NS Chí Tâm và vợ - bà Minh Tuyền
Nghệ sĩ Chí Tâm sinh tại quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Song thân của ông mang hai dòng máu Việt và Hoa, sinh sống bằng nghề buôn bán với một cửa tiệm tạp hoá lớn tên Vĩnh Hưng gần quận Trà Ôn.
"Thưở nhỏ vì nhà ở rất gần rạp hát Long Tấn nên tôi thường xuyên được nghe những bài vọng cổ và được bà ngoại dắt đi xem những vở tuồng cải lương được diễn trong rạp. Tôi đã chịu ảnh hưởng nặng nề của nghệ thuật cải lương ngay từ những ngày thơ ấu và cảm thấy thích thú xin gia đình cho đi theo khi mới lên 6 tuổi" – nghệ sĩ Chí Tâm bồi hồi kể lại.
Học sinh Trường PTCS Võ Trường Toản xin chữ ký NS Chí Tâm sáng 18-9
Khởi đầu, NS Chí Tâm được học ca với thầy Minh. Sau đó, được các nhạc sĩ như: Bùi Kiên, Mười Ngoạn và Năm Thê lần lượt chỉ dẫn. Năm 13 tuổi, ông chính thức theo soạn giả Yên Sơn (tức nhạc sĩ Út Châu) học nghề. Đây cũng là người đã tạo được ảnh hưởng lớn trong bước đường nghệ thuật của nghệ sĩ Chí Tâm.
"Sau hai năm theo học thầy Yên Sơn, tôi được giới thiệu theo đoàn Tinh Hoa. Những người có thẩm quyền trong đoàn hát này đã để ý đến khả năng của tôi qua những nhạc phẩm tân cổ giao duyên do soạn giả Yên Sơn sáng tác. Lúc đó tôi đã được mời thu thanh trên những đĩa nhựa của hãng Continental như: "Em bé đánh giầy", "Về bên gối mẹ", "Con quạ con chồn", "Em bé bán báo"…..Phải nói bây giờ nhớ lại thời gian đó, tôi cảm ơn những cực nhọc đã cho mình nhiều bài học quý. Kinh nghiệm của nghề hát là sự trải nghiệm không ngừng. Hào quang rồi sẽ qua nhưng bài học quý để hình thành nhân cách của người nghệ sĩ thì phải được nhân lên với việc đúc kết thật nhiều thất bại. Gian nan cộng với thất bại sẽ cho người nghệ sĩ ý chí vượt khó" – nghệ sĩ Chí Tâm nhấn mạnh.
NS Chí Tâm giao lưu với học sinh và nói chuyện về âm nhạc mang âm hưởng dân ca, đờn ca tài tử Nam bộ
Trên sân khấu đoàn Tinh Hoa thời đó, nghệ sĩ Chí Tâm đã có cơ hội thể hiện khả năng của mình qua nhiều vai diễn có tính cách khác nhau như: vai Na Tra trong "Na Tra lóc thịt", vai Kim Đồng trong "Công chúa Thuỷ Tề", vai Mã Chí Tâm trong "Người ăn cắp bánh mì" do Yên Sơn sáng tác theo một đoạn của tác phẩm "Les Misérables"…
Do nhận biết được năng khiếu của nghệ sĩ Chí Tâm, những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị trong nghề như: Hữu Lộc, Ngọc Thanh, Tuyết Mai… đã sốt sắng chỉ bảo cho nghệ sĩ Chí Tâm về kinh nghiệm ca diễn.
NS Chí Tâm nhận hoa của các giáo viên Trường PTCS Võ Trường Toản trong buổi giao lưu sáng 18-9
Sau này, có một khoảng thời gian nghệ sĩ Chí Tâm theo học đàn bầu với nhạc sĩ Tứ Quốc, thường được gọi Cò Quốc, từ đó ông được mời cộng tác với ban cổ nhạc Tây Đô Cần Thơ của ông Năm Đờn – danh cầm đàn sến thời đó chỉ huy. Ngoài ra, nghệ sĩ Chí Tâm còn cộng tác với ban cổ nhạc của Năm Hí và Y Sơn trong những chương trình phát thanh trên đài phát thanh tại Cần Thơ, cùng là nơi anh sử dụng đàn bầu cho chương trình Thi văn tao đàn.
Các nghệ sĩ luôn đồng hành với chương trình "Đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca vào học đường": Hạ Châu, Tâm Tâm , Chí Tâm, Bích Phượng, Khánh Tuấn
Vào khoảng năm 1971, nghệ sĩ Chí Tâm gắn bó với đoàn Dạ Quang Châu của ông bà Tám Vân (tức soạn giả Nhị Kiều). Sau đó ông đầu quân về đoàn Kim Chung 5 diễn thường xuyên rạp Olympic để thay thế các vai diễn của nghệ sĩ Minh Vương.
Trên sân khấu đoàn Kim Chung 5 và sau đó Kim Chung 2, nghệ sĩ Chí Tâm bắt đầu tạo được uy tín qua những vai quan trọng. Vở đầu tiên, anh đóng chung với Minh Phụng nhan đề "Nhất Kiếm Bá Vương". Sau đó được mời thủ vai Thái Tử lưng gù trong "Bằng Tuyền công chúa".
NS Chí Tâm, ca sĩ Hạ Châu và Lê Nga
Vào thời gian nghệ sĩ Phương Bình của đoàn Kim Chung 2 ra lập đoàn riêng, ông về thay thế với vai trò kép chánh cho đoàn này diễn với nghệ sĩ Mỹ Châu. Năm 1975, nghệ sĩ Hữu Phước và Hương Lan được mời về cộng tác trên sân khấu Kim Chung. Lúc này nghệ sĩ Chí Tâm cùng diễn với hai nghệ sĩ tài danh này trong vở "Hán Đế biệt Chiêu Quân". Nghệ sĩ Hương Lan trong vai Chiêu Quân và nghệ sĩ Chí Tâm diễn vai Hán Đế.
Hai người sau đó đã rất được khán giả mến mộ khi cùng đóng vai chính trong vở "Nắng thu về ngõ trúc". Cũng thời gian này "Hán Đế" Chí Tâm và "Chiêu Tâm" Hương Lan bắt đầu có tình cảm đậm đà để tiến đến hôn nhân.
NS Chí Tâm và vợ - Minh Tuyền
Nhìn lại bước chuyển của cuộc đời và sự nghiệp, nghệ sĩ Chí Tâm nói: "Trước khi thành hôn với ca sĩ Hương Lan, tôi đã thu âm nhiều bài tân cổ giao duyên, khán giả đã bắt đầu biết đến tôi. Năm 1973 khi tôi được soạn giả Loan Thảo giới thiệu về hãng dĩa Việt Nam. Tôi đã gây được nhiều chú ý qua vở "Lan và Điệp", thu âm chung với nghệ sĩ Thanh Kim Huệ. Sự cộng hưởng này từ băng dĩa trên thị trường và vai diễn trên sân khấu đã là cơ hội tốt cho tôi. Nắm bắt cơ hội đó, tôi nghĩ ngay đến việc phải tạo dấu ấn cho mình qua những vai tuồng trên sân khấu. Nghề nghiệp không thể dừng lại dù hào quang tỏa sáng đến đâu. Thăng trầm gieo neo với nghề đã dạy tôi biết trân quý những gì mình đang có. Nghề hát thường khiến người ta mơ mộng viễn vông. Nhưng tôi thì khác, rất thực tế và chấp nhận đối mặt với khó khăn. Khi sang Pháp định cư, rồi sau đó chia tay với Hương Lan, tôi gặp vô vàn khó khăn. Nhưng vẫn không bỏ nghề. Năm 1982 tôi đã cùng với nghệ sĩ Michel Mỹ thành lập một đoàn hát tên Năm Châu, để tưởng niệm cố nghệ sĩ tài danh tên Năm Châu. Với đoàn này, tôi đã được những kiều bào tại Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Đức, Na Uy, Đan Mạch… ủng hộ. Chúng tôi đã ca diễn các vở tuồng như: "Số đỏ" (tức Tình cô gái Huế) của soạn giả Qui Sắc, "Máu nhuộm sân chùa", "Đường gươm Nguyên Bá", "Tâm sự loài chim biển"…. Năm 85, Hương Lan và hai con của tôi sang sống tại California – Mỹ, trong khi tôi vẫn ở lại Pháp, cư ngụ tại quận 19 Paris. Để có thể sống với nghề, tôi đi làm công nhân tại công ty Alcatel Thompson.
NS Chí Tâm biểu diễn tại trường PTCS Võ Trường Toản
Cực nhọc vô cùng nhưng bù lại tôi vẫn có thể tham gia biểu diễn vào những ngày cuối tuần. Sau đó, tôi quyết định dời sang Houston của bang Texas – Mỹ cư ngụ (tháng 10 năm 1989). Lúc này tôi có quen một người bạn gái ở California – Mỹ, cô đã hứa sẽ bảo lãnh tôi ở lại Mỹ. Nhưng sau khi tôi qua đến tận nơi, thì cô ấy báo là đã có người yêu khác. Nếu ai ở trong hoàn cảnh của tôi sẽ thấy chán nản đến mức nào. Nhưng đã lỡ qua Mỹ và nhất là đã từ giã bạn bè ở Pháp rồi, nên nếu về lại Pháp thì kỳ lắm. Sau này, tôi thành hôn với một người phụ nữ thương yêu tôi hết mực, cô ấy tên Minh Tuyền, quê ở Châu Đốc, là người phụ nữ lo lắng, cảm thông, giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành phòng thu cũng như trong những hoạt động nghệ thuật của tôi trên đất Mỹ. Sau bao gian nan, tôi đã có được hạnh phúc cho đời mình. Tôi trân trọng điều đó và hàng năm vợ chồng tôi về nước, tham gia làm công tác thiện nguyện và hạnh phúc nhất là được đưa đờn ca tài tử vào học đường" – nghệ sĩ Chí Tâm đã nói.
Với mong muốn được tham gia đưa âm nhạc và ĐCTT vào học đường, nghệ sĩ Chí Tâm luôn hết lòng với hoạt động ý nghĩa này
Sáng 18-9, nghệ sĩ Chí Tâm đã đến giao lưu, biểu diễn tại Trường PTCS Võ Trường Toản, quận 1, TP HCM. Ông đã giới thiệu khái quát về bộ môn đờn ca tài tử và các điệu thức trong ca khúc mang âm hưởng dân ca. "Việc làm này của tôi đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ. Tôi hạnh phúc lắm. Phải góp phần giáo dục việc nâng niu, gìn giữ những di sản văn hóa nghệ thuật mà ông cha để lại, từ đó mới mong có thế hệ kế thừa. Các em học sinh hồ hởi trong việc học ca, tìm hiểu về các loại nhạc cụ. Tôi bắt gặp sự đồng cảm sâu sắc của nghệ sĩ Bích Phượng – con gái NSND Út Trà Ôn và của nghệ sĩ Bích Thủy, Hạ Châu – con gái của nhạc sĩ NSƯT Bắc Sơn. Các cô đã cùng tôi làm tốt công việc này, từng bước đưa âm nhạc và dân ca đến trường học" – nghệ sĩ Chí Tâm cho biết, sắp tới còn nhiều điểm diễn tại các trường cấp III, cấp II và đại học, mà ông và nhiều ca sĩ hát dân ca sẽ lên miệt mài với công việc ý nghĩa này.
Bình luận (0)