Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ (thường gọi Kịch 5B) là nơi định hình nhiều tên tuổi lớn của làng kịch nói TP HCM. Tiền thân là CLB Sân khấu Thể nghiệm ra đời năm 1985, 12 năm sau, UBND TP HCM đã cấp giấy phép hoạt động nâng cấp CLB thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM.
46 năm, hành trình hạnh phúc
Câu chuyện khởi đầu từ việc 2 khóa đạo diễn đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM) gồm: Hải Đệ, Huy Thống, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Mai Thanh Dung, Đặng Hồng Thủy... (khóa chuyển tiếp) và Hoa Hạ, Đăng Nhân, Xuân Hương, Thanh Bạch... (khóa 1) tốt nghiệp. Tuy nhiên, khả năng các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thời đó mời họ dàn dựng vở rất khó nên nghệ sĩ (NS) Hải Đệ và Nguyễn Thị Minh Ngọc đã gặp nhạc sĩ Trương Quốc Khánh (tác giả ca khúc "Tự nguyện") đề nghị thành lập CLB Đạo diễn trẻ thực hiện những vở thể nghiệm.
NSND Việt Anh
Sinh hoạt một thời gian, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh (thành viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM) thông báo với đạo diễn - NSƯT Phạm Ngọc Bạch (Bảy Bạch) và ông Lê Kinh Lăng (Sáu Lăng) đưa CLB về Hội Sân khấu TP HCM. Từ đó, ngôi nhà 5B trở thành cơ quan chủ quản, tạo điều kiện cho CLB hoạt động.
"Hội đã lấy trụ sở làm sân khấu và lập nhóm điều hành. Các thành viên trong CLB cùng dựng vở, cùng làm diễn viên và cùng đi bán vé" - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc bồi hồi kể lại.
NSND Hồng Vân
Ông Bảy Bạch còn phân công tác giả Việt Thường làm Chủ nhiệm CLB, nhà thơ Kiên Giang làm trợ lý. CLB chọn vở "Dư luận quần chúng" (đạo diễn Đăng Nhân). Rất đông khán giả đến xem và vở đã diễn trên 400 suất. Từ đó, Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức liên hoan để các đạo diễn trẻ dựng vở mới hoặc mang vở tốt nghiệp ở trường về 5B diễn.
CLB Sân khấu Thể nghiệm trực thuộc Hội Sân Khấu TP HCM ra đời. Biết các NS còn khó khăn, ông Sáu Lăng và Bảy Bạch lâu lâu lại ngoắt các đạo diễn trẻ vào một góc, lấy tiền túi cho, để sau buổi tập đi ăn phở. Sau này, các diễn viên về tham gia đông như: Việt Anh, Thành Lộc, Từ Thành, Xuân Hồng… tạo nên hiệu ứng tích cực để khán giả đến với "Kịch 5B".
NSƯT Kim Tử Long
Về sau, "Kịch 5B" trở thành nơi thăng hoa sáng tạo của những NS trẻ nhiệt huyết với nghề như: Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Hữu Châu, Công Ninh, Thành Hội, Minh Nhí, Ái Như… Sân khấu này giúp họ phát triển bản lĩnh nghề nghiệp, định hình việc sáng tác, đạo diễn theo khuynh hướng mới về cấu trúc. Vào tháng 1-1988, "Kịch 5B" tổ chức Liên hoan Sân khấu nhỏ lần thứ nhất và đến lần thứ 2 vào năm 1993 đã có nhiều vở thể nghiệm mới.
Bên lĩnh vực cải lương, Nhà hát Trần Hữu Trang là chiếc nôi đào tạo một thế hệ NS xứng tầm. Sau khóa đào tạo đầu tiên đã hình thành hẳn một đoàn cải lương xung kích gồm: Thanh Thanh Tâm, Chí Linh, Vân Hà, Kim Tử Long, Tô Châu, Thoại Mỹ…
nghệ sĩ Lê Khánh
Đối với NSƯT Kim Tử Long, 46 năm qua là một hành trình hạnh phúc. Có lúc thăng trầm, vất vả, có lúc sung sướng nhưng hạnh phúc nhất là được làm nghề, đem tâm huyết vào cống hiến cho khán giả những vở diễn hay.
Họ lớn lên trong những tràng pháo tay của hàng triệu khán giả yêu kịch nói, cải lương và đã tiếp nối tinh thần sáng tạo để hàng trăm tác phẩm trở thành dòng chảy nghệ thuật tiêu biểu của sân khấu TP HCM. Đó là những tác phẩm: "Đối mặt" (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), "Nàng Xê Đa", (đạo diễn NSƯT Đoàn Bá), "Một cuộc đời bị đánh cắp" (đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc), "Dạ cổ hoài lang" (đạo diễn NSƯT Công Ninh), "Lôi vũ", "Trung thần" (đạo diễn NSƯT Hoa Hạ), "Giữa hai bờ sương khói" (đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc)… Đây là những tác phẩm khuôn mẫu trong dàn dựng để thế hệ đạo diễn trẻ noi theo.
Viết tiếp tương lai
Từ khi sân khấu thể nghiệm "Kịch 5B" đi theo mô hình đổi mới của sân khấu thế giới, sân khấu thể nghiệm thay đổi các quy ước truyền thống về không gian, cao trào, tâm lý, nút thắt, lời thoại, tính ước lệ. Từ đó, những ngòi bút tâm huyết sáng tác kịch bản theo khuynh hướng thể nghiệm đã cho ra đời nhiều tác phẩm tạo tiền đề thúc đẩy sáng tạo mới trong hình thức diễn xuất và dàn dựng.
nghệ sĩ Võ Minh Lâm
Đỉnh điểm phải kể đến những tác phẩm: "Diễn kịch một mình", "Hoàng hậu hai vua", "Nỗi đau nhân loại", "Hồn thơ ngọc"… của tác giả Lê Duy Hạnh. Ông đã chăm chút, gửi gắm đến thế hệ NS của "Kịch 5B" nhiều thông điệp trong sáng tạo nghệ thuật. Sau này khi đã làm thầy, đứng trên bục giảng, họ vẫn tiếp tục dựa vào nền tảng đó để khai sáng cho thế hệ diễn viên, đạo diễn trẻ.
NSND Hồng Vân tâm sự: "Khái niệm về thể nghiệm lúc đó luôn ám ảnh chúng tôi. Để phát triển đồng bộ và cập nhật cái mới, chúng tôi liên tục thể nghiệm về hình thức cấu thành kịch bản và vở diễn. Hôm nay, khi đã làm thầy, chúng ta mới cảm thấy giá trị của thời điểm 1985-1997, giai đoạn thể nghiệm từ CLB nâng cấp thành nhà hát. "Kịch 5B" đã cho chúng tôi quá nhiều cơ hội để tỏa sáng, kế thừa thế hệ đi trước vững vàng".
Trong khi đó, thế hệ NS được đào tạo tại Nhà hát Trần Hữu Trang đã nỗ lực tạo dấu ấn thật đẹp tại Liên hoan Sân khấu Mùa thu do TP HCM tổ chức năm 1986. Những bài học kinh nghiệm trong diễn xuất, dàn dựng đã trở thành khuôn mẫu cho thế hệ diễn viên cải lương hôm nay.
46 năm trôi qua, thế hệ NS trưởng thành sau năm 1975 đã trở thành những người thầy, tiếp tục trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Niềm vui của họ được nhân lên gấp bội khi có nhiều diễn viên, đạo diễn trẻ đã trưởng thành, được công chúng yêu mến như: Thái Hòa, Cát Phượng, Đức Thịnh, Lê Khánh, Mỹ Uyên, Hạnh Thúy, Cát Tường, Trịnh Kim Chi, Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Chánh Trực…
Bình luận (0)