xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ thuật hóa trang vẫn trình độ "ao làng"

Thanh Hiệp thực hiện

"Bậc thầy hóa trang", NSƯT Trịnh Xuân Chính cho rằng chúng ta bỏ rơi, không đào tạo đội ngũ nghệ thuật hóa trang có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới

. Phóng viên: Tạo hình hóa trang của thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới, công nghệ 4.0, trong khi Việt Nam vẫn ở trình độ lạc hậu. Là "bậc thầy" của ngành nghệ thuật này, ông có suy nghĩ gì?

- NSƯT Trịnh Xuân Chính: Gần đây, cụm từ "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4" được nhắc tới khá nhiều, đa số đề cập những vấn đề chung của nền kinh tế, hiếm thấy bàn đến yếu tố văn hóa nghệ thuật, trong đó vai trò của nghệ thuật hóa trang tôi cho là rất quan trọng. Những gì tôi sáng tạo trong giai đoạn đất nước còn nghèo về cơ sở vật chất đến nay, xem ra đã quá lạc hậu trong khi công nghệ 4.0 đã giúp nghệ sĩ mô phỏng nên một hình hài, gương mặt, vết thương… chính xác trên màn hình với hiệu ứng 3D để ứng dụng vào thực tế. Không phải mất hàng giờ ngồi hóa trang, những mô cấy ghép nhờ công nghệ này đúng đến từng milimet. Ta lạc hậu vì chưa có đội ngũ chuyên viên được đào tạo bài bản để ứng dụng công nghệ này.

. Ông đã sang Mỹ tham khảo rất nhiều về công nghệ ứng dụng nghệ thuật hóa trang tiên tiến. Theo ông, nếu bắt đầu từ con số 0 để ngành hóa trang hội nhập từng bước với trình độ của các nước tiên tiến, chúng ta cần phải làm gì?

- Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được con người trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Với hóa trang, con người là yếu tố quyết định. Quan trọng trước hết là giáo dục nghệ thuật hóa trang phải đổi mới đúng hướng hiện đại hóa. Ta bỏ rơi lãnh vực này, không đào tạo đội ngũ lao động nghệ thuật hóa trang với đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới. Ở Hàn Quốc, mỗi năm chuyên ngành hóa trang gửi hơn 1.000 sinh viên sang các quốc gia có nền điện ảnh hiện đại như Mỹ, Anh, Pháp để học tập. Không phải học về là mặc nhiên được các hãng phim, nhà đài nhận vào làm việc ngay, mà phải qua sàng lọc. Nên họ không học theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" mà phải ứng dụng được với tinh thần dân tộc rất cao. Nghĩa là biến những thứ được học thành cái của mình.

Từ sau khóa đào tạo do tôi giảng dạy cách đây 20 năm đến nay, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM không tuyển sinh riêng khóa nào, nói chi đến việc đưa sinh viên ra nước ngoài tu nghiệp để có thể phát triển công nghệ như các nước trong khu vực. Ta làm lại từ con số 0 thì phải xem trọng việc đào tạo.

Nghệ thuật hóa trang vẫn trình độ ao làng - Ảnh 1.

NSƯT Trịnh Xuân Chính hóa trang vai diễn trong phim cho diễn viên Anh Thư. Ảnh: THANH HIỆP

. Nhưng liệu chỉ chú tâm đến đào tạo mà không tính đến đầu ra để lực lượng này làm nên chuyện thì có hiệu quả không?

- Đúng là đầu ra của ngành này cũng là một lỗ hổng. Các hãng phim, các nhà sản xuất ngại tốn kém chi phí, làm vội, làm ẩu nên đội ngũ này có đào tạo tốt cũng khó mà làm nên chuyện. Có đội ngũ thì phải thành lập trung tâm nghệ thuật hóa trang chuyên nghiệp, trung tâm này là nơi các hãng phim, sân khấu đặt mối liên kết để cung ứng sản phẩm. Trung tâm cũng là nơi tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi nghiệp vụ, đào tạo, huấn luyện với các nước. Ở đây cần đến vai trò của nhà nước. Ta cứ làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi, xem việc nào cũng nhẹ, cứ từ từ thì văn hóa nghệ thuật của ta cứ tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Đừng nghĩ kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển. Không đầu tư, nó phát triển theo kiểu nào?

. Nhưng theo ông, vì sao vẫn còn những rào cản khiến bộ môn nghệ thuật hóa trang chưa phát triển được?

- Trình độ hóa trang gần đây của Việt Nam thấy rất khá ở những bộ phim do các đạo diễn Việt kiều làm. Họ ít nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến nên đã tạo hiệu ứng rất tốt. Cụ thể là qua các phim của Victor Vũ, Hàm Trần, Charlie Nguyễn, Nguyễn Dương, Trần Anh Hùng, Lưu Huỳnh… Hiệu ứng hóa trang trong các phim này đã tác động đến các đạo diễn sân khấu, cho họ thấy nếu cứ làm "lè phè" thì sản phẩm kém chất lượng. Diễn viên trẻ ngày nay chịu thua khi bảo họ hóa trang, tạo hình những nhân vật tính cách. Họ có bao giờ chịu tìm tòi nghiên cứu để hóa trang cho đúng đâu. Chỉ cần đúng thôi chứ chưa nói đến yếu tố làm đẹp, làm khéo.

Rào cản một phần ở ý thức. Không chỉ học hỏi công nghệ tiên tiến mà còn phải đầu tư mua sắm nguyên vật liệu. Qua rồi cái thời vì nghèo mà "cạo nhọ nồi" để thay bút chì, lấy si-rô thay máu… Ta cứ mãi ngại tốn kém, ngại đầu tư thì cứ quanh quẩn trong ao nhà.

. Nhìn lại thế hệ học trò của mình, ông có tin sẽ có người thay ông gánh vác trọng trách đánh thức tiềm năng của ngành hóa trang?

- Cách đây 20 năm, tôi có đào tạo khóa chuyên tu, các em ra trường vì mưu sinh, có người đã chuyển sang hóa trang cô dâu tiệc cưới hoặc mở tiệm chụp ảnh có hóa trang. Như đã nói, không hình thành trung tâm hóa trang công nghệ cao mà tôi đã đưa vào công trình nghiên cứu thì làm sao tìm ra nhân tố tích cực để cùng gánh vác trọng trách. Càng suy nghĩ tôi càng buồn.

. Nhưng không lẽ ông buông xuôi, bỏ mặc cho đam mê của mình trôi đi?

- Tôi làm được gì khi chưa thể đào tạo một thế hệ trẻ tiếp nối? Mỗi khi có công việc ở các hãng phim, sân khấu, thấy các diễn viên đứng xem tôi làm việc, bao giờ tôi cũng chiêu dụ: hãy đến học, thầy truyền hết nghề. Cũng có em tìm đến nhưng chỉ vài ba bữa là mất hút. Nỗi lo mưu sinh kéo các em đi, kéo luôn cả ước mơ tìm thấy thế hệ hậu bối toàn tâm toàn ý cho công việc này của tôi. Nhưng tôi chợt tỉnh ra. Thôi thì còn khỏe còn học. Cứ mày mò học, từng bước đến với công nghệ hóa trang hiện đại, qua những gì mình lĩnh hội được sau các chuyến đi thực tế ở nhiều quốc gia, để viết tiếp công trình nghiên cứu và giáo trình giảng dạy. Sau đó lập trang web, tạo diễn đàn trao đổi trên mạng, hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ, trong đó có nhiều đạo diễn, diễn viên quan tâm. Nếu buông xuôi là tôi có lỗi với đam mê của đời mình. 

Không muốn làm người lữ hành đơn độc

Là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành hóa trang phim ảnh, sân khấu tại Việt Nam. Nhiều năm qua, ông có nhiều sáng chế nguyên vật liệu hóa trang để làm đầu trọc, đầu hói, vết thương, râu tóc, tạo được nhiều hiệu quả giống, đúng, đẹp, góp phần không nhỏ cho thành công của nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, ông có khả năng pha chế hóa mỹ phẩm cho hóa trang hiệu ứng đặc biệt bằng nguyên liệu trong nước, giúp tiết kiệm chi phí hơn chục lần nếu phải mua ở nước ngoài.

Ông là người thầy uyên bác, nhiều kinh nghiệm và cũng là người nghệ sĩ tận tụy, tâm huyết trong sáng tạo nghệ thuật hóa trang. Đến nay dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn hăng say làm việc, luôn canh cánh, trăn trở cho nghề hóa trang tại Việt Nam. Đi nhiều, tích lũy nhiều kiến thức, ông đã viết nhiều sách, giáo trình đào tạo và công trình nghiên cứu cấp nhà nước về nghệ thuật hóa trang.

"Dù được tôn vinh, ca ngợi, nhưng tôi không lấy đó làm vui. Nếu tôi được tôn vinh giữa hàng ngàn đồng nghiệp giỏi thì đó mới là vinh dự. Thực lòng, tôi không muốn làm người lữ hành đơn độc. Chỉ mong sao nghệ thuật hóa trang của nước ta được quan tâm hơn để có nhiều nhân tài và ngày càng phát triển"- NSƯT Trịnh Xuân Chính bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo