Nghệ sĩ Tú Trinh, Trương Minh Quốc Thái, Kim Hiền và Văn Ruy trước khi ra sân khấu tham gia vở "Con ma nhà họ Hứa"
Cùng với danh hài Bảo Quốc, tham gia vở điễn còn có các nghệ sĩ Trương Minh Quốc Thái, Trang Thanh Lan, Ngọc Đáng, Kim Hiền, Văn Ruy, Thúy Nga… Hai suất diễn vở "Con ma nhà họ Hứa" đã bán hết vé trước đó 2 tuần.
"Đây là tín hiệu vui đối với những nghệ sĩ đem kịch từ trong nước sang để cùng với khán giả kiều bào khóc cười cùng các nhân vật kịch mà họ yêu thích. "Con ma nhà họ Hứa" được chào đón vì câu chuyện xuất phát từ những lời đồn đãi, những huyền thoại xung quanh gia tộc giàu có của Sài Gòn - một nhà thầu xây dựng nổi tiếng giữa thế kỷ XX. Lời đồn đại về người con dâu trong gia đình bị bệnh cùi và những huyền thoại lan truyền khiến người ta quan tâm. Do vậy, khi quyết định dựng vở kịch này, khán giả kiều bào đều hưởng ứng nồng nhiệt" – nghệ sĩ Tú Trinh cho biết.
Nghệ sĩ Tú Trinh nhấn mạnh yếu tố khiến khán giả kiều bào yêu thích tác phẩm này chính là tính nhân văn sâu sắc. Tài năng diễn xuất của các diễn viên trẻ thông qua các vai kịch mà chị và danh hài Bảo Quốc cố gắng uốn nắn đã xóa dần sự hoài nghi về kịch thuần Việt tại hải ngoại khó có thể lay động người xem.
"Bà con kiều bào thích lắm nên đã yêu cầu ê-kíp thực hiện vở này nhanh chóng dàn dựng thêm nhiều vở kịch thuần Việt hay. Chúng tôi sẽ thực hiện vở kịch tiếp theo mang tên "Ngọn cỏ gió đùa" do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc sáng tác" – nghệ sĩ Tú Trinh chia sẻ.
Các nghệ sĩ Văn Ruy, Thúy Nga và danh hài Bảo Quốc
Có thể nói, sau hàng loạt vở kịch được các sân khấu trong nước mang sang Mỹ lưu diễn như: "Tía ơi, má dìa", "Dạ cổ hoài lang", "Hợp đồng mãnh thú", "Kỹ nghệ lấy tây"…, khán giả kiều bào đã yêu thích những vở diễn thuần Việt.
Thành công của vở "Con ma nhà họ Hứa" tại Mỹ, qua sự tham gia của nghệ sĩ Tú Trinh, thêm một lần nữa khẳng định kịch nói khá hiệu ứng với cộng đồng người Việt xa xứ. Điều này đã thu hút nhiều sân khấu kịch trong nước tìm đến miền Nam California – Mỹ để khảo sát thị trường. Vừa qua, Nhà hát Thế Giới Trẻ với nhóm diễn viên do đạo diễn Ngọc Hùng dẫn đầu đã có nhiều suất diễn tại Mỹ. Tuy nhiên, anh chưa đưa kịch dài đến Mỹ mà chỉ thăm dò với những tiểu phẩm, kịch ngắn.
"Việc đưa kịch dài sang Mỹ phải hội đủ các yếu tố chuyên nghiệp. Tức phải có đủ ê-kíp để tập dợt và công diễn một cách hiệu quả. Điều này vẫn còn là dự án đối với Nhà hát Thế Giới Trẻ" – đạo diễn Ngọc Hùng cho biết.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tiết lộ: "Để có được những suất diễn đạt hiệu quả như "Hợp đồng mãnh thú" và "Dạ cổ hoài lang", "Tía ơi, má dìa", chúng tôi đã phải chuẩn bị diễn với đúng ê-kíp. Sự phối hợp nhuần nhuyễn trong tập dợt mới đủ sức mang lại cảm xúc thăng hoa cùng khán giả kiều bào. Phần lớn khán giả về Việt Nam thăm thân nhân đều đã đến xem kịch IDECAF và khi chúng tôi sang Mỹ diễn, họ chính là kênh thông tin, quảng bá để bạn bè, người thân đến xem. Do vậy nếu xem nhẹ việc đầu tư cho đúng tầm, đạt chất lượng và sự nghiêm túc trong diễn xuất, sẽ phụ lòng khán giả và dập tắt nhu cầu đang có thật của việc thích xem kịch dài từ trong nước mang sang".
NSƯT Thành Lộc thì cho rằng từ đạo cụ, cảnh trí, âm nhạc, ánh sáng, đều phải đảm bảo đúng với yêu cầu của vở diễn để khán giả kiều bào thật sự thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.
"Một số vở kịch làm ăn cẩu thả, dàn dựng ẩu đã gây ảnh hưởng xấu đối với nhu cầu được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh của kiều bào. Theo tôi, để khán giả kiều bào thật sự đắm mình trong không gian thuần Việt của những vở kịch mang tính nghệ thuật nghiêm túc thì khi xuất hiện, vai diễn của nghệ sĩ phải thực sự thăng hoa" – NS Tú Trinh nhìn nhận.
Bình luận (0)