xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ Trung Dân: Không cười bông phèng

HOÀNG KIM

Ông nông dân đa đoan thế sự trong phong cách nghệ thuật, một nghệ sĩ đầy trách nhiệm công dân. Đó là Trung Dân

Trung Dân nổi tiếng là nghệ sĩ hài nhưng hình ảnh ông in đậm trong lòng khán giả chính là người nông dân miền Nam. Đặc biệt người nông dân này luôn đau đáu thời cuộc, suy tư về xã hội mà ông đang sống, chứ không cười bông phèng cho qua bữa.

Nông dân hóa bản thân

Cái giọng khàn khàn rất lạ của Trung Dân kết hợp với ngoại hình cũng lạ và nét diễn rặt nông dân trở thành "thương hiệu" riêng không lẫn vào đâu được.

Nghệ sĩ Trung Dân: Không cười bông phèng - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Trung Dân (phải) vai bác Ba Phi. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Không hiểu tại sao Trung Dân lại "nông dân hóa" bản thân như thế, trong khi ông xuất thân là một cậu ấm, ông bà nội ngoại hai bên cũng đều giàu có, hồi nhỏ ông đi học có xe đưa đón đàng hoàng. Ông cũng từng thi đậu Đại học Tổng hợp, Khoa Văn vì vốn mê môn văn và lịch sử, sau thấy thích học trường nghệ thuật sân khấu nên lại chuyển sang. Hình như không có chi tiết nào khiến Trung Dân trở thành một nông dân từ ngoại hình cho tới phong thái trăm phần trăm như thế. Giờ ra ngoài đường ông cũng thích mặc đồ bốn túi và đội cái nón y như mấy ông xứ ruộng thời xưa, còn lên sân khấu, lên phim thì cứ bộ đồ đó hoặc đồ bà ba mà quất tới. Giản dị, gần gũi, khỏe cái thân nữa, khỏi tính toán bộ này bộ kia cho mệt. Ông cười: "Chắc tại tui sanh ra ở Hóc Môn, chung quanh cũng ruộng vườn cây cối, cũng lội ruộng tắm sông chung với tụi nhỏ trong xóm nên sình bùn nó thấm vào mình, làm nông dân luôn không cần chọn lựa".

Nghệ sĩ Trung Dân: Không cười bông phèng - Ảnh 2.

Trung Dân và Thanh Thuỷ trong vở “Cậu Đồng” của Sân khấu kịch IDECAF Ảnh: HOÀNG KIM

Nhưng ông nông dân này không chỉ giỏi trồng cây, chăn nuôi, mà còn lo bao đồng đủ thứ chuyện đời. Xã hội xảy ra cái gì là ông bức xúc nói liền cái ấy. Nói trong tác phẩm, nói trong nhân vật. Nhân vật của ông "chọt" cay lắm! Kiểu "chọt" của Trung Dân tỉnh queo, nhưng nghe mà ớn luôn. Dĩ nhiên là cười, cười bể rạp, nhưng cười xong rồi thốn tận tim gan. Nhớ vai Ba Hòm trong vở "Tiếng vạc sành", một con buôn dễ sợ, mồm mép lanh lợi, tâm tánh xảo trá, xẹt ra câu nào là vỡ òa thế thái nhân sinh. Còn những ông nông dân trong chương trình "Trên vườn dưới ruộng" một thời nổi tiếng của Đài Truyền hình Bình Dương, hoặc trong các tiểu phẩm hài khác thì quất thẳng cánh những thói hư tật xấu ở đời. Quất mà gương mặt lạnh như tiền, không hiểu sao khán giả lại cười mới ngộ chứ! Ông già nào cũng khó chịu kinh khủng, cũng đào bới, moi móc, ăn thua đủ với cái xấu, quyết làm cho bằng được phương châm "thuốc đắng dã tật". Trung Dân nói: "Nghệ sĩ tụi tui góp phần xây dựng cuộc đời bằng chính nghề nghiệp của mình. Làm bậy là hại đời. Đứng trên sàn diễn là phải ý thức nhiệm vụ của mình. Đành rằng là giải trí, nhưng giải trí kiểu nào mà làm hư hoặc làm tốt con người ta, nghệ sĩ phải biết chọn lựa chứ không thể nói chỉ mua vui vài trống canh".

Ông còn lên YouTube để bày tỏ chính kiến. Chuyện đường lưỡi bò, Trung Dân nói liền một mạch về lịch sử, địa lý và phản đối quyết liệt. Ông nghiên cứu rất kỹ và thuộc lòng còn hơn thuộc thoại để diễn. Có những chuyện ông viết thành truyện ngắn, để lưu lại ký ức. Ông nói: "Quá nhiều nỗi niềm không biết nói cùng ai, thôi thì nói cùng trang giấy, coi như được xả ra, đỡ dồn nén". Thỉnh thoảng Trung Dân gọi điện cho tôi, xả một hơi những bức xúc, và ông kể lại nội dung câu chuyện đang viết hoặc sắp viết bằng một lối kể cực kỳ hấp dẫn, bản thân câu chuyện vô cùng kịch tính, với những số phận và tình tiết khiến tôi muốn chảy nước mắt. Tôi khuyên Trung Dân nên in, ông nói chắc không ai duyệt chị ơi. Chỉ riêng truyện "Tiếng vạc sành" là ông chuyển thể thành kịch, biểu diễn trên sân khấu IDECAF, được dư luận khen ngợi. Những truyện khác nếu chuyển thể cũng hấp dẫn không thua kém nhưng ông nói do quá bận, chưa ngồi vào viết được. Chỉ viết truyện cho nhanh, vì sợ trôi mất khỏi trí nhớ và cảm xúc. Cảm xúc về những thân phận bắt gặp trên đường đời luôn khiến ông day dứt, phải chấp bút để mình đừng bị nổ tung. Vậy đó, một ông nông dân đa đoan thế sự, một nghệ sĩ đầy trách nhiệm công dân.

Nỗi buồn gameshow

Trung Dân khó tính cả ngoài đời lẫn trên sân khấu, phim ảnh. Cho nên ông nói: "Tui không có bạn thân. Chỉ là bạn trong công việc thôi. Hết việc là đi về nhà, tưới kiểng, đọc sách, uống trà. Khỏe". Những cách sống xô bồ, màu mè không hợp với ông. Mà ông thì hình như chả sợ gì cả, không ưa là cứ nói thẳng, mặc kệ mích lòng. Ông đang đóng vai bác Ba Phi trong chương trình dài hơi "Chuyện bác Ba Phi - xưa và nay" của Đài Truyền hình Cần Thơ và vai lão nông trong một gameshow có tên "Tui là nông dân Việt". Bác Ba Phi thì lên tiếng với thói hư tật xấu cuộc đời, còn gameshow kia thì hướng dẫn nhà nông những kiến thức bổ ích, là sân chơi cho người nông dân giữa lúc không có một nơi nào cho họ chơi. Trung Dân nói: "Gameshow tào lao thì có tài trợ ào ào, còn gameshow cho nông dân thì "trần ai khoai củ" mới có người cho tí tiền, không đủ đâu vào đâu. Ngay cả chương trình "Chuyện bác Ba Phi - xưa và nay" cũng trầy trật cả năm đầu, giờ mới gọi là tạm ổn. Xã hội mình nông dân chiếm đa số mà gần như họ bị bỏ mặc. Tui nằm đêm không ngủ, cứ buồn, cứ tức. Chúng ta đang phụ bạc người làm ra hạt lúa cho mình no lòng".

Lại đa đoan nữa rồi. Trung Dân gật đầu xác nhận mình không thể bỏ quên người nông dân. Ông hy vọng giới truyền thông lên tiếng để người ta quan tâm. Nếu không, ông sẽ còn… "nói nữa". Đúng như cái tên Trung Dân mà đời đã chọn… 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo