Núi như bát úp, trên đỉnh dựng thẳng đứng một khối đá đầu ngựa. Từ đây nhìn về hướng Tây Nam 30 km lại có thêm ngọn núi trải bẹt như mái nhà: núi Bảo Đại.
Vùng này khi xưa toàn rừng thẳm âm u. Voi từng đàn lững thững ra sát làng ngửi khói đồng. Cọp, báo vào cả nhà dân bắt heo. Bởi vậy, ngay đầu ngõ vào làng nào cũng có miếu thờ ông Cọp.
Quê tôi toàn dân di cư từ miền Trung vào. Nổi tiếng nhất là nhà ông Cảnh thợ săn. Ông quê gốc Bình Định, có 4 con trai 3 con gái, ai cũng võ nghệ đầy mình. Trong đó, sừng sỏ nhất là Năm Chạng, sức vóc như trâu, người dẻo như báo, sử điêu luyện cây roi gỗ táo trăm năm nặng 15 cân.
Năm Chạng đứng đầu nhóm thợ săn trong vùng. Giúp sức cho anh là bầy chó hung hãn, tinh khôn do "sếp" Vện - ả chó cái còn nặng tính hoang dã - dẫn đàn.
Trong đời đi săn oanh liệt của mình, Năm Chạng từng giết cả cọp, đâm chết gấu bằng cây roi gỗ táo gắn mũi mác. Và Năm Chạng suýt phải trả giá nhưng kẻ xém giết anh không phải cọp, báo mà lại là một con heo rừng.
Vạch 2 vết sẹo dài, sâu hoắm từ đùi lên giữa bụng, Năm Chạng kể lần đó, anh đặt 4 bẫy xích lớn. Nhìn dấu bẫy bị kéo đi, chằng chịt vết móng, anh biết đã dính heo một. Heo một là con không theo bầy, nặng hơn trăm ký, sống đơn độc nên rất hung dữ.
Năm Chạng lần theo dấu móng, không ngờ con heo tinh ranh đã đi vòng ra phục ở đầu lối mòn. Nghe hộc một tiếng, Năm Chạng biết mình đã trúng kế, vội bật người ra sau. Nhưng không kịp, con vật đen trũi khổng lồ húc thẳng vào đùi anh, xé toạc da thịt lên đến bụng. Năm Chạng xoay người thúc mũi mác vào cổ con heo một nhưng nó cúi gầm đầu tránh được chỗ hiểm, chỉ dính vào vai.
Cuộc chiến sinh tử kéo dài cả nửa giờ. Năm Chạng đuối sức lùi dần, may mắn đụng phải một gò mối, anh vội trườn lên cao cố thủ. Dằng dai đến tối mịt, con heo lả sức lết vào rừng, anh mất máu ngất xỉu.
Đêm đó, Bảy Siêu - em Năm Chạng - đốt đuốc vào rừng tìm, nghe tiếng chó sủa mới thấy anh liền vội cõng về. Sáng hôm sau, Bảy Siêu trở vào rừng trả thù cho anh thì thấy con heo một đã chết, bên cạnh còn có chú heo con vục đầu bú mẹ. Bảy Siêu quỳ xuống khấn rừng, mang xác heo mẹ và cả heo con về làng.
Những tưởng chú heo con sẽ chết, ai ngờ ả Vện vừa đẻ bầy chó con lại quấn quýt nó rồi cho bú. Vện đẻ 4 con nhưng chỉ chú chó đen sống được. Nó có cái xoáy trên vai làm lông gáy dựng đứng trông rất hung hãn. Chú chó này được đặt tên là Mực Xoáy, còn chú heo rừng được gọi là Nanh Một.
Từ đó, Nanh Một và Mực Xoáy cùng bú mẹ Vện, chơi đùa lớn lên như anh em. Nanh Một ngày càng to lớn, nanh dài móc ngược bặm trợn và giữ nhà như một thành viên trong bầy chó. Nó suốt ngày bênh ả Vện, ai la mắng mẹ là hộc lên giận dữ. Cả làng thấy quái lạ nhưng sợ Nanh Một nên chẳng dám xua đuổi.
Nhà Năm Chạng có rẫy bắp sát bìa rừng. Anh trồng ở đây 2 hàng xà cừ cách nhau 4 m, mỗi cây to một vòng ôm, để luyện roi. Đường roi của Năm Chạng đầy sát tính do chính cha anh truyền lại. Ông bảo tâm anh vốn lạnh, đã làm tất không chùn tay, học roi rất giỏi nhưng sẽ lụy khổ nếu không sửa mình.
Dạo mùa nghỉ, vợ Năm Chạng sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Phi Lâm. Anh dắt Nanh Một vào rẫy đào ít thuốc nam cho con. Đêm sáng trăng, Năm Chạng ngồi hút thuốc dưới tán sung rừng cổ thụ. Nanh Một đang nằm gác đầu lên bàn chân chủ bỗng vùng dậy khịt mũi, lông cổ dựng đứng. Năm Chạng cảnh giác trở mình nhổm dậy thì nghe tiếng lá lay ầm ào. Một bóng đen từ cành sung phóng xuống chụp vào cổ anh vật xuống đất. Cây mác dựng quá tầm tay, anh thất thế, thấy cổ mình sắp lọt vào hàm răng một con báo đen…
Nhanh như cắt, Nanh Một xông đến đánh đòn nanh ngang cổ con báo, hất văng xa. Nó lao đến ghìm chặt đối thủ xuống đất, cúi đầu xốc nanh vào ngực. Báo đen chưa kịp thoát ra, Năm Chạng kịp vươn mình chụp cây mác xuyên vào cổ nó. Thoát chết, anh xót xa khi thấy Nanh Một bị báo đen cào rách bươm hai bên sườn.
Từ dạo đó, Nanh Một được phép vào nhà chơi cùng Phi Lâm - một sự tin tưởng mà cả Mực Xoáy cũng không có.
Một bữa, Năm Chạng ngồi ngoài sân mài lại mấy cây mác. Trong hiên, Phi Lâm đang ngồi chơi cạnh Nanh Một. Bất ngờ, Nanh Một hộc lên, xông đến Phi Lâm rồi táp vào chiếc khăn rằn đen đỏ quấn quanh vai cậu bé.
Phóng người dậy, Năm Chạng thét lên "mày phản" rồi lao mũi mác xuyên vào vai Nanh Một, hất nó văng ra. Cán cây mác đập gãy một chiếc nanh dài gần gang tay văng vào lòng Phi Lâm. Chụp mũi mác khác, Năm Chạng xông đến tính kết liễu Nanh Một. Từ xa, con Vện lao tới chặn anh, nhe nanh chực cắn. Mực Xoáy phủ lên mình Nanh Một, ôm chặt liếm vết thương.
Đến bồng con, Năm Chạng phát hiện chiếc khăn rằn té ra là một con rắn hổ to bằng cổ tay. Nó đã bị Nanh Một cắn dập đầu. Hối hận nhìn lại, anh thấy Nanh Một thất thểu mang cây mác trên vai lết ra vườn, theo sau là ả Vện và Mực Xoáy.
Sau biến cố đó, cả bọn không vào nhà nữa. Thiếu vắng Nanh Một, Phi Lâm buồn hiu, cứ khóc thét trong giấc ngủ. Khi mẹ lấy chiếc nanh gãy của Nanh Một đặt bên gối, cậu mới yên giấc.
Hai năm sau, Vện đã già, rụng hết răng. Mực Xoáy thì to lớn như sói, trở thành thủ lĩnh bầy chó săn. Hằng ngày, Nanh Một cứ quẩn quanh bên mẹ Vện. Dù sức đã cằn nhưng ả vẫn âu yếm liếm lông đứa con khác loài to xác.
Xóm trên có lão Chính người Bắc di cư vốn mê thịt chó. Lão vớ đâu được một con phốc kiểng lông xù nhỏ thó, bèn đến gạ Năm Chạng đổi con Vện. Bực tức vì Vện bỗng dưng không thuần phục mấy năm trời, Năm Chạng đồng ý.
Ngày lão Chính trói Vện mang đi, Phi Lâm khóc gào khản cổ. Nanh Một và Mực Xoáy lén vòng sau vườn đến nhà lão Chính. Thấy lão treo Vện lên cây cắt cổ, chúng tru lên rồi lao vào cứu nhưng không kịp. Lão Chính bị Mực Xoáy cắn nát cổ tay, Nanh Một húc gãy đùi. Chúng mang mẹ Vện vào rừng rồi mất tăm.
Thiếu thủ lĩnh Mực Xoáy, bầy chó ngơ ngác không chịu vào rừng đi săn. Hằng ngày, Phi Lâm lẫm chẫm ra đầu ngõ mếu máo ngọng nghịu: "Nanh Dột… Dực Xáy…". Từ đó. Năm Chạng tự giận mình nên bỏ nghề săn, vào rẫy lập trang trại trồng cây, nuôi gà.
Sau này, cánh thợ săn ở Ông Đồn, Thuận Nam truyền tai nhau rừng núi Dinh, Bảo Đại có con heo một nanh tinh khôn, chẳng có chiếc bẫy nào đánh lừa được nó. Có điều lạ là bên dấu móng của nó trong rừng luôn có dấu chân chó.
Một đêm trăng, Năm Chạng luyện võ ở rẫy thì nghe tiếng chó tru ngoài bìa rừng. Trong ánh trăng vằng vặc, anh thấy bóng một con heo rừng to lớn đứng ngó về làng. Bên cạnh nó, một con chó đen ngẩng đầu nhìn trăng. Năm Chạng buồn bã thở dài.
Nhiều năm sau, Phi Lâm lớn lên, được bác Hai bảo lãnh sang Úc học. Khi ra trường, cậu nằng nặc xin làm việc cho một tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật hoang dã ở Uganda. Tết năm nọ, Phi Lâm gửi hình về gia đình, mẹ cậu rưng rưng nước mắt khi thấy con trai mặc chiếc khố thổ dân, cởi trần vạm vỡ đứng giữa rừng với đồng nghiệp châu Phi. Năm Chạng thì sững sờ rồi lặng lẽ ngắm hai hình xăm hai bên ngực con trai - đầu chó và đầu heo rừng một nanh...
Bình luận (0)