Tôi có người quen, hôm nọ đi siêu thị về, nhăn nhó khi tôi hỏi chị đi siêu thị có vui không? "Giá như tôi trúng thưởng chiếc tay ga trưng chình ình trước quầy tính tiền kia, chắc vui!" Và mặt chị ta như chiếc khăn nhúng nước trong đôi phút "Tôi đã tốn bộn tiền để săn tem khuyến mãi, có ít đâu".
Tôi cười trong bụng. Tôi chẳng phí một đồng săn tem khuyến mãi, mà trúng đậm những niềm vui vô giá chứ không hão huyền, xa vời như chị, chỉ bằng một việc đơn giản thôi: đi chợ.
Vâng, là chợ. Những ngôi chợ truyền thống giữa lòng thành phố, chứng nhân sống của thành phố qua bao biến đổi thăng trầm, vẫn mang trong mình những ân tình trìu mến, thết đãi khách hàng những niềm vui bé mọn nhưng dài mãi không ngưng. Tỉ như hôm nào đó nhà có hỉ sự, bạn cần một buồng cau với mớ trái tròn lẳn đông vui, một mâm trầu têm cánh phượng mỹ miều, bạn có tìm được trong siêu thị hay trung tâm thương mại? Chắc là không. Nhưng những thứ tươi nguyên đó, vẫn thấp thoáng một góc chợ cũ kỹ nào đó giữa lòng thành phố. Tôi từng thấy một người quen từ miền Trung xa xôi vào đây, chưng hửng giữa siêu thị vì không tìm ra dĩa trầu cau cúng Rằm, rồi lại vỡ òa nhảy khỏi xe sà vào ngay sạp trầu cau trong chợ gần nhà. Tôi cũng từng chạm vào cảm xúc đó, khi đi chợ mua được ký hến sông chắc nịch từ miệt ven Long Phước đưa lên, hoặc mớ đọt nhãn lồng với râu ria loắn xoắn, ít lá xá xị, sao nhái, lá chùm ruột tươi, lá cóc, đọt choại, mớ cá hủn hỉn từ bán đảo Thanh Đa chuyển tới… Có những niềm vui bất chợt được cho không biếu không như chị bán thịt heo được hôm vui tính thẻo thêm cho miếng thăn: "Về nấu cháo cho mấy nhỏ!". Hay bà bán cá đồng biết mình thích cá chạch đồng, cá tràu cửng chiên giòn chấm mắm me, sáng sớm đã rộng riêng mớ cá ngon lành trong xô: "Chừa cho cưng đó, ngon nhứt hạng nha".
Một chợ nhỏ ở TP Thủ Đức, TP HCM Ảnh: NGUYỄN HẢI
Tôi tin rằng, trong ký ức tuổi thơ không ít người thì chợ chính là nơi người ta không bao giờ quên được. Mùi chợ - mùi tháng năm đã nuôi lớn những người con chính hiệu xứ này hoặc con dân xứ khác tới đây lập nghiệp. Người miền Trung có hẳn một cái chợ Bà Hoa ở Tân Bình – một "Quảng Nam thu nhỏ" để thương nhớ xứ xa với các món mắm, dưa cà, mì Quảng, củ nén, rau thơm chính hiệu Quảng Nam.
Tới đây sống mà không biết đến chợ là xem như chưa "biết mặt" thành phố này. Có bao nhiêu cái chợ giữa lòng thành phố? Nhiều lắm, không kể hết đâu. Những cái chợ bề thế, tiếng tăm lan xa tới bạn bè thế giới bằng đường du lịch như chợ Bến Thành – một ngôi chợ hiện đại nhất của thành phố. Hồi mới đi làm, tôi tìm được chân bán hàng trong một showroom hàng mỹ nghệ gần chợ Bến Thành. Lần nọ, một cặp vợ chồng người Bỉ vào tham quan showroom, mua một hộp đựng đồ trang sức, một hộp đựng bánh kẹo nhỏ xinh bằng sơn mài khảm vỏ trai. Rồi họ hỏi phía đằng kia là gì mà thấy đông vui quá. Tôi nhiệt tình dẫn họ rảo bước vào chợ. Cặp đôi trầm trồ hết gian hàng này đến sạp hàng khác. "Chợ của các bạn đẹp quá! Thật tuyệt! Cảm ơn bạn đã đưa chúng tôi vào đây!". Những chiếc vòng tay xinh xắn, chiếc giỏ móc, nón lá, tấm vải áo dài… có lẽ sẽ là vật kỷ niệm quý giá của họ về ngôi chợ giữa lòng thành phố phương Nam này.
Ngoài chợ Bến Thành, chợ Cũ ở đường Tôn Thất Đạm lại khiến người ta bồi hồi bởi hàng cơm thố huyền thoại vang danh một thời vẫn còn đông khách và gánh xôi sầu riêng ngon nhức nhối ngay trong lòng chợ, đến mức mỗi lần tạt vào là phải ăn "xôi sầu chợ Cũ" mới đặng! Chợ An Đông, chợ Bà Chiểu, chợ Bình Tây…đều là những ngôi chợ có tuổi đời "xưa nay hiếm". Chợ Lớn – trái tim của lưu dân người Hoa khiến người mới đến ngẩn ngơ vì những thứ rất lạ lùng mà nó mang trong mình. Xa hơn chút, chợ Nhị Thiên Đường chính là ngôi chợ đã nuôi lớn tuổi thơ tôi, bằng mớ cùi thơm (trái khóm, dứa) giòn rụm, ngọt ngào gói trong lá chuối tôi được má mua cho mỗi lần qua đó hốt thuốc thang cho ba trị bệnh…
Có loại văn hóa nào gọi là văn hóa đi chợ không? Có đó. Là tiếng hỏi thăm nhau thân tình giữa kẻ bán người mua "Nay khỏe không? Khỏe hả, ờ vui ha!". Rồi khi biết ai đó bệnh, cô hàng xén hào phóng tặng ngay miếng thịt, bó rau, hay con cá làm quà thăm bệnh. Đi chợ quên mang ví, có sao đâu, đây bán thiếu bán chịu được mà, cầm đi mai trả. Vậy đó, người thành phố vẫn giữ thói quen đi chợ trong khi siêu thị hào nhoáng mọc đầy. Vì cái mùi chợ tổng hòa của thức ăn, cá mắm, rau trái, thịt thà… đã lưu cữu trong tâm hồn mình. Và còn vì cái mùi tình nghĩa thảo thơm giữa kẻ mua người bán, từ xa lạ lâu dần thành quen…Khách của chợ không phải ai cũng có tiền. Nhưng không tiền cũng đâu có sao, ngay đầu chợ kìa, thùng trà đá, tủ bánh mì, hộp tiền, thùng mì gói, tủ quần áo cũ…vẫn luôn có mặt san sẻ với người bán vé số, bác xe ôm hay ai đó lỡ bước đường xa.
Bây giờ, thành phố như cô gái lớn lên đã biết điệu đà, phấn son thơm nức làm xao xuyến lòng người. Ẩn sâu bên trong những thứ trang sức lộng lẫy là những tòa nhà chọc trời đầy kiêu hãnh, trung tâm thương mại sang trọng… thì tâm hồn sáng trong, cái tình người thơm thảo vẫn luôn hiện diện, từ những ngôi chợ rất đỗi bình dị, thân thương này.
Đây mới thật là thành phố đầy tình yêu và nỗi nhớ, cho kẻ ở hay người xa đều tha thiết, bồi hồi…
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)