Ca sĩ Ý Lan và mẹ - nữ danh ca Thái Thanh
NSND Kim Cương kể bà từng sang Mỹ du lịch, có dịp đã được đến nhà ca sĩ Ý Lan dùng cơm với nghệ sĩ Thái Thanh. Cả hai đã quý mến nhau từ khi bà Thái Thanh chưa sang Mỹ định cư năm 1985.
Theo NSND Kim Cương, Thái Thanh sống rất chân tình, giản dị. Vốn là con nhà nòi âm nhạc, chị gái là ca sĩ Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, con gái là ca sĩ Ý Lan, cả nhà bà đều gắn bó với âm nhạc. "Hay tin chị mất, tôi rất xúc động. Một huyền thoại âm nhạc đã ra đi để lại bao tiếc thương" - NSND Kim Cương nói.
Từ hồi nhỏ, NSƯT ca sĩ Hồng Vân đã mê ban hợp ca Thăng Long, tiếng hát của Thái Thanh cao vút, dạt dào tình cảm.
"Cô sinh ra là để hát, để trao truyền tình yêu âm nhạc đến biết bao con tim say đắm vì nhạc, thơ. Khi bước vào nghề, đi hát gặp cô, chúng tôi vui lắm, cứ vây quanh cô để được nghe cô kể chuyện, dặn dò. Cô là biểu tượng của sự tôn kính thế hệ tiền bối, dạy cho chúng tôi hiểu hơn về nhân cách, đạo đức làm nghệ thuật. Sau này được xem qua mạng xã hội, hình ảnh cô dù tóc đã chuyển màu trắng cước vẫn chẳng hề bị chìm giữa những nghệ sĩ nổi tiếng trong đại gia đình mình, vẫn hát thật hay và đầy ấn tượng của đêm vinh danh cô tổ chức tại Canada. Vĩnh biệt cô Thái Thanh thương yêu của thế hệ ca sĩ chúng con" - ca sĩ Hồng Vân nghẹn ngào nói.
Nữ danh ca Thái Thanh
Ca sĩ Lan Ngọc xúc động khi nghe tin thần tượng qua đời. "Cô có biệt tài "hát phiêu" với những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy. Có những nhạc phẩm của ông, cô tự ý đổi ca từ khi lên sân khấu nhưng nhạc sĩ Phạm Duy phải công nhận điều đó làm cho bản nhạc của ông bỗng mang một chút "duyên lạ". Tôi thích nghe cô hát, xem cô là thần tượng qua các nhạc phẩm như: "Cho nhau", "Nghìn trùng xa cách", "Thiên thai", "Áo anh sứt chỉ đường tà", "Suối mơ"… Vĩnh biệt cô" - Lan Ngọc chia sẻ.
Về gia đình nữ danh ca Thái Thanh, nhạc sĩ Mạc Thế Nhân cho hay đó là gia đình nòi âm nhạc ở Hà thành xưa. Song thân của danh ca Thái Thanh đều là những người rất sành nhạc cổ. Thân phụ của bà vốn chơi đàn nguyệt, còn thân mẫu chơi đàn tranh và đàn tỳ bà hay có tiếng ở đất Bắc. Tất cả anh em của Thái Thanh đều thẩm thấu dòng máu nghệ sĩ từ nhỏ.
Mạc Thế Nhân đã nhiều lần gặp Thái Thanh, lúc thì nghe hát, lúc thì nghe bà kể chuyện tuổi thơ sống ở quê ngoại Sơn Tây, quê nội Hà Nội. Thái Thanh sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Năm 1946, 12 tuổi, bà đã được cha mẹ đưa theo cùng các anh chị lên Sơn Tây tản cư. Nhà mở một quán phở đặt tên là Thăng Long.
Tại quán Thăng Long này, các văn nghệ sĩ kháng chiến thường dừng chân, ăn phở và nghe nhạc. Chị em nhạc sĩ Phạm Đình Chương (nghệ danh Hoài Bắc), Phạm Thị Quang Thái (nghệ danh Thái Hằng) và chị là Phạm Thị Băng Thanh (nghệ danh Thái Thanh) thường biểu diễn ngay tại quán Thăng Long. Khách đến rất vui vì được thưởng thức văn nghệ.
Nữ danh ca Thái Thanh trong đêm vinh danh bà tổ chức tại Canada
Nhạc sĩ Mạc Thế Nhân còn nhớ đến đầu năm 1949, anh chị em Thăng Long gia nhập các ban văn nghệ quân đội của liên khu IV. Quán Thăng Long dời về chợ Neo (Thanh Hóa). Tại đây, ca sĩ Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy và sinh thêm những tài năng mới. Đó là ca sĩ Duy Quang - con đầu lòng sinh năm 1951, và tiếp theo là các con Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo.
Danh ca Thái Thanh và ban nhạc Thăng Long
Nữ ca sĩ Ý Lan luôn coi mẹ là thần tượng trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp âm nhạc. Cô tâm sự: "Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi làm mẹ. Tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho tôi là niềm hạnh phúc và cả sự may mắn vô bờ bến".
Bình luận (0)