Vừa trở về nước sau khóa học 2 năm tại Mỹ với chuyên ngành hóa trang tạo hình, nghệ sĩ hóa trang Thanh Ngọc cho biết: "Tôi đã đắn đo giữa việc chọn ở lại Mỹ để phát triển niềm đam mê của mình hay trở về nước để truyền đạt những gì mình học được cho các nghệ sĩ trẻ. Cuối cùng, tôi nhận ra đất nước cần mình hơn và tôi đã xách vali về Việt Nam".
Đam mê không điểm dừng
Trước đây, Thanh Ngọc là diễn viên cùng tham gia đóng phim với Trương Ngọc Ánh, Quyền Linh, Chi Bảo; diễn kịch tại sân khấu Kịch Hồng Vân… Sau đó, chị chọn lối rẽ riêng: hội họa. Đến năm 2006, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM mở khóa học hóa trang tạo hình đầu tiên, Thanh Ngọc tham gia và tốt nghiệp thủ khoa môn học này. Đó là lý do trường giữ chị lại để làm giảng viên môn hóa trang tạo hình đến nay.
Nghệ sĩ Thanh Ngọc và các nhân vật tạo hình của chị (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nhiều người thắc mắc Thanh Ngọc có ngoại hình bắt mắt, diễn xuất cũng có hạng nhưng tại sao chị không chọn ánh hào quang nghiệp diễn để theo đuổi mà lại chọn công việc thật sự chưa được coi trọng ở Việt Nam lúc bấy giờ? Thanh Ngọc tâm sự: "Trước đó, tôi học ngành này vì thấy phù hợp với ý thích của mình. Thế nhưng, khi đã dấn thân, nghệ thuật này trở thành hơi thở của cuộc sống, là niềm đam mê không có điểm dừng của tôi".
Dù biết rằng ở Việt Nam chưa coi trọng công việc hóa trang tạo hình, chỉ làm qua loa, ngay cả diễn viên cũng không coi trọng hóa trang đúng ngoại hình, tính cách nhân vật của họ vì sợ xấu, Thanh Ngọc vẫn tin tưởng: "Tương lai của nghệ sĩ hóa trang tạo hình rạng rỡ lắm. Nhưng làm gì thì cũng phải giỏi mới chinh phục được người khác, mới gặt hái thành công. Không thể đòi hỏi người khác ghi nhận mình nếu mình không thực sự làm giỏi. Chính vì vậy, tôi đã tự tìm đến lớp học nâng cao kỹ năng hóa trang tạo hình ở nước ngoài vì niềm đam mê với nghề và còn vì mang khát khao thay đổi nhận thức, tư duy của mọi người (ít nhất là với người trong giới) về công việc này".
Thanh Ngọc cũng nhận ra người Việt rất khéo tay, tỉ mỉ; nghệ sĩ Việt không thua kém thế giới, chỉ là chúng ta chưa có điều kiện và cơ hội để phát huy. "Thậm chí, nguyên vật liệu của mình cũng không phong phú, muốn làm gì chủ yếu tự chế là chính. Rào cản khách quan ấy ít nhiều cản trở sự phát triển của nghề. Nhưng tôi tin rằng với đam mê và quyết tâm của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện tại, chúng ta rồi sẽ đạt được những mục tiêu tốt hơn trong tương lai" - Thanh Ngọc bày tỏ.
Trách nhiệm truyền thụ
Thực tế, sân khấu ở Việt Nam gần đây không mấy chú trọng về khâu hóa trang tạo hình nhân vật, còn phim thì chưa coi trọng công việc này khi hình ảnh nhân vật không khác mấy so với người thật của diễn viên. Chẳng hạn, nhân vật là người đàn ông trung niên đã ngoài 50 mà gương mặt chưa đến tuổi 30, chỉ vuốt phẩm màu cho mái tóc có vài chỗ bạc là xong. Điều đó là một thất bại của phim Việt về độ chân thật.
Những người làm công việc hóa trang tạo hình trong các đoàn phim hiện nay chủ yếu là chuyên viên trang điểm chuyển sang. Theo Thanh Ngọc, thật ra, hóa trang và trang điểm hoàn toàn khác biệt. Trang điểm là giúp cho người khác đẹp hơn. Với hóa trang, không chỉ làm xấu - đẹp mà là biết tạo hình nhân vật, làm thay đổi diện mạo của diễn viên để phù hợp theo từng tính cách nhân vật; có thể biến một diễn viên trẻ thành người già, một gương mặt hiền lành thành kẻ dữ và ngược lại. Quan trọng nhất là phải làm cho người mẫu (diễn viên) thành nhân vật sống động trong tác phẩm (điện ảnh, phim truyền hình hay sân khấu).
Để làm được điều đó, đòi hỏi nghệ sĩ hóa trang tạo hình phải biết đủ các kỹ năng - từ hội họa, trang điểm, râu tóc, điêu khắc, nha khoa, phụ kiện đến cả trang phục. Sự hiểu biết sẽ giúp nghệ sĩ hóa trang tạo hình tạo nên tổng thể phù hợp. Một nghệ sĩ hóa trang tạo hình có thể trang điểm được nhưng một nghệ sĩ trang điểm không bao giờ có thể trở thành nghệ sĩ hóa trang được. Đó chính là sự khác biệt rất lớn nhưng nhiều người vẫn chưa phân biệt được.
"Khi đi Mỹ học thêm về công việc này, tôi mới biết rằng làm nghệ sĩ hóa trang tạo hình khó vô cùng. Nó không bao giờ đơn giản như mọi người thường nghĩ. Nhân vật được hóa trang thành công không chỉ thật mà còn phải là nhân vật "sống" - tức phải làm sao để khán giả thấy rằng nhân vật hóa trang ấy có một cuộc sống thật như chính họ. Nói về điều đó chỉ gói gọn trong vài từ nhưng nó là một hành trình vài tuần hay vài tháng để người làm chuẩn bị và thực hiện" - Thanh Ngọc giải thích.
Thanh Ngọc cho rằng nhiều người còn thiếu ý thức về tầm quan trọng của công việc hóa trang tạo hình trong mỗi chương trình, đoàn phim… Ở nước ngoài, người ta thường dành vài tháng để chuẩn bị cho nhân vật tạo hình nhưng ở Việt Nam, hôm trước bàn về nhân vật cần được tạo hình thì hôm sau đã phải bắt tay làm. Ngay cả việc chuẩn bị cũng bỏ qua thì làm sao có được những nhân vật tạo hình hay được. Sự chăm chút kỹ lưỡng hay hời hợt luôn mang đến những kết quả tương ứng.
"Tôi đang tập trung cho việc mở trường đào tạo. Nhiều bạn trẻ hứng thú với công việc này lắm, chỉ là họ chưa được hướng dẫn đi đúng hướng mà thôi. Được đào tạo để thành một giảng viên, tôi có trách nhiệm phải làm điều đó. Không thể nói trước mình có thể làm được gì, làm tới đâu nhưng chắc chắn tôi sẽ mang tất cả những gì mình được học truyền lại cho thế hệ trẻ, như cách tôi đã được thầy Trịnh Xuân Chính hướng dẫn, truyền đạt trước đây" - Thanh Ngọc bày tỏ.
Tham gia hóa trang cho phim "King Kong: Skull island"
Nghệ sĩ hóa trang Thanh Ngọc hiện là giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Chị là chuyên gia hóa trang của nhiều game show truyền hình, trong đó có "Gương mặt thân quen" - một chương trình mà thí sinh phải hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau trên thế giới.
Thanh Ngọc cũng là nghệ sĩ hóa trang tạo hình Việt Nam duy nhất tham gia phim "King Kong: Skull island" của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, khi thực hiện các cảnh quay ở tỉnh Quảng Bình. Chị đảm trách hóa trang cho các diễn viên Việt Nam thành thổ dân trong phim. Thành tích lớn nhất của Thanh Ngọc là giành được giải nhất cuộc thi hóa trang tại Hàn Quốc năm 2017.
Bình luận (0)