.Phóng viên: Nghe ông thường ngân nga 2 câu thơ: "Buồn trong câu hát ngân nga/ Cớ sao vọng cổ lại pha tiếng cười?". Nó có nghĩa gì đối với ông?
Vợ chồng nghệ sĩ Văn Hường hạnh phúc bên nhau. Ảnh: THANH HIỆP
- Nghệ sĩ VĂN HƯỜNG: Tôi phục thầy Viễn Châu, ông viết 2 câu thơ đó khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Vọng cổ đã buồn lại pha thêm tiếng cười chua chát, nó là bài học triết lý sâu xa cho người đời, trong đó có tôi.
.Ôm mối sầu muôn thuở Bài học triết lý của ông là gì?
- Đời người chất chứa nhiều thứ cũng giống như một đầm lầy. Nhưng đầm lầy cũng có đầy đủ vẻ đẹp của nó. Cuộc đời nghệ sĩ có nhiều khoảnh khắc vô cùng khó khăn, tưởng chừng như sẽ gục ngã nhưng nếu vào giây phút ấy, bạn vẫn tồn tại, vẫn có thể đứng dậy, bạn sẽ cảm nhận rõ về ý nghĩa của cuộc đời. Tôi trọng cái cách mình thoát ra khỏi "đầm lầy" của chính mình.
.Ông có ân hận điều gì mỗi khi nghĩ về đời mình?
- Làm bầu gánh hát. Nhìn lại quá trình phát triển của sân khấu cải lương để thấy hầu hết đào kép chánh khi đã có tiền, có danh thì đều muốn có quyền. Đời mà, tôi cũng khoái làm bầu sô, để rồi ôm mối sầu muôn thuở. Tiền vào ban đầu cũng ham nhưng rồi tiền ra đã khiến những con số nhảy "lô tô" trong đầu, ra sân khấu diễn không hồn vía gì hết. Sau này, tôi gặp nghệ sĩ Phượng Liên, cô đào không ham làm bầu này, chỉ nói một câu khiến tôi phải phục: "Ra sân khấu để hát, chứ không phải để đếm khán giả". Mà thiệt, làm bầu sô là nhìn khán giả đông thì ham, còn thưa thì buồn vì phải bù lỗ, đến khi hết tiền phải "dẹp tiệm". Vậy là ông thầy Bảy Viễn Châu lại viết thêm bài vọng cổ "Tư Ếch làm bầu".
"Đời tôi may mắn có được thầy Bảy"
.Dường như Văn Hường và soạn giả Viễn Châu có duyên nợ. Ông có thấy vậy?
- Lần đầu chúng tôi gặp nhau trong một quán ăn đã thành duyên nợ. Ổng thường vỗ vai tôi, từ lúc chưa nổi tiếng đến lúc thiên hạ gọi tôi là "Tư Ếch Văn Hường", với câu nói: "Ráng lên". Hai chữ đó ý nghĩa lắm nha. Ổng khuyên tôi cứ bình tĩnh mà sống, trải nghiệm nào cũng đáng quý. Mỗi lần bôn ba khắp nơi về lại Sài Gòn, tôi đều ghé thăm ổng, kể ổng nghe chặng đường, khúc quanh của đời mình, vậy là sau đó ông có thêm bài vọng cổ hài mà tôi là nhân vật chính. Có lần tôi quạu: "Thầy Bảy, tôi hổng kể ông nghe chuyện tôi nữa đâu?". Ổng lại chọc tôi: "Ráng lên". Tôi thách đố: "Hay ông thử viết bài vọng cổ "Tư Ếch cãi tay đôi Bảy Bá". Ổng lại cười: "Ráng lên". Bây giờ ổng về chầu trời rồi, nhắc đến ổng ứa nước mắt. Đời tôi may mắn có được ổng dìu dắt, nâng đỡ, viết bài ca để tôi kiếm cơm, kiếm danh. Nhớ ơn ổng lắm, có lần tôi đi hát tỉnh, sau ngày đất nước thống nhất, về thăm ổng, tôi nhét vào túi ổng 2 chỉ vàng. Ổng trả lại một chỉ, nói: "Phần này lo mồ mả cho ông bà già, để đất lở sụp xuống thì có tội với song thân". Tôi lại khóc. Ổng sống sâu sắc lắm. Sau này tôi mới biết chỉ vàng tôi biếu ổng dành mua thuốc cho vợ, chị Bảy cũng bệnh nặng mà gia cảnh ổng khó khăn.
.Có điều gì tệ nhất khiến ông sợ khi nhắc lại?
- Quên tuồng. Tôi bị thầy Bảy rầy hoài, bởi ổng viết hàng trăm bài vọng cổ hài cho tôi ca, mà lời bài này tôi nhớ lộn qua bài kia, đi ca ở đâu có ổng tôi rầu lắm. Nên phải nhớ tuồng, nhớ bài ca. Có lần qua Mỹ diễn, bà con kiều bào thương tôi lắm, cứ đề nghị ca những bài nào có dính đến hai chữ "Tư Ếch". Không có ổng nên tôi cứ phang đại, nào dè sau này có YouTube, bà con kiều bào quay lại đăng lên, ổng coi được, tôi tới thăm, ổng giận. Sai một chữ, nghĩa bài ca châm biếm của vọng cổ hài đã khác đi, cho nên tôi đã làm thầy Bảy buồn. Tôi thú tội là do một lúc ca đến gần chục bài, bà con cứ yêu cầu mà ra cớ sự. Ổng lại cười: "Ráng lên! Biết là già khó học tuồng nhưng thà hát ít mà hát đúng, còn hơn hát nhiều mà trật lất thì hư danh tiếng".
.Trong nghề nghiệp của mình, ông tối kỵ điều gì nhất?
- Hát nhép. Vọng cổ hài của tôi độc đáo nhờ cái chữ xuống hò ự ự. Biểu tôi ca nhép theo tiếng mình thu trước, ông bà cha mẹ ơi, tôi đổ mồ hôi hột.
Trải nghiệm nào cũng quý
.Kim chỉ nam giúp ông sống khỏe, yên bình trong đời sống nghệ thuật suốt nhiều thập niên qua là gì?
- Chấp nhận thực tại, không viển vông. Hai điều này đồng nghĩa với khiêm nhường, bao dung và luôn mỉm cười.
.Như ông đã nói, nghệ sĩ dễ bị sa vào sự háo danh, háo thắng khiến trong suy nghĩ và hành xử thường dẫn tới sai lầm. Phải chăng đó là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng?
- Nghề nào cũng có cái giá của nó. Có ai đi trên thành công được trải hoa hồng. Háo thắng, tự kiêu là bệnh chung. Trải nghiệm nào cũng quý hết. Có điều Tổ nghiệp cho một mà muốn có mười thì gánh thất bại.
.Theo ông, bài vọng cổ hài vì sao đến thời điểm này bị mai một?
- Theo cách sáng tác của thầy Viễn Châu thì ông mượn câu chuyện hài hước để lồng ghép sự phán xét của chính mình về thế thái nhân tình. Cách đặt vấn đề trong bài vọng cổ hài giống như việc giải một bài toán sử dụng ngôn từ mà tác giả không được bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất. Thường sau này, các em trẻ viết bị mắc bẫy mà không biết. Cứ chạy theo sự chọc cười mà quên cái tứ sâu lắng cần thiết đó là thông điệp của câu chuyện trong bài ca sau những thông tin đã gửi đến thính giả. Nhớ hồi bài "Tư Ếch chạy xe Honda" nổi tiếng, lúc đó Sài Gòn nhập nhiều xe máy, hễ đi đến đâu cũng nghe câu mắng "sao mà khờ như Tư Ếch", mỗi khi các chủ xe chỉ dẫn con em mình cách chạy. Bài vọng cổ hài đã đi vào đời sống như thế đó. Ngày nay mai một là vì hiếm có người chịu viết, chịu quan sát cuộc sống để viết. Lại hiếm có người ca vọng cổ hài hay. Sau tôi, đã có Giang Châu, Hề Sa, An Danh, Phú Quý… Sau thế hệ này tới nay gần như xóa sổ.
Sống một cách an nhiên
.Đúc kết lại đời mình, ông có nghĩ chính những phản tỉnh sáng suốt về bản thân, thấu hiểu hơn bản thân đã cho ông tồn tại vị trí "Vua vọng cổ hài" cho tới ngày hôm nay?
- Cuộc sống trong xã hội hiện đại đầy ảo tưởng nên chính sự tỉnh táo của mình đã giúp mình trở nên dễ chịu hơn nhiều. Cuộc đời có đầy đủ các cung bậc cảm xúc; đủ vị mặn, ngọt, đắng, chua, cay nên tôi bình dị trong suy nghĩ để sống một cách an nhiên.
.Ông có hài lòng về cuộc sống của mình hiện nay?
- Quá hài lòng. Quán đờn ca tài tử của nhà tôi vẫn đông thực khách. Bà con thương đến ăn và nghe ca, tôi cũng có chỗ để "ự ự" những bài vọng cổ hài. Vợ tôi luôn chăm sóc cho chồng con. Trụ cột gia đình giờ là các con rồi, sau thời gian bôn ba, tôi gần như an dưỡng tuổi già bên cạnh những người thân. Thi thoảng nhóm nghệ sĩ đoàn Kim Chung, nơi tôi gắn bó một thời kéo đến, có khi gặp nhau ở quán cà phê điểm hẹn của nhóm, chúng tôi hàn huyên trong hạnh phúc của tuổi về chiều. Tôi hài lòng khi mình đã đi qua bao mùa giông bão, đời nghệ sĩ thăng trầm nhưng không dính vào những lùm xùm, bê bối, tôi đã sống đúng với lời khuyên của người sản sinh ra trường phái ca vọng cổ hài là "ráng lên" cho tới tận bây giờ.
Cơ duyên
Nghệ sĩ Văn Hường sinh năm 1932 tại Thủ Đức, trong một gia đình nhà nông. Năm 15 tuổi, ông lên Sài Gòn bán hạt dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân - số 30 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM).
Nghệ sĩ Lệ Liễu phát hiện "anh bán hột dưa ca hay", nên kêu về quán hát. Tình cờ, ông Bảy Cao - bầu gánh hát Hoa Sen - đến xem, nghe Văn Hường ca, thấy thích nên gọi nhiều nghệ sĩ khác đến cùng nghe để nhận xét. Trong số đó có soạn giả Viễn Châu.
Từ cơ duyên đó "Vua vọng cổ" Viễn Châu sáng tác vọng cổ hài, khởi nguồn cho trào lưu này đầu thập niên 1960 và người thể hiện bài "Tư Ếch đi Sài Gòn" đầu tiên chính là nghệ sĩ Văn Hường. Ông nổi danh như "diều gặp gió".
Năm 1972, ông hợp tác với ‘’vua’’ ngâm thơ Tao Đàn - cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên "Thanh Hải - Văn Hường". Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), rồi về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987 do tuổi cao, ông từ giã sân khấu, về mở quán nghệ sĩ Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP HCM cho đến nay.
Bình luận (0)