NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc, NSƯT Hoàng Nhứt, NSND Lệ Thủy, Minh Vương
Bốn bậc thầy đáng kính
Các nghệ sĩ thuộc các khoa đào tạo đạo diễn, diễn viên cải lương, kịch nói trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM) đã tề tựu chúc mừng xuân mới đối với bốn nghệ sĩ lão thành là bậc thầy trong đào tạo nghề: NSND Trần Minh Ngọc, NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn Lê Văn Tĩnh và Nguyễn Văn Phúc.
Với PGS – TS Trần Yến Chi – Trưởng Khoa đào tạo Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, chị nhớ về các thầy cô đã có nhiều thành tựu trong nghệ thuật và giảng dạy bằng niềm tự hào của thế hệ tiếp nối.
"Khi về công tác tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, tôi đã nhận được rất nhiều bài học quý từ các thầy cô đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngôi trường này. NSND Trần Minh Ngọc, NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn Lê Văn Tĩnh và Nguyễn Văn Phúc và nhiều thầy cô khác nữa đã trực tiếp tổ chức giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò và trao truyền cho chúng tôi rất nhiều bài học đúc kết từ tấm gương thương yêu học trò".
Hai đạo diễn Ái Như, Thành Hội là học trò của NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc
Là một trong những giáo viên thuộc thế hệ đầu tiên của trường Nghệ Thuật Sân Khấu II, NSND Trần Minh Ngọc là một nhà giáo tận tụy với nghề. Hơn 80 tuổi ông vẫn còn miệt mài dàn dựng, giảng dạy. Đến thăm ông những ngày đầu xuân, ông tâm sự hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ông là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng và là đạo diễn của rất nhiều tác phẩm sân khấu đỉnh cao ở TP HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. "Đó là điều tôi cảm thấy rất vinh dự Nên dù xuân có đến, có đi thì tôi vẫn bền bỉ với những tâm nguyện với nghề dạy học và dàn dựng. Người sang đò có thể không còn nhớ đến người đưa đò, nhưng trong trái tim tôi những học trò đã từng học mình đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm" – NSND Trần Minh Ngọc nói.
Cùng với đạo diễn Lê Văn Tĩnh, Nguyễn Văn Phúc thì có một điều rất đặc biệt, hầu hết những nghệ sĩ ở TP HCM dù là học trò của các ông trên ghế giảng đường hay không vẫn luôn gọi các ông là thầy. "Cho đến bây giờ bài học quý của các thầy cô đã luôn truyền đến chúng tôi ngọn lửa yêu nghề. Các thầy cô lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, tận tình hướng dẫn để chúng tôi có những vai diễn hay và hoàn thành tác phẩm nghệ thuật thật tốt" – NSND Hồng Vân chia sẻ.
NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc, NSƯT Ca Lê Hồng và vợ chồng NSND Diệp Lang
Với nữ đạo diễn Ca Lê Hồng, bà là hình ảnh của sự mẫu mực trong cuộc sống. NSƯT Trịnh Kim Chi nói: "Trong cái nhìn khái quát về các đạo diễn thường là hình ảnh của những người làm việc rất nóng tính. Bởi phải làm việc trong một tập thể thường ít có sự đồng nhất về tính cách, khả năng tư duy, năng khiếu sáng tạo… cho nên dễ cau có, quát nạt. Thế nhưng với cô Ca Lê Hồng lại là một trường hợp khác. Hơn 50 năm làm công tác giảng dạy, dàn dựng, dường như chưa bao giờ bà to tiếng, nổi nóng".
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh đến xem tác phẩm "Tiên Nga" và vào hậu trường tặng hoa học trò cưng - NSƯT Thành Lộc
Cả bốn nghệ sĩ làm công tác đào tạo và giảng dạy đều áp dụng phương pháp phát huy tối đa khả năng sáng tạo của diễn viên, nên bài học quý từ sự trao truyền của họ qua cách thị phạm cho diễn viên, đã mang lại kinh nghiệm để học trò phát huy vào từng vai diễn. Ngày xuân, nhắc về các học trò mình tin yêu, đạo diễn Lê Văn Tĩnh nói: "Tác phẩm nhạc kịch thuần Việt mang tên "Tiên Nga" của Thành Lộc là một món quà xuân ý nghĩa nhất đối với tôi. Vì tôi đã dạy em trong suốt quá trình học diễn viên. Khi còn đi học Thành Lộc dù học diễn viên nhưng lúc nào cũng phát huy tư duy đạo diễn. Gặp tôi lúc nào cũng khoan tay cúi đầu lễ phép. Đó là tấm gương quý cho đàn em noi theo".
Quỳ bên chân thầy, hình ảnh đáng kính trọng của NSƯT Thành Lộc mỗi lần gặp thầy Lê Văn Tĩnh
Học trò của đạo diễn Nguyễn Văn Phúc vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyên đáng nể của thầy Phúc. "Thầy luôn tỉ mỉ phân tích nhân vật, hướng dẫn sinh viên, diễn viên khai thác hành động, tâm lý và đặt mình vào trong nhân vật để "chân thật cảm", có niềm tin mãnh liệt với số phận nhân vật. Đôi khi chỉ một lớp diễn ngắn, thầy có thể mất cả giờ để giải thích, khơi gợi cho diễn viên đạt được sáng tạo tốt nhất" – MC Quyền Linh nói.
Nhớ sầu nữ, nhớ ơn thầy
NS Tô Châu mọi năm đến ngày tết vẫn đến chùa Xá Lợi để thắp hương tưởng nhớ người thầy, người mẹ nuôi đã dìu dắt anh đến với sự nghiệp nghệ thuật. Anh tâm sự: "Tôi luôn nhớ đến sự ân cần dạy dỗ của sầu nữ Út Bạch Lan. Bà đã dành trọn đời phụng sự sân khấu cải lương và phục vụ cho khán giả yêu mến nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tôi tiếp nhận CLB Sân khấu Hoa Lan Trắng từ tay của bà, khi bà qua đời, tôi vẫn giữ vững hoạt động của Hoa Lan Trắng" – NS Tô Châu xúc động kể.
Sầu nữ Út Bạch Lan
Có thể nói, từ những bài học quý mà sầu nữ đã truyền dạy cho các thành viên trong CLB mang tên Hoa Lan Trắng, bà đã nói các bậc tiền bối như: NSND Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Viễn Châu, nhà văn Kiên Giang, tác giả Quy Sắc…đã từng truyền dạy bà bài học đạo đức. "Mẹ tôi nói lúc bước chân vào nghề không biết cách diễn xuất, bản thân non trẻ như một vùng đất hoang vu, mẹ đã dần dần kiến tạo cho nghề rất nhiều thành tựu mà trên hết là di sản "bức trường thành vọng cổ" – nghĩa là một nữ nghệ sĩ ca vọng cổ vững nhịp, được giới chuyên môn đánh giá cao, để giờ đây chúng tôi cùng biết bao thế hệ diễn viên trẻ có đươc những bài học đáng quý trong cách ca diễn của mẹ" – NSƯT Phương Hồng Thủy – người được sầu nữ nhận làm con nuôi đã kể.
Tết năm nay, nhớ ơn thầy, CLB Sân khấu Hoa Lan Trắng đã tổ chức chương trình văn nghệ thiện nguyện, đem lời ca tiếng hát phục vụ khán giả các tỉnh ĐBSCL và trao tặng quà tết cho đồng bào nghèo.
NSƯT Thoại Miêu bên di ảnh của sầu nữ Út Bạch Lan mỗi khi CLB Hoa Lan Trắng đi lưu diễn
Soạn giả Hoàng Song Việt đã chia sẻ, cũng nơi đây, nhờ ơn của của má Út Bạch Lan, anh đã dần trưởng thành, hoạt động trong lãnh vực sáng tác. "Tôi nhớ mãi một lần má đã khuyên tôi cố gắng sáng tác nhiều kịch bản mà tuyến nhân vật chính hãy dành cho diễn viên trẻ, giúp các em mới vào nghề có điều kiện tỏa sáng, vững niềm tin trên con đường nghệ thuật mà má và nhiều thế hệ nghệ sĩ tiền bối đã dày công vung đắp" – tác giả vở "Duyên kiếp" đã nói.
Nhân rộng niềm tự hào 100 năm cải lương
Có thể nói, niềm vui của người thầy gắn bó nhiều năm với nghề truyền đạt kinh nghiệm trên sân khấu là ngày xuân học trò đến thăm và chúc tết. Với NSND – Tiến sĩ Bạch Tuyết, bà đã có rất nhiều học trò là diễn viên từ các khóa đào tạo của trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Trường Đại học Bình Dương, họ đều mang ơn dạy dỗ, dìu dắt của bà. Chưa kể đến các lớp bồi dưỡng, tập huấn diễn viên cải lương do Bộ VH, TT và DL tổ chức, bà có hàng trăm học trò ở khắp mọi miền đất nước.
NSND Bạch Tuyết trong chương trình Sân khấu học đường do CLB Sân khấu Lạc Long Quân tổ chức tại trường PTTH Phạm Phú Thứ, quận 6, TP HCM
Từ đầu năm 2018, NSND Bạch Tuyết đã cùng với CLB Sân khấu Lạc Long Quân thực hiện hơn 20 chương trình "Sân khấu học đường, đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca và đờn ca tài tử vào học đường". Bà đã nhân rộng thêm hơn niềm tự hào về thành tựu 100 năm của sân khấu cải lương.
"Cứ sau mỗi lần đến thăm cô vào dip xuân, trong lòng những người học trò như chúng tôi lại dấy lên biết bao kỷ niệm về thời còn được cô giảng dạy. Dù thời gian và cuộc sống mỗi diễn viên chúng tôi không còn nhiều dịp để gặp gỡ cô, nhưng trên hết vẫn trọng nghĩa tình và bài học quý mà cô đã dạy. Năm nay, biết cô thực hiện các chương trình sân khấu học đường, chúng tôi tự hào lắm. Vì đó chính là cách để góp phần đào tạo một thế hệ khán giả trẻ hiểu biết và trân trọng nghệ thuật cải lương" – NS Cao Mỹ Châu, học trò của NSND Bạch Tuyết đã tâm sự.
NSND Bạch Tuyết và các thành viên trong đoàn văn nghệ "Tình ca Bắc Sơn" tham gia chương trình Sân khấu học đường do CLB Lạc Long Quân tổ chức
Bình luận (0)