NS Hồng Nga với hai sắc thái ngày tết trên sàn diễn, khi thì tươi trẻ trong các vai duyên dáng, khi thì hung dữ, đanh đá với các vai tính cách
Là nghệ sĩ sống tình cảm, trước Tết là khoảng thời gian NS Hồng Nga đến thăm các nghệ sĩ lão thành tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM.
"Cả năm đi hát, dành dụm được chút ít thì mang đến ngôi nhà chung của nghệ sĩ về chiều để tri ân. Có những show diễn tại Mỹ, Pháp, Úc - các quốc gia có đông kiều bào sinh sống, bà con nhờ tôi cầm tiền mừng tuổi về gửi đến tận tay các nghệ sĩ lão thành. Vui và xúc động khi gặp nhau giữa nghệ sĩ là thấy không khí của ngày Tết" – NS Hồng Nga xúc động kể.
Ngày Tết được quây quần bên con cháu là niềm hạnh phúc của NS Hồng Nga
Bà đã dành trọn vẹn niềm thương nhớ gửi đến những nghệ sĩ đồng nghiệp quá cố khi đến tảo mộ tại Chùa Nghệ sĩ. Rồi bà lái xe đến Chùa Thanh Sơn bên kia cầu Rạch Miễu để thắp hương nhớ đến nữ nghệ sĩ mà bà thương mến, đó là NS Kim Ngọc.
Hơn 55 năm gắn bó với sân khấu cải lương và kịch nói, tên tuổi NS Hồng Nga được bảo chứng với hàng trăm vai diễn xuất sắc. Sức hút của bà đã từng là tên bán vé của một live show mà diễn viên chính đã 72 tuổi.
Năm nay bước vào tuổi 74, bà nói: "Phải thực hiện một đêm live show sau Tết Nguyên Đán Canh Tý. Cứ nghĩ chuột tha lâu đầy tổ, tôi không phải tuổi Tý, nhưng rất thích tha mồi, góp nhặt, để cứ mỗi lần đầy kho thì đem ra biếu khán giả" – bà trào phúng bằng một nụ cười giòn.
"Mồi" mà bà đề cập chính là những chất liệu trong cuộc sống, cứ thấm vào làn hơi mộc mạc, ngọt ngào của bà khi ca vọng cổ nên ở tuổi 74 hiếm có nghệ sĩ cải lương nào dám đứng trụ một live show 3 giờ.
Ngày tết với bài vọng cổ "Xuân đất khách" của soạn giả Viễn Châu
"Duy nhất chỉ có Hồng Nga, dám khóc cười với khán giả suốt 3 giờ trong live show 2018. Sân khấu Kịch Sài Gòn suốt 12 năm hoạt động vừa qua có Hồng Nga thì lúc nào cũng đông khán giả" - NSND Kim Cương kể.
Có lần Kim Cương hỏi vì sao không làm thủ tục xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, trong khi quá trình làm nghề của Hồng Nga đã hơn 55 năm thì Hồng Nga cười kể cách đây 25 năm, bà có làm hồ sơ xét duyệt danh hiệu NSƯT nhưng rồi bị loại nên buồn quá không làm thủ tục nữa. Bây giờ đã là nghệ sĩ thâm niên rồi, có danh hiệu ưu tú hay không thì vẫn phải bôn ba tự nuôi sống bản thân và gia đình.
74 tuổi vẫn xuôi ngược với xe gắn máy
Bà dành những ngày cận Tết để đi thăm những đồng nghiệp ở các tỉnh. "Du xuân về miền tây mùa này kẹt xe nhưng nhìn không khí công nhân về quê ăn tết vui lắm. Tôi cũng hưởng trọn niềm vui với họ khi xuôi về miền đồng bằng từ 23 tháng Chạp hằng năm để thăm soạn giả Kiên Giang, Trọng Nguyễn khi hai ông còn sống. Nhớ hoài cái bắt tay ấm nồng của hai ông là bậc thầy trong sáng tác. Năm nay thì viếng mộ hai ông, tôi ca bài "Xuân đất khách" như những lời tri âm gửi đến người đã trao gửi thương yêu cho đời. Rồi về TP đúng ngày giỗ của thầy tôi – soạn giả NSND Viễn Châu" – bà xúc động nói.
NS Hồng Nga thường nói: "Tổ nghiệp thương nên 74 tuổi vẫn còn tươi lắm"
Tết đối với nghệ sĩ Hồng Nga là sự chia sẻ, để "Tết gặp nhau, gặp nhau Tết" với bà ý nghĩa hơn và da diết tình nghệ sĩ.
* Bà dự đoán điều gì về sân khấu cải lương những năm 2020?
- NS Hồng Nga: Sàn diễn phải thổi được làn gió mới, kỳ vọng về sự xuất hiện của những diễn viên trẻ đã từng đoạt giải Mai Vàng do bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn. Tôi cũng đã từng đoạt giải năm 1997 với vai bà Bảy trong vở cải lương "Bến phà kỷ niệm" – một nhân vật của thời đại.
Năm 2020, mùa thi mới của giải HCV Trần Hữu Trang sẽ là cơ hội để thế hệ trẻ đến với sân khấu cải lương bắt được nhịp sống và đáp ứng được nhu cầu đổi mới ở người xem. Tôi chịu sự mở rộng phạm vi tổ chức giải Trần Hữu Trang, vì rất nhiều nghệ sĩ tài danh của cải lương như: Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Cảnh, Diệu Hiền... đều sinh thành từ miệt đồng bằng và sự gắn bó giữa TP HCM với đồng bằng Nam bộ đã từng là một thực tế để phát triển bộ môn cải lương.
Do vậy, việc chọn lựa nhân tố mới cho cải lương từ nơi nó đã từng xuất phát hứa hẹn cho sự phát triển của sân khấu năm 2020 nhưng chỉ với một điều kiện: các gương mặt đoạt giải HCV không thể bỏ chiếc nôi của mình mà đầu quân về TP, giống như khi người ta bứng hoa nơi khác đem về cắm trong chậu kiểng ngày Tết, sau 10 mùng nó tàn úa vì rể không sâu. Do đó, tôi nghĩ nhà nước cần phải quy hoạch lực lượng này, không để họ trôi nổi mưu sinh rồi làm rơi rụng mất đi niềm tin làm nghề đúng nghĩa.
NS Hồng Nga san sẻ quà Tết cho trẻ em mồ côi, bệnh tật
• Còn điều trăn trở của sân khấu kịch? Năm qua game hài nhảm xuất hiện nhiều, một số chương trình không còn sức hấp dẫn; sân khấu hài cũng ít có vở chất lượng. Bà nghĩ gì về hệ lụy này?
- Kịch bản yếu là do "tác thật" thì ít mà "tác giả" thì nhiều. Ví von nói lên tâm trạng đau đáu kiếm tìm những kịch bản phản ảnh đúng suy nghĩ của con người trong cuộc sống mới. Không thể câu chuyện kịch chỉ là cái cớ để diễn viên hài quậy, quơ quào tiếng cười.
Đừng để khán giả cười đấy nhưng rời khỏi rạp không đọng lại điều gì trong lòng. Vậy là nhiệm vụ gửi gắm những thông điệp tốt đẹp về lối sống, đạo đức mang tính giáo dục của sân khấu kịch bị xem. Hạn chế tổ chức trại sáng tác nữa, muốn sàn kịch lúc nào cũng Tết, tác giả phải tìm chất liệu cuộc sống mang hơi thở của xã hội đang phát triển.
Bình luận (0)