Năm nay, với mức đầu tư lên tới 650 triệu đồng, vở kịch có cái tên dài nhất: "Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp… với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó", đã gây cơn sốt vé tại Nhà hát Bến Thành, từ hôm chính thức công diễn đợt 1 (ngày 26-5 đến đầu tháng 7).
Điều gì khiến cho chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" nói chung và vở diễn thứ 31 thu hút khán giả như thế? Trước hết phải nói đến sự nhạy bén trong khai thác đề tài, biến các nhân vật quen thuộc từ những câu chuyện cổ tích trở nên lạ lẫm. Trong cách dàn dựng, thủ pháp tạo điểm tương tác sinh động với khán giả là chìa khóa thành công của ê-kíp thực hiện.
Cảnh trong "Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp…" Ảnh: VŨ MINH
Điều đặc biệt, những tên cướp trong vở được xây dựng với hình tượng không độc ác, chỉ là nhấn mạnh tính xấu của chúng: thích sự vui đùa, thích nhí nhố, thích ca múa... Điều này cho thấy sự hướng thiện sâu sắc, nhấn mạnh yếu tố giáo dục của vở diễn, cho dù con người có tính xấu đến đâu cũng có những điểm rất đáng yêu để hướng thiện họ.
Vở kịch gửi gắm đến khán giả thông điệp nhân rộng điều thiện, điều tốt; tích cực giúp đỡ người nghèo; ca ngợi ý chí phấn đấu, tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước, phê phán thói tham lam, sự dối trá, tính ích kỷ.
Cảnh trí sân khấu của vở diễn thiết kế dàn dựng theo phong cách 3D tạo hiệu ứng không gian rất đẹp, hoành tráng. Cảnh hang động lớn với những thùng châu báu, vàng bạc lấp lánh, có cả phiên chợ Ba Tư nhộn nhịp, cây đèn thần to đùng xuất hiện ở cảnh cuối khi nhân vật Aladin xuất hiện…
Từ ý tưởng thi vị hóa các nhân vật cổ tích, các nghệ sĩ đã thể hiện duyên dáng các nhân vật bằng nhiều trò diễn, nhảy múa tập thể và đối đáp vui nhộn. Hoàn toàn không có cảnh bạo lực, đánh nhau. Vở diễn còn lồng vào câu chuyện kịch nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội bằng góc nhìn châm biếm hợp lý khiến khán giả thích thú.
Năm nay, chương trình vẫn có những nghệ sĩ quen thuộc tham gia như: NSƯT Hữu Châu (trong vai tướng cướp Abukhaxan), NSƯT Thành Lộc (trong vai tên cướp… điệu Alêpêdê), NSƯT Mỹ Duyên (trong vai Selena), Đình Toàn (trong vai Alibaba)… Lần đầu có đến 80 diễn viên tham gia trong một vở diễn.
Phần thiết kế trang phục có hơn 100 bộ lộng lẫy đã đưa khán giả đến với xứ sở Ba Tư nơi có nhiều câu chuyện cổ tích ly kỳ. Âm nhạc và múa đã được đầu tư sáng tác với 6 ca khúc, 7 bài múa tập thể được dàn dựng điêu luyện. Vở diễn này thật sự là dấu ấn đẹp của đạo diễn Vũ Minh và Sân khấu IDECAF khi nỗ lực mang lại món quà hè cho khán giả thiếu nhi.
Bình luận (0)