Một bác sĩ ngồi chung bàn với tôi, hỏi: "Anh phẫu thuật đến nay được mấy năm rồi". Tôi nói gần bốn năm. "Ngó béo tốt thế này, ai biết anh mắc bệnh hiểm nghèo đâu", anh ấy nói.
Tôi cười hạnh phúc, cảm ơn lời khen đó. "Nhờ bác sĩ Cường cả đấy bác ạ", vợ tôi tiếp lời.
Hẹn hò mãi mới gặp được nhau. Quán cà phê kín khách, để thấy chỗ bác sĩ Cường ngồi, tôi phải dáo dác tìm. Hai anh em chào nhau bằng cái bắt tay thân tình, như hai người bạn lâu ngày vừa gặp lại. Cuộc trò chuyện giữa vợ chồng tôi với bác sĩ Cường cùng ba vị bác sĩ trẻ khác diễn ra rôm rả. Người giọng Huế, người giọng Hà Nội, còn có cả giọng miền Tây, vậy mà đồng điệu với nhau giữa TP HCM đô hội. Chúng tôi, ai cũng có quê quán, nhưng sống ở TP Hồ Chí Minh quen sự xởi lởi, nghĩa tình nên khái niệm dân nhập cư chẳng còn nữa ở đây!
Nhằm chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch, tôi khăn gói lên TPHCM ôn lại kiến thức ngoại ngữ. Tôi quen được nhiều người bạn mới trong lớp học này. Chơi thân nhất với tôi là T, nhà ở quận Tư, TP HCM. Có lần, T mang lên lớp một quả bưởi to tròn, trông rất ngon, tặng tôi. Tôi chưa kịp cảm ơn, T nói, bưởi Tân Triều, đặc sản của Đồng Nai, không giống bưởi miền Tây của bạn đâu, ngọt lắm. Bưởi thì chưa ăn mà giọng nói nói của T, nghe ngọt quá chừng. Ôi, TP HCM cũng có kiểu người như ở miền Tây, có cái gì ăn ngon cũng mang tặng mang cho, tôi ngạc nhiên với T về điều này.
Bọn chúng tôi cùng với thầy Tom đã có một chuyến du ngoạn trên sông Sài Gòn đầy thú vị bằng buýt sông. Tháng Mười, sông Sài Gòn mênh mang nước. Thầy Tom nhìn sông nước, ông cứ xuýt xoa, không ngớt lời khen đẹp. "Sông Sài Gòn thông ra biển, có xu hướng mở và luôn bị ảnh hưởng bởi thủy triều lên xuống...." chúng tôi ngạc nhiên về sự hiểu biết này của thầy.
Tàu chở khách du lịch của Saigon River Tour tại bến Bạch Đằng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
***
Tôi cảm thấy đau bụng quá, cơn đau càng lúc càng nhiều. Đau quá, người tôi lả ra, chân tay dường như không thể cử động được. Tôi nằm bệt ra sàn nhà, liên lạc với ai, trong khi người thân đâu có ai ở thành phố này. T. là người tôi nghĩ tới trong lúc này.
Đến tận giờ, tôi vẫn còn nhớ gương mặt hốt hoảng của T. khi nhìn tôi quằn quại đau. T cùng chị phục vụ phòng dìu tôi xuống sảnh nhà nghỉ. Chiếc taxi được ai đó gọi đến, đậu sẵn trước cổng chờ đón tôi. Gần nhất, là bệnh viện Nguyễn Trãi, con đưa bạn vào đó đi, ông chủ khách sạn nói. Khi ra viện, tôi có quay lại trả thêm tiền trọ dôi ra mấy ngày cho ông, nhưng nhất định ông không lấy.
***
Bệnh viện Nguyễn Trãi về khuya, vắng vẻ. Dù rất đau nhưng tiếng lạch cạch đẩy xe của cô y tá, tôi nghe rõ. Tôi rên xiết. Cô hộ lý bảo cố lên em, chút gặp bác sĩ là hết liền à. Trong mơ màng, tôi cảm nhận có những bàn tay ấm áp đặt lên bụng mình và cả những tiếng nói thì thào văng vẳng bên tai...
Bác sĩ thông báo tôi bị K đại tràng. Không rượu bia, thuốc lá, ăn uống kiêng khem, bỗng dưng mắc bệnh hiểm nghèo, tôi hoang mang! Vị bác sĩ trưởng khoa trấn an tôi, ông ấy bảo mấy vụ này chỉ cần bác sĩ ra tay là dứt bệnh. Em có thể sang bệnh viện Chợ Rẫy, Ung Bướu hay ở lại đây, tụi anh đều sẵn sàng....
Phòng bệnh có 4 giường. Khoa ngoại B. Tiếng bệnh nhân thở đều đều ngái ngủ. Cô y tá vừa thay dịch truyền cho một cụ nằm gường kế bên tôi, vừa sẽ sàng bảo, ráng ngủ đi, giữ sức khỏe để chuẩn bị ca mổ nè. Ngoài trời, mưa tí tách rơi. Tôi chìm vào giấc ngủ ngon lành.
***
TP HCM rộng lớn là vậy, hẳn nhiên người tốt kẻ xấu đều có. Nhưng những người ở TP HCM tôi đã gặp, họ đều nghĩa tình, cởi mở và dễ thương quá chừng. Thương lắm, tiếng gọi nhau thân thiết, chân tình. Nhớ lắm ông chủ nhà nghỉ hào sảng. Nhớ ánh mắt trìu mến của bác sĩ Cường, khi anh đút cho tôi uống từng ngụm sữa trong phòng hồi sức, như người thân của mình vậy. Và nhớ gương mặt hiền lành của T. Nhớ T. nói, thành phố này ngó vậy chứ ngộ lắm anh, hễ ở sẽ yêu, mà yêu thì sẽ thương, bằng một kiểu nào đó, dần dà mỗi ngày!
Hóa ra, hơn 300 năm qua, dẫu có cộng lưu những dòng văn hóa khác nhau, nhưng Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh luôn có những con người sống nghĩa tình. Và khi đã thương Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, càng thấy nó thật đẹp!
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)