Chữ "Ngộ" với thư họa
Họa sĩ Lê Vũ, tên thật là Lê Quang Vũ (72 tuổi, quê Quảng Nam, ngụ tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng.
Từ nhỏ, ông đam mê học vẽ truyền thần với một thợ vẽ giỏi nhất Hội An. Ông theo gánh hát gia đình để vẽ áp-phích, cảnh trí các vở tuồng. Sau đó, ông định cư ở Nha Trang lập nghiệp bằng nghề vẽ áp-phích quảng cáo cho phim chiếu rạp.
Cuộc sống mưu sinh với nhiều khó khăn, ông chuyển hướng qua âm nhạc khi làm việc tại đoàn Hải Đăng. Nhưng tình yêu hội họa đã thôi thúc ông trở về với cây cọ, tuýp sơn mưu sinh bằng nghề vẽ quảng cáo tại nhà. Tuy vậy, trong một thời gian dài ông vẫn cứ trăn trở và ray rứt mãi về những bức tranh của riêng mình. "Ngồi trước khung tranh mà thẩn thờ, lòng hổ thẹn với chính mình. Lập thể, Ấn tượng, Siêu thực… Đâu là lối đi cho riêng mình? Hay chấp nhận làm nghề dịch vụ để kiếm cơm nuôi gia đình"- ông tâm sự.
Họa sĩ Lê Vũ vẽ biểu diễn chữ Phúc hình tượng núi sông
Thư họa Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thư họa Thiền sư Thích Nhất Hạnh với hình tượng chân dung bằng 2 chữ "Nhất Hạnh", vạt áo là chữ "Bụt"
Người xem dễ dàng nhận ra được chân dung danh nhân và tạo hình con chữ đúng theo tên người
Thế rồi dịp may hay nói như ông là "cái duyên" ấy đã đến với ông. Một ngày đầu tháng 5-2000, ông theo đoàn văn hóa - thông tin của tỉnh Khánh Hòa vào TP HCM tham dự Triển lãm "Triển vọng Việt Nam 2000 - 2010". Vô tình họa sĩ Lê Vũ vào gian thư pháp và dừng lại trước bức thư pháp viết chữ Ngộ. Nét bút, con chữ toát lên cái thần về một đấng minh triết, với giọt nước mắt vô thường, hiện ra đơn giản và tinh lọc toàn bộ khuôn hình.
"Tôi xem xong mà ngộ ra một điều từ những con chữ tiếng Việt không chỉ viết thư pháp mà còn có thể thư họa chân dung. Trong lòng khi đó lâng lâng, bồng bềnh như tìm ra hướng đi của cuộc đời. Và rồi sau hơn 20 năm nghiên cứu những tác phẩm lần lượt ra đời được công chúng đón nhận"- họa sĩ Lê Vũ cho biết.
Hồn chữ Việt
Lê Vũ chia sẻ, cái khó nhất của người họa sĩ vẽ chân dung là nắm được cái thần, đôi mắt. Tuy nhiên, với người vẽ thư họa bằng chữ Việt lại càng khó hơn vì phải sử dụng đường nét con chữ bằng chính tên danh nhân để tạo thành mà không có nét thừa. "Có những chân dung chỉ cần tôi phác thảo, chấm mực, vẽ là xong ngay. Nhưng có những bức tôi vẽ đi, vẽ lại nhiều lần mà vẫn không được. Như bức chân dung Bồ Đề Đạt Ma, gần 10 ngày ròng rã mới hoàn thành. Điều quan trong nhất là người xem phải đọc được tên, con chữ của danh nhân. Nên phải viết theo trục ngang hoặc dọc và phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa con chữ nhưng vẫn giữ được hồn cốt của nhân vật mình thể hiện"- họa sĩ Lê Vũ cho biết.
Thư họa Bồ Đề Đạt Ma mà họa sĩ Lê Vũ trăn trở gần 10 ngày để hoàn thành
Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đến tháng 7-2009, họa sĩ Lê Vũ đã thực hiện hơn 100 bức thư họa danh nhân và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là "Người vẽ thư họa danh nhân thế giới nhiều nhất" vào năm 2010. Đến tháng 12-2020, ông tiếp tục nhận kỷ lục Việt Nam với "Bộ tranh gồm 8 bức kết hợp thư họa, thư pháp chủ đề về Tâm linh Tôn giáo bằng chất liệu sơn dầu trên vải toan lớn nhất". Các tác phẩm tranh này cao 2m rộng 1m được kết hợp thư họa và thư pháp và tranh được treo đứng trong một khung mây chắc chắn để du khách dễ dàng chiêm ngưỡng.
Chữ "Giác Ngộ" với hình thượng Phật Tổ
Thư họa Thánh Gia, Chúa hài đồng
Từ bi tượng hình thành Quan Thế Âm Bồ Tát với chiếc bình cam lộ
Danh nhân Phan Bội Châu
Vua hề được tạo hình từ con chữ
Hàn Mặc Tử với mái tóc, kính, mắt, chân mày, tai sắp thành chữ "Hàn";
Tóc, mắt lông mày thành chữ "Văn"; má, khuôn râu trên và râu dưới thành chữ "Cao"
Bình luận (0)