Tôi còn nhớ cuốn "Học vần" bé xíu chỉ nhỉnh hơn bàn tay người lớn xòe ra đã tơi phần rìa, trang sách cũng không còn trắng trẻo nữa. Không phải vì tôi hay má tôi giữ sách không kỹ mà vì thời gian đã lâu. Đó là những quyển sách mà má tôi thuở học bập bẹ mấy chữ vỡ lòng đã dùng. Rồi má thôi học, nhà bà ngoại cũng xa trường, giấc mơ của má tôi dở dang, quyển sách xếp vào trong chiếc rương cũ kỹ. Má tôi lớn lên, lấy ba, sinh ra tôi... trở thành người phụ nữ của ruộng đồng, tay chai mặt nám, những giấc mơ má gửi vào trong cuộc sống của tôi.
Những quyển sách cũ đã bị mối mọt bóc trần cả bìa sách, chỉ còn mấy họa tiết mà tôi hình dung ra con gà, con lợn. Những trang sách đưa tôi vào thế giới của cổ tích, của làng quê, của dòng sông, cánh đồng, của những điều tốt lành trong cuộc đời.
Ôi những bài học tuổi thơ! Làm sao tôi có thể quên được. Bài học dạy tôi cách làm người, sống đúng đắn hơn, trọng nhân nghĩa thay vì bạc tiền. Câu thơ lời văn trong quyển sách "Học vần" năm nào không hoa mỹ, cầu kỳ, mọi thứ thật tự nhiên, bình yên và chân chất. Đọc văn xong rồi nhắm mắt, tai tôi nghe thanh âm của "Chim sâu nho nhỏ/ Cái mỏ xinh xinh/ Chăm nhặt, chăm tìm/ Bắt sâu cho lá" (Chim sâu, Phong Thu); trong đầu tôi là không gian của một khu vườn thoáng đãng có cây cối xanh rờn, có bà tôi ngồi trên chiếc ghế gỗ kể chuyện cổ tích xa xưa cho đám con cháu quây quần nghe, trong câu chuyện của bà tôi là các bà tiên, chú bé đi hài bảy dặm, quả thị thơm cô Tấm rất hiền (Nói với con, Vũ Quần Phương)...
Tôi thấy mình hạnh phúc làm sao khi nghĩ về thuở thiếu thời sáng đến trường, trưa về nhà ăn cơm với cá rô kho tộ. Có lẽ nhà thơ Minh Chính đã nói hộ, ghi lại hộ hình ảnh thân thương nhất trong những buổi đến trường của đám trẻ năm nào, trong đó có tôi - qua bài thơ "Đi học": "Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em đến lớp/ Trường của em be bé...".
Từ những trang sách ấy tôi đã lớn lên từng ngày, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi biết yêu bà tôi bởi: "Cô giáo dạy cháu về nhà/ Ăn xong nhớ lấy cho bà cái tăm" (Lấy tăm cho bà, Định Hải); tôi biết yêu sợi tóc bạc của mẹ, giọt mồ hôi trên khuôn mặt cha tôi giữa nắng gió đồng trưa bởi "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" (Ca dao)... Tôi biết yêu ngôi nhà nhỏ của mình, yêu những gì thân quen bình dị, từ nơi đó tôi lớn lên, bước ra đời với bao khát vọng, mộng mơ: "Em yêu nhà em/ Hàng xoan trước ngõ/ Hoa xao xuyến nở/ Như mây từng chùm…" (Ngôi nhà, Tô Hà).
Chúng tôi đã nên người từ đấy, chúng tôi được học nhiều bài học quý giá, thêm yêu cuộc sống này và có niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
Bình luận (0)