếp trải nghiệm vẽ sơn mài trên các đồ lưu niệm và lưu giữ các sản phẩm đó như lưu giữ một giá trị văn hóa mà sự kiện mang đến trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo.
"Là một người họa sĩ vẽ tranh sơn mài lâu năm, tình yêu nghệ thuật sơn mài đã thấm đẫm trong tâm hồn tôi. Do vậy, tôi cũng muốn được chia sẻ tình yêu đó với các bạn bè quốc tế yêu nghệ thuật để mọi người có thể hiểu hơn về vẻ đẹp của sơn mài Việt Nam, từ đó truyền tải thông điệp về văn hóa Việt Nam đến với quốc tế" - họa sĩ Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Trong khuôn khổ "Không gian văn hóa Việt Nam" còn có biểu diễn nhạc cụ dân tộc do các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, thuộc Bộ VH-TT-DL, trình diễn bộ sưu tập kết hợp đầy cảm xúc giữa áo dài Việt Nam và trang phục dân tộc của Áo của nhà thiết kế thời trang gốc Việt La Hồng và hai nhà thiết kế người Áo, Anita Stolnberger-Oimtrocht và Markus Spatzier (với thương hiệu Manufaktur Herzblut).
Lần đầu tiên áo dài truyền thống Việt Nam được các nhà thiết kế người nước ngoài thực hiện, cùng với thiết kế áo dài kết hợp với trang phục dân tộc của Áo do nhà thiết kế gốc Việt thực hiện, đã đem đến một cái nhìn mới mẻ về áo dài và truyền tải thông điệp kết nối văn hóa không biên giới.
Bộ sưu tập này được trình diễn bởi các người mẫu Áo và Hoa hậu, hai Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Trái đất Áo năm 2022.
Bình luận (0)