Số lượng phim không nhiều, cùng với tâm lý e ngại dịch bệnh dẫn đến việc khán giả không mặn mà đến rạp như mọi năm. Việc phải dời lịch chiếu bất ngờ vào phút chót gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất cũng như xáo trộn thị trường phim Việt. Hiện các nhà sản xuất, phát hành đều chưa thể đưa ra kế hoạch hay dự định gì vì còn phải "ngóng" diễn tiến dịch bệnh.
Cú sốc phút chót
Mùa phim Tết Tân Sửu 2021 được các nhà phát hành lẫn nhà sản xuất đặt nhiều kỳ vọng bởi cả 4 phim Việt dự định ra rạp dịp này đều là các tác phẩm được đầu tư chỉn chu, nhiều khả năng thắng doanh thu gồm: "Lật mặt: 48H", "Trạng Tí", "Bố già", "Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả". Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dịp cuối năm khiến tình hình trở nên rối rắm.
Phim "Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả" được nhà sản xuất kiêm đạo diễn thông báo dời lịch chiếu trước, sau khi phía cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí bao gồm rạp chiếu phim tại TP HCM từ 12 giờ ngày 9-2. "Còn "Trạng Tí", khi chỉ 5 ngày nữa ra rạp thì dịch lại đến. Sức khỏe của mọi người là quan trọng nhất và vì chỉ thị của các cơ quan chức năng, mình đành tuyên bố một lần nữa "Trạng Tí" phải lỡ hẹn với mọi người vào dịp Tết này và dời ngày chiếu vào một dịp khác" - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ngậm ngùi chia sẻ. Đạo diễn Lý Hải cũng thổ lộ với truyền thông rằng cả ê-kíp của anh bị sốc trước tình hình dịch bệnh tái diễn. Sau 2 đợt hoãn chiếu, "Lật mặt: 48H" đã tốn khoảng 10 tỉ đồng chi phí truyền thông, quảng bá, in ấn tài liệu tuyên truyền không thể tái sử dụng.
Ngoài những chi phí quảng bá, truyền thông, nhiều người trong giới còn cho rằng các nhà sản xuất phim Việt Tết Tân Sửu còn thiệt hại nặng vì không thể chiếu phim đúng "mùa vàng", thời gian ra rạp bị kéo dài càng thiệt hại về chi phí đầu tư… Không "dễ thở" hơn so với các nhà sản xuất, các nhà phát hành cũng đối mặt tình trạng thiếu phim phục vụ khán giả ở những tỉnh được phép mở cửa rạp. Họ chọn giải pháp chiếu phim nước ngoài và chiếu lại các phim Việt đã ra rạp trước đó với giá vé khuyến mãi.
Phim “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả” là 1 trong 4 phim Tết dời lịch chiếu do Covid-19. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
"Doanh thu mùa phim Tết Tân Sửu 2021 ở các rạp của chúng tôi khá ảm đạm, khán giả dè chừng ra rạp do lo ngại dịch bệnh. Chúng tôi hiện chỉ có thể chờ xem tình hình dịch bệnh thế nào chứ không thể đoán trước được gì và chỉ mong cuối tháng 2 đầu tháng 3, tình hình tốt hơn, các rạp ở TP HCM có thể mở cửa trở lại phục vụ khán giả" - ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện truyền thông của CGV Việt Nam, cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Khánh cũng từng cho biết các phim Việt hoãn chiếu thì hệ thống rạp của CGV Việt Nam chỉ còn lại khoảng 20% doanh thu so với dự kiến, bởi kế hoạch ban đầu là dồn sức cho phim Việt. Theo Box Office Việt Nam (trang thống kê độc lập các phòng vé), mùa Tết đầu tiên không có phim Việt mới, doanh thu sụt giảm 95%. Đây có lẽ là một mùa phim Tết ảm đạm, một nốt trầm buồn bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt.
Ngán ngẩm, hồi hộp, lo lắng
Trước những diễn biến bất ngờ khiến 4 phim Việt phải dời ngày ra rạp vào phút chót, nhiều lo ngại tình trạng xáo trộn, dồn lịch phát hành có thể xảy ra trong năm 2021. "Dịch bệnh gây thiệt hại lớn, khán giả không được xem phim mới và nhà sản xuất không thể phát hành phim ra rạp, lấy lại vốn đầu tư. Tôi nghĩ việc dời lịch sẽ gây xáo trộn, khiến nhà sản xuất trở nên bị động, thiệt thòi, chưa biết khi nào hết dịch để lên kế hoạch ra rạp trở lại. Tình trạng dồn lịch phát hành, đụng độ nhiều phim Việt trong một thời điểm cũng có thể xảy ra" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Đồng quan điểm, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết điều lo sợ nhất là phía các rạp không thể cầm cự bù lỗ trong thời gian dài, nhà đầu tư không kiên nhẫn vì chôn vốn quá lâu, thói quen tiêu dùng của khán giả thay đổi, dịch bệnh không biết chính xác khi nào được khống chế để mọi người trở lại hoạt động bình thường. "Tôi thấy tâm thế mọi người, một là ngán ngẩm, hai là hồi hộp và ba là cầm chắc rủi ro nên tương lai gần khó có phim mới được đầu tư sản xuất như trước đại dịch. Nếu các nhà đầu tư rạp phim trả hết mặt bằng vì lỗ thì đấy sẽ là cái mất đầu tiên và lớn nhất của thị trường phim Việt. Theo tôi, 2021 là một năm ảm đạm nhưng cũng có thể là cơ hội với những nhà làm phim thích nghi với môi trường mới, tình thế mới. Nghĩa là nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra chất xám nhiều hơn, chọn tác phẩm có kinh phí vừa phải và chờ thời cơ mới mong cầm cự được. Bây giờ là lúc tất cả cần đoàn kết và hơn bao giờ hết phải có sự can thiệp, hỗ trợ từ phía nhà nước nhằm có biện pháp để duy trì "sự sống" của ngành điện ảnh" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.
Với những phim Việt Tết đã chọn cách dời lịch phát hành, các nhà sản xuất đều chưa công bố lịch chiếu mới vì phải chờ xem tình hình dịch bệnh diễn tiến ra sao. "Khi các phim đồng loạt dời lịch thì các nhà phát hành sẽ cùng sắp xếp lại thời điểm ra rạp để không trùng nhau!" - Bảo Nhân, đạo diễn phim "Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả", cho biết.
Bình luận (0)