Theo đó, Công viên "Ấn tượng Hội An" đã đưa vào sử dụng các khu phố Tây, phố Nhật, phố Trung cùng với 5 mini-show thực cảnh tương tác dựa trên những tích truyện đặc sắc như Trại hò đả hổ, Bà chúa Tằm Tang, Khu rừng hạnh phúc, Ác bá cưỡng hôn, Ngọc hoa công chúa cùng với chương trình nghệ thuật thực cảnh "Ký ức Hội An".
Video: Du khách sẽ được hòa mình vào không gian giao thoa văn hóa với những trải nghiệm bất ngờ tại Công viên Ấn tượng Hội An
Công viên "Ấn tượng Hội An" mở cửa từ 16 đến 21 giờ hằng ngày, sẽ góp một phần tích cực cho bức tranh du lịch Hội An, thu hút khách truyền thống, tăng lượng sử dụng dịch vụ lưu trú và tăng trưởng bền vững.
Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào không gian giao thoa văn hóa với những trải nghiệm bất ngờ.
Sau cánh cổng thành mô phỏng Dinh Trấn Thanh Chiêm – biểu tượng cho sự thịnh vượng và uy quyền của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong là một cảng thị tấp nập, nơi hội tụ các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, Ba Tư…
Khu phố Nhật
Đây là một sân khấu thực cảnh lớn, nơi mỗi nhân viên đều là những diễn viên và mỗi điểm dừng chân là một sân khấu nhỏ, những tích truyện xưa được kể lại bằng nghệ thuật sân khấu hóa.
Du khách không chỉ được gặp gỡ những con người với những nếp sinh hoạt bình dị đặc trưng mà còn được hòa mình vào đám cưới của Công chúa Ngọc Hoa và chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro, chứng kiến Trại Hò đánh hổ bảo vệ đời sống yên bình của người dân xứ Quảng hay ngắm nhìn tứ đại mỹ nhân múa khúc bốn mùa trong quán rượu.
Du khách cũng sẽ được gặp lại hình ảnh Bà Chúa Tằm Tang, người phụ nữ đã khắc tên trong lịch sử Quảng Nam - người đã đưa những xúc tơ lụa đầu tiên của Việt Nam hòa vào con đường tơ lụa trên biển huyền thoại.
Chùa Cầu, cảnh dệt lụa từ tơ tằm được tái hiện tại công viên
Tranh 3D độc đáo tái hiện những chiếc Châu Ấn thuyền của thương nhân Nhật Bản đến thương cảng Hội An cách đây khoảng 400 năm
Bình luận (0)