Có được ngày nghỉ, chị hẹn đi cà phê. Hiếm lắm mới có một buổi ngồi nhâm nhi tách cà phê cùng chị, nghe chị tâm sự chuyện đời, chuyện nghề. Chị thường nói cuộc sống là một bộ sách vô số chữ, mỗi tâm hồn có cách đọc riêng, chị đã giải mã đời mình lắm thăng trầm dâu bể kể từ khi gắn với nghiệp diễn viên. Dù thế nào chị cũng không ân hận khi khép quyển sách đời mình lại, bởi chị "đọc" nó bằng niềm đam mê.
Bị tổ phạt vì bỏ nghề theo tình?
Bước chân vào quán có khán giả gọi "Tào Thị", "Tào Thị", chị gật đầu cười chào rồi bắt đầu câu chuyện từ nhân vật khiến chị "chết tên" trong nghề diễn viên. "Đó là vai diễn đầu tiên trên phim nhựa "Phạm Công - Cúc Hoa". "Thời đó, phim này nổi đình nổi đám lắm nên tôi cũng được hưởng lây, mặc dù vai diễn phản diện, bị nhiều khán giả ghét" - nghệ sĩ Phương Dung kể. Chị cho biết đời làm diễn viên của mình chỉ được 2 lần đóng phim nhựa (phim điện ảnh), phim "Phạm Công - Cúc Hoa" và "Trai nhảy". "Chờ mãi mà không thấy ai mời, có lẽ mình chưa đủ duyên" - chị tự an ủi.
Nghệ sĩ Phương Dung Ảnh: DUNG NGUYỄN
Ngẫm lại đời mình, chị thấy hình như tổ nghiệp phạt tội chị thì phải. Đi trước nhưng đến muộn so với nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa. "Thời mới biết yêu, đó là lúc đang học năm thứ hai Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM - PV) khóa 5, cùng khóa với diễn viên Quang Minh, Công Hậu, Bích Ngọc, Quang Kiệt, Phương Quỳnh… Tôi may mắn được NSND Kim Cương tuyển về đoàn kịch nói của bà. Thời đó, tôi được thầy là NSƯT Thành Trí giao cho một vai diễn nổi cộm trong vở kịch "Cơn bão cuối cùng", mấy ai chưa ra trường mà có cơ hội như tôi, tên tuổi nhanh chóng được chú ý trên Sân khấu Kịch nói Kim Cương. Ngay bạn bè đồng nghiệp cũng ghen tị vì tôi quá may mắn. Vậy mà chỉ diễn được 2 năm, tôi đã bỏ đoàn chạy theo tiếng gọi tình yêu. Lúc đó, tôi yêu một nghệ sĩ trong đoàn kịch, cô Kim Cương biết được đã nhiều lần khuyên nhủ tôi hãy dồn hết tâm trí cho sự nghiệp nhưng tôi không nghe, quyết định nghỉ đoàn để được sống trọn vẹn với tình yêu. Nhưng rồi tôi đau đớn khi thực tế quá phũ phàng. Không bao lâu sau đó, chúng tôi chia tay. Tôi không còn mặt mũi nào quay trở lại đoàn kịch nơi tôi rất yêu quý" - chị ngậm ngùi kể.
Vậy là con đường sự nghiệp của chị tưởng chừng hanh thông ngay từ đầu lại bế tắc. Chị cho biết trong thời gian bỏ nghề, chị làm đủ công việc để sinh sống, bán bánh cuốn là công việc lâu nhất. "Cứ đêm tới, nhớ sân khấu là lấy đồ hóa trang ra ngồi vẽ mặt, rồi nhìn ngắm mình trong gương, sau đó lau nước mắt. Mãi một năm sau, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu tìm đến rủ đi diễn tấu hài, mỗi suất diễn được thù lao 15.000 đồng. Trong nhóm có nghệ sĩ Phi Phụng, hai chị em kết thân nhau từ đó. Có những suất diễn anh Lê Vũ Cầu quên trả tiền thù lao nhưng không dám nhắc vì tính ảnh cộc lắm, cứ nghĩ chắc anh chờ đến cuối tháng rồi sẽ thanh toán nhưng ảnh quên thiệt. Hai chị em nhìn nhau cười" - nghệ sĩ Phương Dung nhớ lại.
Sau này khi sang nhóm hài Hữu Phước, chị may mắn được nghệ sĩ Phước Sang mời về Kịch Sài Gòn, chuyên đóng vai phụ có thoại. Phần nhiều là các vai quần chúng nhưng cũng vui vì không khí làm nghề thời đó ai nấy đều chú trọng cho vai diễn, dù chỉ là vai nhỏ cũng được quan tâm. "Hễ hết vai, tôi chạy qua các tụ điểm cùng Hữu Phước diễn tấu hài. Thời đó các tiểu phẩm: "Tình quê", "Ngọc Hoàng xử án quan tham", "Tội phạm nguy hiểm"…của nhóm hài chúng tôi gây hiệu ứng rất tốt. Năm 2007, tôi và Hữu Phước lần đầu tiên sang Mỹ diễn phục vụ cho kiều bào, vai anh chàng sứt môi của Hữu Phước có duyên lắm nên chúng tôi diễn rất thành công. Trong nhóm còn có nghệ sĩ Thanh Hoài, chúng tôi đi diễn khắp các bang có người Việt sinh sống, nghiệp diễn của tôi từ đó rẽ sang một hướng mới. Tôi gặp người thương mình, lấy chồng và rồi không bao lâu lại chia tay. Đúng là cái số lận đận" - chị kể mà mắt ngấn lệ.
"Thánh bào"… sô
Chị nói 3 lần mình chớp được cơ hội làm nghề đều nhờ tình thầy trò, bạn bè giúp đỡ. Vai đầu đời của chị là do thầy chủ nhiệm đồng thời dạy bộ môn kỹ thuật biểu diễn là NSƯT Thành Trí giao cho trong vở "Cơn bão cuối cùng" của Đoàn Kịch nói Kim Cương. Vai diễn chị đoạt huy chương bạc đầu tiên tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2008 là bà Dung trong vở "Trai nhảy" của Kịch Sài Gòn do thầy Đoàn Bá giao cho. Còn cơ hội giúp chị gắn bó với Sân khấu IDECAF là khi được người bạn thân - NSƯT Hữu Châu - mời diễn trong vở kịch đầu tay của anh: "Vùng đất cấm" để từ đó có hàng loạt vai tính cách trong các vở: "Con Cám, con Tấm", "Tía ơi má dzề", "Bông hồng cài áo", "Hồn Trương Ba", "Tứ đại mỹ nhân", "Bởi vì ta yêu nhau"… trên sân khấu này.
"Bạn bè đồng nghiệp gọi tôi là "thánh bào sô". Vai nào, việc gì gắn tới nghề diễn tôi cũng không từ chối. Có những tiểu phẩm quay 10 phút được trả thù lao 500.000 đồng, tôi cũng tham gia. Bây giờ thu nhập mỗi tháng cộng lại hơn 50 triệu đồng. Mừng lắm, đã qua rồi thời khổ cực" - nghệ sĩ Phương Dung phấn khởi.
Chịu đầu tư cho mỗi vai diễn và cách tiếp cận nhân vật của chị có phần khác hơn các bạn diễn nên vai nào chị cũng được khán giả thích vì cái duyên sân khấu của mình. Thành công trên sân khấu kịch, chị liên tục được mời đóng phim truyền hình. Những vai diễn bà mẹ với nhiều tính cách khác nhau đã được chị khắc họa sinh động qua các phim: "Kẻ đào mộ", "Trần Trung kỳ án", "Ở rể", "Bao la tình mẹ"…
"Gọi là hoa nở muộn vì tôi cứ nghĩ chắc sự nghiệp mình chỉ đóng vai quần chúng có thoại. Có một lần diễn Tết, thấy tủi thân nên ngồi khóc một mình ở một góc trong hậu trường Sân khấu Kịch Sài Gòn. Mỗi mùng thời đó diễn 4 suất nhưng tôi chỉ được có vai trong một vở suất 21 giờ, còn lại thì cứ ngồi đó chờ. Ngày xuân cứ trôi qua, tuổi xuân của mình cũng trôi qua. Không thể về nhà bán bánh cuốn vì đã lỡ vướng nghiệp diễn rồi. Bây giờ, tôi và chị Phi Phụng được đồng nghiệp gọi vui là hai cô đào "chớm nở". Hai chị em có sô diễn đều đều, hễ vai tính cách, không nhất thiết là vai chính, đạo diễn đều nhớ đến chị em tôi" - nghệ sĩ Phương Dung bộc bạch.
Dù có biệt danh "thánh bào sô" nhưng chị cho biết mình hạn chế nhận lời tham gia game show. "Có những thứ không hợp với tuổi của mình thì từ chối" - nghệ sĩ Phương Dung thẳng thắn.
Nguyện ước cháy bỏng
Về đường tình duyên, nghệ sĩ Phương Dung cho biết cũng trắc trở không kém đường nghề. Nhưng cũng "tiền hung hậu kiết". "Sau này, tôi gặp một người thương, chắp nối thành vợ chồng, anh ấy cũng đã có gia đình, có con riêng. Tôi cảm thấy hạnh phúc là đủ. Lớn tuổi không sinh được con, tôi nhận con của em gái làm con nuôi, cháu ngoan lắm, dễ thương cực kỳ. Mình không thể sinh con thì nuôi cháu, hài lòng với những gì đang có. Nguyện ước cuối cùng là từ năm 2008 đến nay chưa được đóng phim nhựa nào. Biết đâu có vai hợp, đạo diễn sẽ mời" - chị ao ước.
Bình luận (0)