Nếu không có cái đẹp, ngành thời trang sẽ không tồn tại; chiếc gương cũng không cần có mặt trên đời; đồ dùng, vật dụng không cần nhiều màu sắc, hình dáng; kiến trúc có khi chỉ cần là một khối hình hộp che mưa che nắng, khi đó chúng ta có thể sẽ đi nhầm địa chỉ vì chúng giống nhau; văn học, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh... cũng theo đó ngủ yên.
Nói về người phụ nữ đẹp, ca dao Việt Nam có câu: "Trúc xinh trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh". Khi đã đẹp thực sự thì vẻ đẹp đó dù hiện hữu ở đâu, như thế nào... giá trị vẫn không đổi, không dễ dàng làm cho lu mờ, khuất phục.
Ở một khía cạnh khác, triết gia nổi tiếng người Đức - Kant - từng nói: "Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình". Đó là thị hiếu, là "gu", là cảm quan, cảm xúc, là tiêu chuẩn - mỹ học riêng của mỗi người.
Có khi đẹp chỉ là khái niệm, quan niệm, chỉ tồn tại theo tiêu chuẩn, xu hướng của mỗi thời đại, trở thành chất xúc tác thúc đẩy ngành mỹ thuật công nghiệp (thời trang, kiến trúc, tạo dáng sản phẩm, đồ họa...) càng ngày càng phát triển.
Cái đẹp còn được lưu giữ, bảo tồn, níu kéo thông qua các viện bảo tàng, các công trình trùng tu, bảo tồn và ngày nay các mỹ viện không còn là độc quyền của phụ nữ!
Thế còn cái đẹp tâm hồn thì sao?
Đó là lối sống, nghị lực sống, là lòng bao dung, sự thủy chung, là đức hy sinh, sự vị tha, là tinh thần tương thân tương ái, sự tử tế...
Đề cao cái đẹp trong tâm hồn, tục ngữ Việt Nam có câu: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".
Tục ngữ Ý cũng có câu: "Người ta trang điểm cái thân mau chóng hơn trang điểm cái tâm", cái đẹp tâm hồn tựa như viên ngọc, "càng mài càng sáng" vậy!
Nhưng điều đó không có nghĩa "nội thất" quan trọng và cần thiết hơn "ngoại thất" hay ngược lại, mà cần bổ túc cho nhau. Danh họa lừng danh người Ý - Leonardo da Vinci - từng nói: "Khi tâm hồn không hợp tác cùng đôi tay, không có nghệ thuật".
Nếu như đẹp trong mắt tốt là tấm gương soi rọi thì trong mắt xấu lại là cái gai, sự cản trở, vì thế xấu luôn ganh ghét, đố kỵ, bất chấp thủ đoạn tìm mọi cơ hội dìm đẹp vào trong vùng tối, hả hê cho rằng trong bóng tối thì "nhà ngói cũng như nhà tranh". Xấu không thể ngờ rằng trong vùng cực tối ấy đẹp lại tỏa ra luồng ánh sáng tương phản lung linh, rực rỡ. Ở vùng tranh tối tranh sáng khác, ánh sáng ngược tạo nên ánh sáng ven như tô vẽ các đường nét khiến đẹp thêm rõ nét và huyền bí. Còn xấu giành nơi ánh sáng chói lòa, rỡ ràng nhất để khoe khoang... Xấu có biết đâu rằng sự chói sáng quá mức ấy vốn không phải hào quang mà còn làm lóa xóa đi nhiều nét, phô phang tất thảy mọi nhược điểm nên che giấu...
Nếu như đẹp bề ngoài có thể đánh giá bằng thị giác, có thể dễ dàng thay thế, sửa đổi, giá trị có thể phụ thuộc vào xu hướng, vào "mắt của kẻ si tình"... thì đẹp nội tâm lại là sự sâu lắng, tinh tế, đồng điệu - chuẩn mực là bất biến, giá trị là vĩnh hằng!
Bình luận (0)