Nghệ sĩ Kiều Oanh và con gái
Vốn là sinh viên Khoa Cải lương mà nay mang tên Khoa Diễn viên Kịch hát dân tộc, nghệ sĩ Kiều Oanh đã về thăm trường cũ, cùng ôn kỷ niệm với thầy cô. Từ khi hoàn thành thiên chức làm mẹ với đứa con gái thứ hai, cô cho biết sẽ xuất hiện trở lại với hàng loạt chương trình sân khấu và truyền hình.
"Tôi nhớ khán giả và mong hội ngộ một ngày gần đây. Từ hôm nay, tôi và ông xã sẽ lên đường lưu diễn tại miền Tây, sau đó lên Lâm Đồng. Mùa này về miền tây đúng lễ hội Ok Om Bok thật vui. Tuy nhiên, đi diễn xa con gái, vợ chồng tôi lại thấy nhớ" - Kiều Oanh tâm sự.
Cách đây không lâu, thực hiện lời hứa với Hội Sân khấu TP HCM, nghệ sĩ Kiều Oanh đã giới thiệu với khán giả chương trình live show mini mang chủ đề "Ước vọng" do đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc dàn dựng tại rạp Công Nhân nhằm gây quỹ ủng hộ nghệ sĩ nghèo, neo đơn, tàn tật. Toàn bộ doanh thu live show được trao tặng cho quỹ "Vòng tay nghệ sĩ".
Nghệ sĩ Kiều Oạnh gặp lại các thầy cô và đồng nghiệp trong ngày họp mặt Khoa Diễn viên kịch hát dân tộc
"Lần tái ngộ khán giả này, tôi mong sẽ tìm được kịch bản cải lương hay để dàn dựng. Vợ chồng tôi thích được diễn cải lương, muốn được góp phần chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương" – Kiều Oanh chia sẻ.
Xuất thân từ Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM), ngay từ ngày còn trên ghế nhà trường, Kiều Oanh đã được chọn đóng những vai đào lẵng.
Nghệ sĩ Kiều Oanh, NSƯT Hoàng Nhất và NSƯT Thanh Vy trong vở "Chồng ơi, đừng khóc"
Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: "Kiều Oanh có năng khiếu diễn hài với những vai đào lẵng từ lúc còn là sinh viên năm thứ nhất. Có giao vai bi kịch diễn một lúc cũng phát hiện cái nét hài. Như là định mệnh vận vào duyên số khiến Kiều Oanh phải gắn với hài".
Năm 1990 tốt nghiệp với vai Cám trong vở "Tấm Cám" (đạo diễn Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn), Kiều Oanh nổi tiếng với nét diễn đanh đá, đến nỗi ra phố một dạo khán giả gọi cô là Cám.
Sau nhiều chặng đường bôn ba tìm chỗ đứng, năm 1991, Kiều Oanh về công tác tại Đoàn Ca nhạc nhẹ tháng Tám, nay là Trung tâm Ca nhạc nhẹ Sài Gòn, lúc đầu xuất hiện với vai trò MC, có khi ra sân khấu hát tốp ca, hợp ca.
May mắn đã mỉm cười khi cô được giới thiệu tham gia với đoàn làm phim "Đất phương Nam", được giao vai cô đào Năm Xuân thật ấn tượng.
Khi đầu quân về Nhà hát kịch TP HCM và Sân khấu Kịch Sài Gòn, Kiều Oanh đã chọn cho mình một hướng đi mới. Cô đã tạm thời rời xa sân khấu tấu hài để về lại với những vai kịch trên sân khấu chuyên nghiệp.
Kiều Oanh tâm sự: "Thầy tôi, Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn và NSƯT Trần Minh Ngọc, từng dạy làm nghệ thuật phải biết nghiêm khắc với bản thân. Tôi là con người của ước vọng, lúc nào cũng muốn vươn lên". Quả nhiên so với nhiều bạn diễn cùng khóa, Kiều Oanh đã chọn đúng con đường để bước tới dù chông gai không ít nhưng may mắn đã cho cô đạt nhiều thành quả.
Sinh ra ở Châu Đốc – An Giang, năm 16 tuổi, Kiều Oanh đã một mình lên TP HCM thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2. "Nhà tôi đông miệng ăn nên đời ba má tảo tần, gian khổ. Nhớ năm vừa thi đậu lớp diễn viên cải lương Trường Nghệ thuật sân khấu 2, lúc tôi về thăm quê, má tôi đã bán con heo nuôi trong nhà, cho tôi đúng 100 đồng rồi dặn: "Ba má không giàu có để lo đủ cho con những vật chất cần thiết trong việc học. Nên một mình ở Sài Gòn con phải biết tằn tiện. Ráng mà học tập để không tủi thân ba má". Cầm số tiền trong tay tôi mắt ròng vì tình thương của má to lớn quá. Nhiều lúc tôi nghĩ chữ hiếu của mình chưa tròn khi ngày gặt hái khá nhiều thành quả thì ba má đều đã qua đời" – NS Kiều Oanh khóc khi kể về quá khứ nghèo khó của gia đình.
"Bây giờ tôi có gia đình hạnh phúc với người chồng cùng làm nghề diễn viên nên dễ thông cảm chia sẻ những khó khăn. Hai cô con gái chính là niềm hạnh phúc lớn của mái ấm gia đình tôi. Khi hậu phương đã vững chắc, tôi nguyện gắn bó với nghệ thuật với những nỗ lực không ngừng" – nghệ sĩ Kiều Oanh nói.
Nghệ sĩ Kiều Oanh giữ được vóc dáng thon thả sau khi sanh
Nhìn lại con đường nghệ sĩ Kiều Oanh đã qua, từ giải Diễn viên Tài năng do Tạp chí "Sân khấu Trung ương" trao tặng năm 1995, đến nay cô vẫn luôn tìm tòi cách diễn mới.
Cơ hội làm chương trình từ thiện đã cho cô một cuộc trở về với sân khấu cải lương qua các trích đoạn: "Ngai vàng và tội ác" (cùng diễn với NSƯT Kim Tử Long), "Trai tài gái sắc" (cùng diễn với NS Anh Vũ), "Đêm màu hồng" (cùng diễn với danh hài Bảo Quốc, Vũ Thanh, Hữu Nghĩa, Tiểu Bảo Quốc, Bảo Khương, Anh Tuấn, Đăng Lưu, Ngọc Thanh, Loan Thanh…).
Trong đó, dấu ấn đậm nét chính là vở cải lương hài "Chồng ơi, đừng khóc" gặt hái được thành công khi cô và chồng - NSƯT Hoàng Nhất tạo được tình cảm đối với khán giả yêu cải lương hài.
Bình luận (0)